Khám phá lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương của người Hoa
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu được tổ chức vào rằm tháng Giêng Âm lịch tại Bình Dương. Khám phá nét đẹp văn hóa của người Hoa tại lễ hội chùa Bà Thiên Hậu.
Bình Dương có những nét văn hóa lễ hội rất đặc trưng nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến là lễ hội chùa Bà vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hằng năm. Hãy cùng Bách Hoa XANH khám phá lễ hội ngày Tết chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương của người Hoa ngay nhé!
1
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu diễn ra ở đâu?
Chùa Bà Thiên Hậu còn được biết đến là chùa Bà Chợ Lớn, người dân hay gọi tắt là chùa Bà. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa được xây dựng tại đất Đề Ngạn xưa. Ngày nay, chùa Bà là nơi tín ngưỡng của đa số người Việt gốc Hoa ở Bình Dương và các tỉnh thành lân cận.
Miếu bà Thiên Hậu tọa lạc tại số 04 đường Nguyễn Du, thành phố Thủ Dầu Một và tại phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên.
Khoảng 1 tuần trước thời điểm diễn ra lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, người dân đến cúng tiến, dâng lễ vật và các nghi lễ cũng diễn ra rất linh đình trên các con đường xung quanh chùa. Lễ hội này được coi là ngày hội của cả tỉnh Bình Dương với không khí rộn ràng, tưng bừng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid nên ba năm trở lại đây, số lượng người tham gia lễ hội đã giảm đi nhiều, chủ yếu tổ chức bên trong khuôn viên chùa Bà để đảm bảo an toàn.
Tham khảo thêm:
Hội Xuân núi Bà Đen: Khám phá lễ hội tâm linh vùng đất thánh
2
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu tổ chức khi nào?
Chùa Bà Thiên Hậu tổ chức lễ hội rước kiệu Bà hằng năm, bắt đầu vào ngày 14 tháng giêng âm lịch, có thể nói đây là lễ hội lớn nhất tại Bình Dương nên số lượng khách tới hành hương lên đến hàng trăm hàng ngàn lượt. Người dân không chỉ ở Bình Dương mà còn từ các tỉnh thành lân cận đến cầu an, cầu sức khỏe và tài lộc.
3
Sự tích, ý nghĩa Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Bà Thiên Hậu có tên thật là Mi Châu, sinh vào năm Giáp Thân và sống ở Phước Kiến (Trung Quốc). Sự tích kể lại rằng Bà đã xuất thần khi đang ngồi dệt vải cạnh mẹ để cứu cha Bà và hai anh trai đang gặp nạn. Được biết là cha và hai anh trai Bà gặp bão lớn khi đang trên thuyền chở muối đến Giang Tây. Bà cứu được cha nhờ dùng răng cắn chéo áo của cha, còn dùng hai tay để nắm hai anh. Tuy nhiên, mẹ Bà lại gọi Bà ngay lúc ấy, ép Bà trả lời. Trong lúc Bà vừa mở miệng để trả lời thì không may cha Bà bị sóng cuốn đi. Cuối cùng Bà chỉ cứu được hai anh trai. Từ đó, mỗi khi ngư dân đi biển gặp nạn, người nhà đều đến vái Bà. Năm Canh Dần (1110) Bà được sắc phong là "Thiên Hậu Thánh Mẫu".
Sự tích Bà Thiên Hậu qua nhiều thế kỷ đã xuất hiện nhiều dị bản. Nhưng chủ yếu vẫn là đề cao một người phụ nữ người Hoa có tấm lòng cao đẹp, hiếu thảo, đức hạnh, dám xả thân vì chúng sinh. Bà đã trở thành hình tượng cao quý để giáo dục con cháu đời sau noi gương theo.
Để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự phù trợ của Bà, Chùa Bà Thiên Hậu đã được xây dựng và tổ chức lễ hội hằng năm. Mục đích của lễ hội là để ghi nhớ công ơn đối với Bà và để nhắc nhở con cháu đời sau phải có tấm lòng cao đẹp giống Bà, biết giúp đỡ cộng đồng.
4
Nghi thức lễ Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu được tổ chức với nhiều nghi lễ theo tín ngưỡng của người Hoa gốc Việt. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu được tổ chức vào lúc nửa đêm ngày 14 đến rạng sáng ngày 15 tháng giêng âm lịch hằng năm. Vào thời điểm này, đông đảo khách đến hành hương và tham gia lễ hội.
Lễ hội sẽ bắt đầu bằng một bài khấn khai mạc, tiếp đến là văn tế bằng tiếng Quảng Đông nhằm ca tụng công đức của Bà và bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Bà.
Phần đặc sắc nhất của lễ hội mà mọi người đều háo hức là lễ rước kiệu Bà được tổ chức vào ngày 15. Mọi người sẽ rước kiệu Bà đi xung quanh thành phố Thủ Dầu Một cùng với sự náo nhiệt của 30 đội múa lân. Người dân có nhà xung quanh hân hoan chuẩn bị lễ cúng và cầu mong Bà ban phước, ban lộc vào đầu năm khi đoàn rước đi qua trước nhà.
Vào đêm ngày 22, lễ tắm Bà sẽ được tổ chức. Và đến ngày 23, mọi người tổ chức lễ rước Bà thêm 1 lần nữa. Thanh niên nam nữ rước tượng Bà qua các con đường quanh chùa trong không khí rộn ràng tươi vui của đoàn múa lân, múa rồng, đội nhạc dân tộc,... Đoàn rước đi đến đâu đông đến đó vì sự “rủ rê” người dân địa phương cùng tham gia, đoàn người cứ thế kéo dài cả vài kilomet.
5
Kinh nghiệm đi trẩy Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Cách di chuyển tới chùa Bà Thiên Hậu
Nếu bạn bắt đầu khởi hành từ trung tâm Sài Gòn đi Chùa Bà Thiên Hậu, bạn có thể đi đường Trường Chinh - Xa Lộ Hà Nội (Tân Hưng Thuận). Sau đó đến Xa Lộ Đại Hàn, tiếp theo là đường Lê Văn Khương - Hà Duy Phiên. Bạn tiếp tục đi theo đường CMT8 (Thủ Dầu Một), rẽ Nguyễn Du là bạn đã tới được chùa Bà rồi.
Cần lưu ý gì khi trẩy Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu?
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu vào ngày rằm tháng giêng được đông đảo người tham gia từ Bình Dương đến các tỉnh lân cận. Vì vậy nếu tham gia lễ hội, bạn nhớ chú ý đồ đạc và nên giữ gìn cẩn thận những đồ vật có giá trị nhé!
Trên đây là thông tin về lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương người Hoa mà Bách Hóa XANH tổng hợp được. Hi vọng sẽ có ích cho bạn. Nếu có dịp hãy đến tham gia lễ hội và cùng hưởng ứng không khí náo nhiệt này nhé!