Khám phá lễ hội làng gốm Thanh Hà đặc sắc, ý nghĩa
Cùng khám phá lễ hội làng gốm Thanh Hà vô cùng đặc sắc và ý nghĩa thu hút hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm.
Lễ hội làng gốm Thanh Hà là một hoạt động truyền thống, văn hóa góp phần giữ gìn và phát huy cũng như đẩy mạnh công tác quảng bá làng nghề đặc sắc này đến với tất cả mọi người. Hãy cùng Tip Hay khám phá và tìm hiểu chi tiết hơn về lễ hội làng gốm Thanh Hà độc đáo và ý nghĩa qua bài viết sau đây nhé!
1
Đôi nét về lễ hội làng gốm Thanh Hà
Nguồn gốc lịch lễ hội làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà là làng nghề truyền thống lâu đời với hơn 500 năm tuổi ở Hội An, được hình thành vào năm 1516 ở làng Thanh Chiêm, sau đó dời lên Nam Diêu (phường Thanh Hà ngày nay).
Thời kỳ huy hoàng nhất của làng gốm Thanh Hà là vào thế kỷ XVII – XVIII, các sản phẩm đồ gốm của làng được tất cả mọi người sử dụng như: mái ngói cong, gạch đỏ cho các căn nhà cổ Hội An, nồi, khạp, chum, ấm, vại… tất cả những vật dụng này đều được người dân tạo nên từ đất sét cuối sông Thu Bồn.
Ý nghĩa lễ hội làng gốm Thanh Hà
Lễ hội làng gốm Thanh Hà, còn được gọi là lễ hội giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà. Vào dịp này, lễ hội được tổ chức rất sôi động và nhộn nhịp, nhằm tri ân và thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên đã truyền nghề và xây dựng làng gốm cho con cháu đời sau. Bên cạnh đó, thông qua lễ hội làng gốm để nhắc nhở con cháu phải giữ gìn và cố gắng phát huy truyền thống tốt đẹp này cũng như cầu nguyện cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc và phát triển.
2
Nghi thức lễ hội làng gốm Thanh Hà
Thời gian tổ chức: Mồng 09 – 10 tháng 07 m lịch (nhằm tháng 08 dương lịch). Ngay từ sáng sớm, mở đầu lễ hội là nghi thức rước kiệu tổ nghề gốm từ khu miếu Lùm Bà Dàng về khu miếu Nam Diêu, thu hút rất nhiều người dân tham gia. Đây có thể coi là phần đặc sắc nhất của sự kiện với đội hình lân sư rồng, dàn bát âm, nghi trượng, kiệu thần chủ, kiệu lư hương gốm,...rước kiệu và diễu hành qua khắp các nẻo đường. Sau đó, tại miếu tổ Nam Diêu, cư dân làng gốm Thanh Hà sẽ chuẩn bị một mâm cúng và dâng mẻ gốm đầu tiên để tri ân công đức của tổ tiên và cầu mong một năm mới thịnh vượng.
3
Các hoạt động hấp dẫn trong phần hội của lễ hội làng gốm Thanh Hà
Tham gia các trò chơi truyền thống sôi động
Một trong những hoạt động không thể thiếu đã làm nên thành công và ý nghĩa của lễ hội làng gốm Thanh Hà đó chính các trò chơi, cuộc thi sôi động hấp dẫn mà người dân hay khách du lịch đều có thể tham gia. Tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các màn biểu diễn đặc sắc của các nghệ nhân có tay nghề cao qua các phần thi như nặn tò te, chuốt gốm, nặn con thổi và nổi bật nhất phải kể đến cuộc thi đua thuyền trên sông Thu Bồn.
Bên cạnh đó, các du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian như đập nồi, kéo co, nấu cơm niêu, hát bài chòi,...vô cùng đặc sắc và thú vị.
Tự tay sáng tạo nên sản phẩm gốm độc đáo
Đến với lễ hội làng gốm Thanh Hà, chắc chắn du khách sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ và tuyệt vời khi được tự tay tạo ra các sản phẩm gốm của riêng mình. Thông qua sự chỉ dạy, hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân, bạn có thể tự do sáng tạo và làm ra các món đồ gốm yêu thích. Sau khi hoàn thành, du khách còn được mang sản phẩm của mình về nhà để làm kỉ niệm nữa đấy!
Chiêm ngưỡng quy trình sản xuất gốm điêu luyện của các nghệ nhân
Đất sét là nguyên liệu chính để làm nên các sản phẩm gốm ở làng Thanh Hà và từ một khối đất sét thô sơ cần phải trải qua nhiều công đoạn kết hợp bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân mới có thể tạo thành được một sản phẩm gốm đẹp mắt, mang đầy tính nghệ thuật. Khi đến đây, du khách đến đây sẽ được tận mắt nhìn thấy toàn bộ quy trình tạo hình gốm đó. Chắc chắn sẽ khiến các du khách thực sự trầm trồ, khen ngợi bởi khả năng làm gốm thuần thục, chuyên nghiệp của nghệ nhân đã biến một khối đất sét thành những sản phẩm nghệ thuật độc đáo và đẹp mắt.
Mua những món đồ lưu niệm ý nghĩa về làm quà
Khi đến tham quan làng gốm Thanh Hà, có một điều rất đặc biệt sẽ khiến các bạn không khỏi bất ngờ chính là người dân sẽ tặng cho mỗi du khách một món quà nho nhỏ làm kỷ niệm để thay cho lời cảm ơn sâu sắc. Việc làm này đã thể hiện được sự hiếu khách, nhiệt tình, nét đẹp quý báu đáng được trân trọng của người dân nơi đây. Ngoài ra, trong làng gốm Thanh Hà sẽ có khu vực trưng bày nhiều sản phẩm lưu niệm làm từ gốm vô cùng đẹp mắt để du khách có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè.
4
Kinh nghiệm đi lễ hội làng gốm Thanh Hà
Lễ hội làng gốm Thanh Hà diễn ra trong 2 ngày đó chính là ngày 9 và 10 tháng 7 âm lịch hàng năm. Trong đó, lễ hội sẽ gồm 2 hoạt động chính là phần lễ và phần hội.
Phần lễ: Vào chiều ngày 9 tháng 7 âm lịch thường tổ chức các lễ cúng. Còn vào sáng sớm ngày 10 tháng 7 âm lịch sẽ diễn ra nghi thức rước kiệu tổ nghề gốm từ khu miếu Lùm Bà Dàng về khu miếu Nam Diêu. Tiếp đó, thực hiện lễ tế theo nghi thức vào lúc 9h sáng cùng ngày.
Phần hội: Đa dạng các hoạt động vui chơi, giải trí hoặc thi đua giữa các tổ chức cá nhân với nhau như: chuốt gốm, chế tác gốm, trưng bày gốm, thi nặn, nấu cơm niêu, đua thuyền trên sông Thu Bồn…Tất cả hoạt động này được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 07 âm lịch
Sự kiện sau khi kết thúc 2 phần lễ và phần hội, ban tổ chức sẽ trao giải thưởng cho các thành tích xuất sắc trong cuộc thi.
Lễ hội làng nghề gốm Thanh Hà là một hoạt động văn hóa, truyền thống độc đáo và ý nghĩa thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham quan. Còn chần chờ gì nữa mà không xách balo lên và đi khám phá lễ hội đặc sắc này nhé!