Hội chứng sợ biển là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Hội chứng sợ biển là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị hội chứng sợ biển ra sao? Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!
Hội chứng sợ biển (thalassophobia) là một trạng thái sợ hãi và ám ảnh mà người bệnh trải qua khi họ đứng trước biển hoặc tiếp xúc với không gian nước sâu. Vậy nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết của hội chứng sợ biển là gì? Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu nhé!
1
Hội chứng sợ biển thalassophobia là gì?
Hội chứng sợ biển, còn được gọi là thalassophobia, là một loại rối loạn lo âu mà người mắc phải thường có cảm giác sợ hãi, lo lắng, căng thẳng khi đối mặt với biển, đại dương hoặc những không gian nước sâu.
Thuật ngữ "thalassophobia" xuất phát từ tiếng Hy Lạp, trong đó "thalassa" có nghĩa là biển hoặc đại dương, và "phobia" có nghĩa là nỗi sợ hãi.
2
Triệu chứng của hội chứng sợ biển
Triệu chứng của thalassophobia có thể khác nhau đối với từng người. Một số người có thể gặp phải những triệu chứng nhẹ, trong khi người khác có thể trải qua những phản ứng mạnh mẽ hơn. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của hội chứng sợ biển:
- Lo lắng: Khi tiếp xúc với biển hoặc vùng nước sâu, những người bị thalassophobia sẽ cảm thấy lo lắng dữ dội. Họ có thể có những biểu hiện lo lắng như đổ mồ hôi, run rẩy, cảm giác căng thẳng và tim đập nhanh.
- Hoảng loạn: Khi đối mặt trực tiếp với biển, người mắc thalassophobia có thể trải qua cơn hoảng loạn. Các triệu chứng có thể bao gồm hơi thở nhanh, đau ngực, cảm giác sắp chết, cảm giác mất kiểm soát và khó thở.
- Né tránh: Người bị thalassophobia có xu hướng né tránh các vấn đề liên quan đến biển. Họ thường tránh đi du lịch đến vùng biển, đảo hoặc tham gia các hoạt động thể thao dưới nước. Một số cũng có thể tránh né khi xem hình ảnh hoặc video liên quan đến biển.
- Mất tập trung: Khi ở gần biển, cảm giác lo lắng, căng thẳng có thể làm giảm khả năng tập trung và hiệu suất làm việc của người bị thalassophobia.
- Khó ngủ: Trước khi có kế hoạch tiếp xúc với biển hoặc vùng nước sâu, một số người bị thalassophobia có thể gặp khó khăn trong việc ngủ. Nỗi sợ về biển sâu và những tưởng tượng đáng sợ có thể gây ra lo lắng và giảm chất lượng giấc ngủ
3
Nguyên nhân gây nên hội chứng sợ biển
Trải nghiệm tiêu cực liên quan đến nước trong quá khứ
Những người đã từng trải qua những trải nghiệm tiêu cực liên quan đến nước, như suýt chết đuối, tai nạn tàu biển, hoặc sự cố lặn, thường dễ mắc hội chứng sợ biển. Những trải nghiệm này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, tạo ra sự liên tưởng giữa nước và nguy hiểm trong tâm trí của họ. Những ký ức đáng sợ và căng thẳng này cũng có thể làm tăng khả năng phát triển thalassophobia.
Nỗi ám ảnh phổ biến
Hội chứng sợ biển thalassophobia có thể phát triển từ sự ám ảnh phổ biến của con người về những điều chưa biết và sự sợ mất kiểm soát. Biển cả và đại dương thường mang trong mình sự bí ẩn và vô tận, là những môi trường không thể kiểm soát được hoàn toàn bởi con người. Điều này có thể tạo ra cảm giác lo lắng và sợ hãi cho những người mắc thalassophobia.
