Khi nào ăn cá ngừ dễ bị ngộ độc?
Cá ngừ là một loại hải sản chứa hàm lượng Omega-3 cao rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, nếu ăn phải cá ngừ ươn thì rất dễ bị ngộ độc Histamin. Những người nhiễm phải độc tố này thường có các triệu chứng như mặt đỏ bừng, tiêu chảy, buồn nôn, nổi mẩn ngứa toàn thân…
Giá trị dinh dưỡng của cá ngừ
Cá ngừ là một hải sản chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Là nguồn thực phẩm giàu chất đạm, chất béo, Vitamin và khoáng chất. Đặc biệt loại cá này chứa hàm lượng Omega-3 rất cao. Ai cũng biết, Omega-3 là một chất béo rất tốt đối với cơ thể, giúp giảm mỡ máu, giảm nguy cơ xơ vữa mạch máu, giảm huyết áp, phòng ngừa bệnh tim mạch, hạn chế thoái hóa khớp…
Chính vì vậy, cá ngừ là một thực phẩm được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, nhiều người lại không dám ăn cá ngừ vì cho rằng đây là loài cá độc, khiến tức ngực và đau xương, nhất là những người bị bệnh về xương khớp.
Khi nào ăn cá ngừ dễ bị ngộ độc?
Sự thật là bạn chỉ bị ngộ độc cá ngừ khi ăn phải cá ngừ ươn mà thôi. Rất nhiều trường hợp bị ngộ độc không phải do bản thân có độc, mắc bệnh dị ứng mà là do ăn phải cá ươn, để lâu ngày.
Trong cá ngừ và các loại cá có thịt đỏ như cá hồi, cá cơm than,…chứa hàm lượng Histamin rất cao. Đây là độc tố tạo ra khi cá chết. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, khi cá bị ươn thì enzim trong cá dưới tác động của men Decarboxylase sinh ra từ vi khuẩn sẽ hoạt động phân huỷ các Axit amin histidin – sắc tố đỏ của cá ngừ thành chất Histamin.
Histamin là chất có khả năng gây dị ứng dữ dội cho người dùng như phù người, nhức đầu, nôn mửa, ngứa đỏ ngoài da, tiêu chảy…Nếu ăn một lượng Histamin quá cao, có thể xuất hiện các triệu chứng đau đầu, choáng váng, tim đập nhanh, mệt lả…Nguy hiểm hơn, bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, hàm lượng đạm trong cá ngừ rất cao. Khi cá chết, chất đạm này sẽ chuyển hóa thành chất độc không tốt cho cơ thể. Chưa kể, để giữ cá được tươi lâu, nhiều người đã sử dụng hóa chất như ure, hàn the để ướp cá. Chính vì vậy, cá ngừ bị ươn chứa rất nhiều độc tố gây hại cho sức khỏe.
Một số lưu ý khi chọn mua và chế biến cá ngừ
Bạn nên chú ý lựa chọn cá ngừ còn tươi để hạn chế tối đa lượng Histamin có thể gây ngộ độc. Cá ngừ tươi có thịt thân chắc, mắt trong, mang đỏ, cắt ra còn máu đỏ tươi, hậu môn ở gần đuôi cá nhỏ, bụng ruột cá còn kín, vây cá dính chắc vào thân, mùi tanh nhẹ…Bạn dùng tay ấn vào thân cá, thấy có vết lõm, thân cá rủ xuống, mang đỏ bầm, mùi tanh nồng…thì tức là cá đã bị ươn.
Khi mua cá về nếu chưa chế biến ngay thì có thể sử dụng muối để giữ cá được tươi lâu. Điều đặc biệt nguy hiểm là chất Histamin trong cá ngừ có đặc tính chịu nhiệt rất cao. Dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao nhưng Histamin vẫn không hề bị phá hủy.
Để loại bỏ độc tố này, khi chế biến cá ngừ, bạn nên chẻ đôi con cá theo đường xương rồi cắt khúc cỡ 10 cm và ướp 30 phút với gừng tươi. Gừng không chỉ giúp tăng thêm mùi thơm cho món ăn mà còn giúp giải độc, triệt tiêu tính gây dị ứng của cá ngừ. Khi nấu cá ngừ, bạn để lửa nhỏ đun vài chục phút. Sau đó mới cho lửa cháy mạnh vì enzym phân giải Protein của gừng hoạt động tốt nhất ở 60 độ C.
Tham khảo thêm:
Những người nào không nên ăn cá ngừ?
Cá ngừ rất tốt cho sức khỏe nhưng bạn phải thật cẩn thận khi sử dụng để không bị ngộ độc. Hi vọng rằng những chia sẻ trên của Tip Hay sẽ giúp quý độc giả an tâm hơn khi sử dụng loại thực phẩm bổ dưỡng này.