Hạ khô thảo: Công dụng và các bài thuốc chữa bệnh dân gian
Là một loài thảo dược mọc hoang, hạ khô thảo được dùng trong nhiều bài thuốc dân gian vì có các công dụng như lợi tiểu, điều trị bệnh da liễu, huyết áp,...
Hạ khô thảo tuy chỉ là một loài cây mọc hoang nhưng lại đặc biệt hiệu quả trong việc bảo vệ và cải thiện sức khỏe. Hôm nay, hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu chi tiết hơn về công dụng cùng các bài thuốc từ loài cây này nhé!
1
Tìm hiểu về hạ khô thảo
Cây hạ khô thảo là gì?
Hạ khô thảo là một loài thảo dược rất nổi tiếng trong nền y học cổ truyền phương Đông, thuộc họ hoa môi, tên khoa học là prunella vulgaris và còn được gọi với nhiều tên gọi khác như: hạ khô thảo bắc, thiết sắc thảo, nãi đông,…
Đặc điểm của cây hạ khô thảo
Là một loài cây thân thảo, hạ khô thảo có thể sống được nhiều năm, dáng cây nhỏ, cao khoảng 70cm, thân mềm; lá mọc thưa thớt, đối nhau, có phiến nhìn giống mũi mác, gốc lá hình tù, dài thon về phía đầu, không có rãnh và cũng không xẻ cưa, đồng thời thân non còn được một lớp lông mịn bao phủ.
Bên cạnh đó, hoa hạ khô thảo sẽ thường mọc ở đầu cành cây thành từng cụm hoa dài 5 - 7cm, mỗi cụm có khoảng 6 - 8 bông hoa nhỏ, màu tím biếc và thường ra hoa vào tháng 4 - 6 mỗi năm. Đồng thời, khoảng từ tháng 7 - 8 hằng năm, cây hạ khô thảo sẽ đậu quả với những trái cứng, có kích thước nhỏ.
Ngoài ra, hạ khô thảo còn phân bố ở nhiều nước tại châu u và một số vùng có khí hậu ôn đới ở châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ hay các tỉnh An Huy, Hà Nam, Triết Giang, Giang Tô,... thuộc Trung Quốc. Còn tại Việt Nam, cây sẽ được thấy nhiều nhất ở cái tỉnh miền núi phía Bắc điển hình như Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hà Giang, Sapa (Lào Cai),...
Bộ phận sử dụng làm dược liệu
Không giống như các loại thảo dược khác, bộ phận được sử dụng để điều trị các triệu chứng sức khỏe từ hạ khô thảo chính là quả và các cụm hoa. Do đó, loại thảo dược này chỉ có thể khai thác vào mùa hạ và khoảng từ tháng 5 - 8 hằng năm.
Sau khi thu hoạch, hạ khô thảo sẽ được đem đi sấy hay phơi khô trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Đến lúc các bộ phận của cây đã khô hoàn toàn, bạn có thể sử dụng thảo dược của cây hoặc bảo quản thật kỹ trong các lọ, túi kính… nhằm tránh việc côn trùng gây hại cho cây cũng như hiệu quả sử dụng của thuốc sẽ được giữ trọn vẹn.
2
Công dụng của cây hạ khô thảo
Theo quan niệm Đông y, hạ khô thảo là loại dược liệu có tính hàn, vị đắng, chủ yếu được quy vào 2 kinh là can và đởm, từ đó giúp điều trị một số triệu chứng như tán uất kết, minh mục, tiêu ứ; thanh can hóa, trừ độc ở tử cung, âm hộ, chữa vết sưng, loa lịch; trị bệnh cao huyết áp, viêm tuyến vú, bướu cổ, đau mắt, viêm tuyến lệ,...
