Hội chứng ống cổ tay là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Hội chứng ống cổ tay là bệnh rối loạn hệ thần kinh ngoại biên, rất dễ gây teo cơ và tàn phế nếu không được điều trị kịp thời. Tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh qua bài viết!
Khi bạn gặp tình trạng thường xuyên tê mỏi, ngứa ran và cảm giác thấy các cơ bị yếu đi thì không được chủ quan, mà cần đến các cơ sở bệnh viện để thăm khám để tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, vì đó có thể là hội chứng ống cổ tay. Sau đây Tip Hay sẽ cùng bạn tìm hiểu về hội chứng ống cổ tay là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa nhé!
1
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Trong cơ thể con người, ống cổ tay là một khoang rỗng được bao trùm bởi gân gấp, xương và dây chằng. Trong đó chạy dọc ống cổ tay là sợi dây thần kinh giữa, giúp cảm nhận và điều khiển các cử động của tay.
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép, gây nên các triệu chứng như tê tay, đau nhức, ngứa ran, giảm hoặc mất cảm giác vùng bàn tay khiến bệnh nhân khó chịu.
2
Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay
Phần lớn bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay thường không rõ nguyên nhân. Nhưng hội chứng ống cổ tay xuất hiện dựa vào nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể bị tích tụ lâu ngày gây ra bệnh lý.
Hội chứng ống cổ tay có thể xuất hiện do một trong những nguyên nhân liên quan đến hoạt động hằng ngày do bệnh nhân thường xuyên làm công việc phải cử động gập cổ tay lặp đi lặp lại nhiều lần, gây áp lực lên dây thần kinh giữa. Các chấn thương liên quan đến khớp ở cổ tay hoặc bị viêm khớp.
Ngoài ra, cũng có thể do yếu tố di truyền về vấn đề bệnh lý ống cổ tay nhỏ. Việc sử dụng thuốc điều trị ung thư vú anastrozole (Arimidex) cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng. Hoặc hội chứng có thể xuất hiện ở những bệnh nhân liên quan đến bệnh tiểu đường, béo phì, suy thận, phù bạch huyết hoặc mãn kinh.
3
Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay
Vì hội chứng ống cổ tay liên quan đến dây thần kinh giữa bị chèn ép nên các triệu chứng sẽ được thấy rõ khi các bệnh nhân cử động cổ tay.
Bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay sẽ bị rối loạn về cảm giác. Cụ thể hơn thì bệnh nhân có cảm giác tê bì tay chân, đau buốt như kim châm hoặc rát bỏng vùng da do dây thần kinh giữa tác động, biểu hiện từ cổ tay cho đến các ngón. Các triệu chứng về cảm giác sẽ tăng lên khi bệnh nhân cử động cổ tay của mình nhiều và giảm đi khi nghỉ ngơi, ngừng vận động.
Trong trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ bị rối loạn vận động, cầm nắm và cử động khó khăn hơn, hay đánh rơi đồ vật hoặc có cảm giác các cơ bị yếu đi.
Bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay thời gian lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép kéo dài dẫn đến hẹp ống cổ tay, gây đau, tê cảm giác vùng da tay thuộc kiểm soát của dây thần kinh giữa.
Trong trường hợp để quá nặng và không điều trị kịp thời, bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay có thể gặp tình trạng bị teo cơ, giảm hoặc mất chức năng vận động bàn tay.
4
Đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay
Đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay cao sẽ tập trung vào những người có công việc sử dụng, vận động khớp cổ tay liên tục và thường xuyên, được lặp đi lặp lại động tác trong một thời gian dài.
Cụ thể hơn có thể thuộc các nhóm công việc như tài xế lái xe, thợ cắt tóc, nhân viên văn phòng đánh máy, thợ làm bánh, thu ngân, công nhân dây chuyền lắp ráp,.... Ngoài ra, còn có các đối tượng khác nhưng tỷ lệ mắc hội chứng sẽ thấp hơn.
5
Cách điều trị hội chứng ống cổ tay
Cách điều trị hội chứng ống cổ tay còn tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của từng bệnh nhân để đưa ra phương pháp phù hợp và hiệu quả nhất.
Trên thực tế có rất nhiều phương pháp điều trị hội chứng này. Nhưng phương pháp phổ biến và thuận tiện cho bệnh nhân thì sẽ được sử dụng nẹp cổ tay, giúp bệnh nhân cố định được cổ tay làm giảm thiểu sự tác động lên dây thần kinh giữa, cải thiện tình trạng đau nhức khi hoạt động.
Phương pháp điều trị nội khoa uống thuốc giảm đau, chống viêm. Phương pháp này chỉ áp dụng khi bệnh nhân thăm khám và được bác sĩ kê đơn, được chỉ định trong giai đoạn đầu của hội chứng viêm đau ống cổ tay.
Phương pháp điều trị ngoại khoa, áp dụng cho đối tượng bệnh nhân có tình trạng nặng, rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa thời gian dài nhưng không giảm. Trong phương pháp này bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ dây chằng ngang ống cổ tay làm tăng kích thước không gian, giải phóng áp lực lên các dây thần kinh và gân gấp.
6
Các phương pháp giúp phòng ngừa hội chứng ống cổ tay
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay thì bạn cần vận động và nghỉ ngơi đúng cách, khoa học. Theo Ths.BS Trần Quyết – Chuyên gia phẫu thuật Thần kinh Ngoại vi và cổ bàn tay, Trung tâm phẫu thuật khớp và Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh gợi ý một số phương pháp để phòng ngừa hội chứng như sau:
- Nếu bạn đang làm các công việc văn phòng phải dùng bàn phím và chuột máy tính liên tục, hãy sử dụng chuột máy tính phù hợp với bàn tay để cảm thấy thoải mái, không bị căng đau cổ tay trong thời gian làm việc dài.
- Để bàn tay và cổ tay được nghỉ giải lao thường xuyên: Nhẹ nhàng duỗi và xoa bóp cổ tay định kỳ trong 10 đến 30 giây sau mỗi 15 – 30 phút làm việc nhiều bằng tay. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn phải sử dụng một lực cổ tay lớn hoặc làm các công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay.
- Ngồi ở tư thế đúng: Việc ngồi sai tư thế thường xuyên có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở vùng cổ. Điều này có thể cũng sẽ khiến các dây thần kinh ở bàn tay bị tác động gián tiếp.
Như vậy, Tip Hay đã cùng bạn tìm hiểu về hội chứng ống cổ tay là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa rồi nhé! Chúc bạn luôn giữ được sức khỏe thật tốt.
Nguồn: Bệnh viện đa khoa Tâm Anh