Hội chứng sợ không gian hẹp: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách khắc phục
Bạn có phải là người sợ hãi khi đứng tại một không gian kín và hẹp hay không? Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách hạn chế hội chứng sợ không gian hẹp nhé!
Hội chứng sợ không gian hẹp là một trong những hội chứng tâm thần phổ biến. Người bệnh sẽ có hiện tượng tâm lý của rối loạn lo lắng khi phải đối mặt ở những nơi không gian hẹp ví dụ như đứng ở chỗ đông người, trong thang máy hay trên máy bay,... Theo thời gian nỗi sợ này sẽ biến mất nhưng cũng có vài trường hợp nặng phải cần được điều trị.
1
Hội chứng sợ không gian hẹp là gì?
Hội chứng sợ không gian hẹp là một dạng rối loạn lo âu với tên gọi tiếng Anh là Claustrophobia. Người bệnh xuất hiện nỗi sợ hãi vô cớ về việc không có lối thoát hay bị khép kín khiến họ trở nên hoảng loạn, khó kiểm soát cảm xúc.
Các trường hợp có thể dẫn đến nỗi sợ không gian hẹp như người bệnh ở trong thang máy, căn phòng nhỏ không có cửa sổ,... thậm chí có trường hợp mặc quần áo kín cổ cũng gây nên cảm giác sợ hãi. Do đó, nhiều người sẽ tránh những nơi như tàu điện ngầm và thang máy, thay vào đó họ thích đi cầu thang bộ hơn. Theo thống kê cho thấy, có khoảng 5% người Mỹ, 10% người Anh rơi vào hội chứng sợ không gian hẹp.
Biểu hiện của hội chứng này xuất hiện từ rất sớm, đa số có từ thời thơ ấu. Do đó, nếu người bệnh không được phát hiện sớm và điều trị có thể khiến cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nỗi sợ không gian hẹp biến mất theo thời gian, thường thì nỗi sợ bởi không gian kín kéo dài ít nhất nửa năm.
2
Tác nhân gây sợ không gian hẹp
Nguyên nhân chính để gây nên nỗi sợ không gian hẹp vẫn chưa được xác định chính xác, tuy nhiên, nhiều giả thuyết được đưa ra có thể thấy rằng, yếu tố môi trường và trải nghiệm thời thơ ấu có tác động đến hội chứng này.
Bên cạnh đó, khi xét trên phương diện thần kinh học, hội chứng sợ không gian hẹp có liên quan đến việc rối loạn chức năng của hạch hạnh nhân trong não. Nó là một cơ quan có kích thước rất nhỏ nhưng với chức năng quan trọng trong việc điều hòa nỗi sợ, kiểm soát cảm xúc và điều khiển cách xử lý cảm xúc trước những tình huống gây ra sợ hãi bất ngờ. Theo như các nhà nghiên cứu cho thấy, kích thước hạch hạnh nhân bên phải của người mắc hội chứng sợ không gian hẹp nhỏ hơn so với người bình thường.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng, các phản xạ có điều kiện có thể gây nên hội chứng này, bằng những nỗi ám ảnh của người bệnh đã trải qua trong không gian hẹp, ví dụ như bị mắc kẹt trong đám đông hay trong một không gian hẹp,...
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng tác động đến hội chứng sợ không gian hẹp. Khi cha mẹ rơi vào hội chứng này, khả năng cao các con của họ cũng sẽ bị di truyền bởi cấu trúc của hạch hạnh nhân.
3
Biểu hiện của chứng sợ không gian hẹp
Khi tiếp xúc với các yếu tố gây sợ hãi và hoảng loạn, người bệnh sẽ có một số biểu hiện về cơ thể và tâm lý như:
- Đổ mồ hôi, nóng ran, run sợ.
- Cảm thấy hoảng loạn lo lắng khiến hơi thở gấp gáp, mất định hướng, choáng ngợp,...