Ngoài ra, theo các nghiên cứu đã được công bố tại website của bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hạ khô thảo là một loại cây chứa rất nhiều hoạt chất đặc biệt như chất đắng, tinh dầu, muối vô cơ, prunella, alkaloid, tannin, saponin, glucoside,... và đặc biệt có hiệu quả trong việc chữa trị một số tình trạng sau đây:
- Giúp thanh nhiệt, suy giảm mụn nhọt, giải độc cũng như hỗ trợ điều trị viêm tuyến lệ, đau mắt đỏ.
- Duy trì khí huyết được lưu thông đều đặn trong cơ thể và từ đó giúp điều hòa huyết áp.
- Kháng khuẩn, kháng viêm hiệu quả, ngoài ra cũng hỗ trợ ức chế sự sinh sôi, phát triển của một số vi khuẩn, virus gây bệnh như phẩy hắc loạn, trực khuẩn lỵ, thương hàn, trực khuẩn lao, trực khuẩn biến dạng, khuẩn cầu chùm,...
- Giảm thiểu nguy cơ gây ung thư, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
3
Một số bài thuốc hạ khô thảo giúp điều trị bệnh
Lưu ý: Đây là các bài thuốc dân gian được đúc kết từ kiến thức của nền y học cổ truyền, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng các bài thuốc, khi thấy có dấu hiệu bất thường, cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám.
Bài thuốc chữa cao huyết áp
Để điều trị triệu chứng cao huyết áp, bệnh nhân có thể thực hiện một trong số các bài thuốc dân gian sau đây:
Bài thuốc 1: Từ các nguyên liệu gồm hạ khô thảo, bồ công anh, thảo quyết minh với 20g mỗi vị và cúc hoa, cây mã đề với 12g mỗi vị, bạn đem tất cả đi sắc kĩ, chắt lấy nước và uống thuốc hằng ngày.
Bài thuốc 2: Sau khi chuẩn bị 30g hạ khô thảo, 20g đường kính trắng và 50g đậu đen, bạn sắc kĩ hỗn hợp này để đường tan hoàn toàn và đậu được mềm nhừ ra, kế đó có thể chia để ăn nhiều lần trong ngày.
Bài thuốc 3: Từ những nguyên liệu gồm tang diệp, cúc hoa, hạ khô thảo với 9g mỗi vị cùng 12g câu đằng, bạn đem hỗn hợp dược liệu đi sắc để lấy nước uống hằng ngày.
Bài thuốc 4: Khi đã chuẩn bị 80mg mỗi nguyên liệu gồm táo nhân, cao đằng, huyền sâm, địa long, hà thủ ô, hạ khô thảo, bạn đem hỗn hợp trộn đều với nhau, chế thành viên nang, đồng thời uống 3 - 4 viên và 2 lần/ngày, sử dụng liên tục trong khoảng 1 - 2 tháng nhằm giúp tối ưu hiệu quả.
Bài thuốc hỗ trợ giải độc, giúp mát gan và trị mụn nhọt
Nhằm giúp giải độc, mát gan và trị mụn nhọt, bạn có thể chuẩn bị hạ khô thảo và sinh địa để đun thành trà, sau đó uống thay nước lọc nhằm giúp hỗn hợp dược liệu có thể phát huy hiệu quả tối ưu hóa nhất.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan B
Nhằm giúp hỗ trợ điều trị căn bệnh viêm gan B, bạn có thể chuẩn bị các dược liệu gồm hạ khô thảo, nhân trần, sài hồ với 12g mỗi vị, 8g chi tử và 30g chó đẻ răng cưa để sắc thành nước uống trong ngày
Đồng thời bệnh nhân cần uống liên tục trong 10 ngày với mỗi ngày một thang để thuốc phát huy hiệu quả, sau đó nếu bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm thì bạn có thể tiếp tục liệu trình thuốc thứ 2.
Bài thuốc điều trị đau mắt đỏ và giúp bổ, sáng mắt
Để hỗ trợ điều mắt đỏ cũng như giúp bổ, sáng mắt, bạn có thể tiến hành bài thuốc bằng cách chuẩn bị các dược liệu gồm lá dâu, hạ khô thảo với 10g mỗi vị, 12g hoa cúc trắng, 50g gạo tẻ cùng lượng đường phèn cân xứng với hỗn hợp trên.