Sự không thể dự đoán của biển cả có thể gây ra cảm giác mất kiểm soát và không an toàn. Những người mắc phải hội chứng này thường tưởng tượng rằng họ sẽ bị mắc kẹt, chìm sâu hoặc không thể thoát ra khỏi sức mạnh vô tận của biển. Sự hiện diện của nước sâu và không biết chắc chắn về những gì có thể ẩn chứa bên dưới bề mặt cũng gây nên nỗi sợ hãi và căng thẳng.
Thiếu giáo dục về đuối nước
Thiếu giáo dục về đuối nước là một trong những nguyên nhân chính của hội chứng sợ biển. Khi người ta thiếu kiến thức hoặc kinh nghiệm về các biện pháp cứu hộ và an toàn dưới nước, nỗi sợ hãi và ám ảnh có thể phát triển.
Việc không biết cách bơi lội hoặc không có khả năng tự bảo vệ trong môi trường nước có thể làm tăng cảm giác mất quyền kiểm soát và không an toàn. Khi người ta không cảm thấy tự tin hoặc không biết cách đối phó với các tình huống không mong muốn trong nước, nỗi lo lắng và sợ hãi sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Thiếu kiến thức về đại dương
Thiếu kiến thức về đại dương là một nguyên nhân khác gây ra hội chứng sợ biển. Những người có ít kinh nghiệm hoặc kiến thức về cuộc sống gần biển có thể không hiểu rõ về đại dương, biển cả và các yếu tố liên quan. Điều này có thể dẫn đến sự lo lắng và sợ hãi khi tiếp xúc với môi trường nước.
Các cá nhân sống ở những vùng không giáp biển cũng có thể gặp phải hội chứng sợ biển. Với ít cơ hội tiếp xúc với nước và không có kinh nghiệm thực tế, họ có thể không hiểu rõ về đại dương và sự đa dạng của môi trường nước. Do đó, khi đối mặt với biển hay những môi trường nước lớn, họ có thể cảm thấy bị lạc hướng, không an toàn và sợ hãi.
Ngoài ra, niềm tin sai lầm về nước cũng có thể góp phần vào sự phát triển của hội chứng sợ biển. Thông qua phương tiện truyền thông, những câu chuyện và tin tức về tai nạn đuối nước thường được tương truyền và lan truyền rộng rãi. Những thông tin tiêu cực này có thể tạo ra sự ảnh hưởng tiêu cực và làm tăng cảm giác sợ hãi và lo lắng về nước. Dựa trên những tin tức này, một số người có thể phát triển niềm tin sai lầm rằng nước là một môi trường nguy hiểm và sẽ gặp phải nguy cơ đuối nước.
4
Phương pháp điều trị hội chứng sợ biển
Liệu pháp nhận thức hành vi
Trong phương pháp này, người bệnh được khuyến khích nhận biết và nhận thức về các hành vi, nỗi sợ và suy nghĩ tiêu cực liên quan đến biển. Chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách đối phó và kiểm soát sự lo lắng, thông qua việc sử dụng kỹ thuật như hít thở sâu hoặc thư giãn cơ.
Liệu pháp tiếp xúc
Đây là phương pháp cho phép bệnh nhân tiếp xúc với những tình huống liên quan đến nước khiến họ sợ hãi, được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia. Bằng cách dần dần tiếp xúc với biển, đại dương hoặc vùng nước lớn, người bệnh có thể vượt qua nỗi sợ của mình. Phương pháp này giúp người mắc hội chứng sợ biển học được cách kiểm soát sự lo lắng khi đối mặt với tình huống đáng sợ.
Thiền định
Thực hành thiền định có thể giúp người bệnh duy trì sự bình tĩnh, giảm mức độ lo lắng và căng thẳng khi họ đối mặt với tình huống sợ hãi như biển, đại dương. Thiền định giúp tập trung tâm trí, nâng cao sự tỉnh táo và tạo ra trạng thái tĩnh lặng trong tâm trí.
Trên đây là những chia sẻ của Tip Hay về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị của hội chứng sợ biển. Hy vọng với bài viết này, bạn có thể bỏ túi được những thông tin hữu ích. Cảm ơn vì đã theo dõi!
Nguồn: Chuyên trang Hello Bacsi