- Bên cạnh đó, người bệnh có xu hướng tránh các nơi đông đúc và không gian kín. Họ sẽ còn có thói quen tìm chỗ thoát hiểm ngay khi đến một nơi nào đó như tòa nhà, phòng họp,...
4
Tác hại của hội chứng sợ không gian hẹp
Do người bệnh có xu hướng né tránh những nơi không an toàn cho họ dẫn đến ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống cũng như thói quen sinh hoạt của họ. Hậu quả là cuộc sống của họ sẽ bị giới hạn trong nhiều lĩnh vực từ cơ hội nghề nghiệp, học tập, vui chơi,... và có nguy cơ cao mắc các bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,...
5
Điều trị chứng sợ không gian hẹp
Hội chứng này thường sẽ được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý dựa trên triệu chứng của người bệnh. Tùy trường hợp có thể khỏi theo thời gian nhưng một số trường hợp có triệu chứng diễn tiến nặng hơn nên cần phải có biện pháp can thiệp. Một số phương pháp được sử dụng như:
Liệu pháp tâm lý dựa trên nhận thức và hành vi (Rational Emotive Behavior Therapy - REBT)
Liệu pháp này giúp người bệnh thay đổi nhận thức, suy nghĩ của bản thân để kiểm soát được hành vi của mình. Liệu pháp vận hành bằng cách khiến bệnh nhân đối mặt với nỗi sợ hãi mà họ đã từng trải qua, từ đó đưa ra nhận thức được điều đó không đáng sợ như họ nghĩ và hành vi hoảng sợ cũng dần thay đổi.
Liệu pháp nhận thức cá nhân
Đây là liệu pháp được áp dụng phổ biến với bệnh nhân bị chứng rối loạn lo âu. Phương pháp này phát huy tốt và cho ra hiệu quả khi bệnh nhân có những ám ảnh sợ hãi nhưng biện pháp này cần rất nhiều thời gian khi điều trị. Thống kê cho thấy, có khoảng 30% bệnh nhân đã vượt qua nỗi ám ảnh sợ hãi bởi phương pháp này.
Liệu pháp thư giãn và mường tượng
Người bệnh sẽ được điều trị cùng với sự hướng dẫn của chuyên gia để họ có cảm giác thư giãn ngay khi đối mặt với cơn hoảng loạn. Kỹ thuật của phương pháp này khá đơn giản chẳng hạn như người bệnh được hướng dẫn đếm ngược từ 10-1 hoặc ngắm một bức vẽ khi bị hoảng loạn.
Liệu pháp tiếp xúc với tác nhân
Liệu pháp này được sử dụng phổ biến bởi nó khiến bệnh nhân đối mặt trực tiếp với tác nhân gây nên nỗi sợ cho họ. Phương pháp này được thực hành như sau:
- Đầu tiên cho bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân trong tưởng tượng sau đó mới tiếp xúc với tình huống thực tế.
- Phương pháp sẽ được diễn ra cho đến khi bệnh nhân có cảm giác an toàn đối với tác nhân gây nên nỗi sợ của họ. Theo thống kê, đã có khoảng 75% bệnh nhân thành công vượt qua nhờ phương pháp này.
Sử dụng thuốc kê đơn
Dựa trên tùy tình trạng của bệnh, bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc kê theo toa của bác sĩ. Một số loại thuốc thường được sử dụng như:
- Thuốc chống trầm cảm: Hạn chế các tình trạng khiến não bộ căng thẳng.
- Thuốc chẹn beta: Giảm biểu hiện về thể chất như đau đầu, khó thở khi bệnh nhân bị nỗi sợ xâm chiếm.
Khi bệnh nhân được can thiệp và điều trị phù hợp, tỷ lệ cao bệnh nhân có thể quay lại cuộc sống bình thường.
Thông qua bài viết, Tip Hay đã chia sẻ với bạn về khái niệm, tác nhân, biểu hiện, tác hại cũng như cách điều trị của hội chứng sợ không gian hẹp. Hy vọng bài viết đã mang đến nhiều thông tin bổ ích cho bạn.
Nguồn: Vinmec.com