Sau đó, bạn đem dược liệu đi rửa với nước sạch, đun kỹ để chắt lấy nước, bỏ bã rồi dùng phần nước này nấu với gạo tẻ thành cháo, đến khi cháo hơi sôi thì bạn cho thêm vào đường phèn, khuấy tan rồi chia phần cháo này để ăn 2 lần trong ngày.
Ngoài ra, mặc dù bài thuốc này có thể được sử dụng trong một khoảng thời gian dài mà không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, các bệnh nhân đang bị tiêu chảy mãn tính hay tỳ vị hư hàn cần tránh dùng bài thuốc này vì có thể khiến tình trạng sức khỏe trở nên trầm trọng hơn.
Bài thuốc hỗ trợ an thần
Để giúp an thần cho bản thân hoặc bệnh nhân, bạn có thể tiến hành bài thuốc này bằng cách chuẩn bị hạ khô thảo, thảo quyết minh, hoa cúc với 20g mỗi vị, dạ giao đằng, tang ký sinh, hoa hòe với 25g mỗi vị, toan táo nhân, địa long, xuyên khung, sao khô với 15g mỗi vị, sau đó đem dược liệu đi sắc thành thuốc và sử dụng mỗi ngày.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị lao phổi
Nhằm giúp hỗ trợ điều trị bệnh lao phổi cho bệnh nhân, bạn có thể thực hiện bài thuốc này bằng cách chuẩn hạ khô thảo, huyền sâm, sài hồ với 16g mỗi vị, chỉ xác, tang bạch bì với 8g mỗi vị, sau đó đem dược liệu đi sắc thành thuốc, đồng thời cần uống mỗi ngày để tình trạng bệnh có thể thuyên giảm nhanh hơn.
4
Lưu ý khi dùng hạ khô thảo
Vì là một loại thảo dược có tính dược lý khá mạnh, bạn nên lưu ý một số điều sau đây khi sử dụng hạ khô thảo:
- Hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng phụ của hạ khô thảo, tuy nhiên bạn vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng, cách sử dụng bài thuốc cũng như nếu thấy có bất cứ dấu hiệu dị ứng nào cũng đều cần phải đến cơ sở y tế gần nhà nhất để được thăm khám ngay.
- Bệnh nhân cần phân biệt 2 loại hạ khô thảo là hạ khô thảo bắc (loài hoa có màu tím đỏ) và hạ khô thảo nam (loài hoa có màu vàng, thấy nhiều ở vùng Thừa Thiên - Huế trở vào Nam, còn được gọi cải trời hay cải ma, thuộc họ cúc cũng như có đặc tính, công dụng khác hoàn toàn với cải bắc).
- Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai, cho con bú hoặc có vị âm hư thì không nên sử dụng loài thảo dược này.
5
Hạ khô thảo giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Ngày nay, một trong những nơi uy tín nhất để mua hạ khô thảo đó là tại Vietfarm - nơi nhập thảo dược chính gốc được nuôi trồng khép kín ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, đạt chuẩn theo GACP - WHO cũng như tuyệt đối không nhập các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, hạ khô thảo ở Vietfarm còn được bán với một mức giá ưu đãi rất dễ chịu khi chỉ khoảng 145.000 đồng/0.5 kg, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình cũng như từ đó giúp bệnh nhân có thể dễ dàng mua để điều trị bệnh của mình tốt hơn.
Trên đây là chi tiết thông tin về công dụng cũng như các bài thuốc chữa bệnh dân gian liên quan đến hạ khô thảo. Hy vọng với bài viết này của Tip Hay, bạn đã bỏ túi thêm những thông tin bổ ích về một loài cây dân gian nhằm từ đó có thể bảo vệ, cải thiện và phát triển sức khỏe của mình tốt hơn nhé!
Nguồn: Trung tâm dược liệu VietFarm