Giá trị dinh dưỡng của tôm khô, ăn tôm khô nhiều có tốt cho sức khỏe không?
Tôm khô củ kiệu hay tôm khô nấu canh là các món ưa thích của người Việt vì sự thơm ngọt của chúng. Nhưng liệu tôm khô có giá trị dinh dưỡng không và ăn tôm khô nhiều có tốt cho sức khỏe không, Tip Hay xin giải đáp cho bạn nhé.
Tôm khô là một nguyên liệu quen thuộc trong nhiều căn bếp Việt lẫn là một món ăn vặt gây mê mẩn, khi xào lên cùng các nguyên liệu khác như cải thìa lại trở thành món ăn hấp dẫn, hao cơm. Tôm khô được đánh giá là thực phẩm giàu đạm nhưng liệu nó đã là món ăn này có lợi cho sức khỏe. Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu hàm lượng dinh dưỡng của tôm khô bao gồm những gì, và nếu ăn nhiều tôm khô có “bổ quá thành bổ ngửa” không nhé.
1
Giá trị dinh dưỡng của tôm khô
Tôm khô được chế biến bằng cách phơi khô tôm tươi, trong đó loại tôm đất khô là ngon nhất. Thông thường, cứ 5 - 6 kilogram tôm tươi sẽ cho ra 1 kilogram tôm khô thành phẩm. Tôm khô không chỉ có ở Việt Nam và trở thành thương hiệu của một số vùng miền như Phan Rang - Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau, mà còn rất phổ biến ở các nước Đông Nam Á khác, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ở Châu Phi. Không như tôm tươi khi chế biến xào nấu có thể có mùi vị hơi ngấy, hương vị của tôm khô nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn giữ mùi vị tôm, đồng thời cũng khiến món ăn trở nên dậy mùi và hấp dẫn hơn.
Về mặt giá trị dinh dưỡng, tuy có thể ít ai biết nhưng tôm khô lại là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. 100 gram tôm khô ở Việt Nam chỉ cung cấp 347 calo năng lượng nhưng lại cực giàu đạm (protein) và các chất khoáng khác. Cụ thể 100 gram tôm khô khi được phân tích thành phần dinh dưỡng trong một nghiên cứu thuộc Viện dinh dưỡng Việt Nam và Viện vệ sinh dịch tễ trung ương thì bao gồm:
Đạm - 75,6 gram: Đây là hàm lượng đạm cao gấp nhiều lần so với đạm trong tôm tươi, chỉ 18,4 gram. Ngoài ra, tỉ lệ đạm này trong tôm khô còn được đánh giá là cao nhất trong các loại thực phẩm, cao hơn cả 100 gram thịt bò chỉ chứa 17,6 gram đạm, và 100 gram thịt lợn nạc có 18,6g đạm. Kết quả này đã làm thay đổi quan điểm vốn có cho rằng đạm trong thịt động vật tươi mới là cao nhất. Đạm là chất căn bản của sự sống tế bào, duy trì hoạt động sống của cơ thể con người.
Canxi - 236 miligram: Tôm khô cũng giàu canxi. Canxi là khoáng chất có hàm lượng cao nhất trong cơ thể con người và đảm nhận chức năng liên quan đến sự phát triển của hệ xương và cơ bắp, tuần hoàn máu và tính đàn hồi của da.
Phốt-pho - 995 miligram: Tôm khô còn là nguồn cung cấp phốt-pho dồi dào, loại khoáng chất có hàm lượng cao thứ hai trong cơ thể sau canxi. Phốt-pho thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong việc tái tạo mô và tế bào tổn thương, phát triển hệ xương và răng, thanh lọc các chất cặn bã trong máu và cơ thể.
Sắt - 4.6 miligram: Khi cơ thể thiếu sắt sẽ dễ bị thiếu máu, suy yếu và khó thở. Và tôm khô cũng là một nguồn cung cấp sắt rất dễ hấp thụ cho cơ thể.
Các nhóm vitamin B (509.5 miligram), và chất béo chưa bão hòa (3.8 gram).
2
Ăn tôm khô nhiều có tốt không?
Tôm khô chính vì rất giàu đạm nên Viện dinh dưỡng Việt Nam cũng đã khuyến nghị chúng ta nên tiêu thụ tôm khô một cách điều độ. Việc sử dụng đạm quá mức cần thiết cho cơ thể trong thời gian đủ dài sẽ gây nhiều triệu chứng như táo bón, tăng cân, hôi miệng, mất nước, tiềm tàng nguy cơ gây ung thư trực tràng, bệnh gout và bệnh tim. Vậy nên, viện dinh dưỡng Việt Nam đã khuyến nghị một người lớn nặng 80kg chỉ cần ăn gần 1 lạng tôm là đã thừa nhu cầu chất đạm trong một ngày.
Tóm lại, tôm khô là món ăn không gây rủi ro cho sức khỏe. Có nhiều cách chế biến tôm khô như kết hợp với món khác nhau như thịt lợn, rong biển, dùng để nấu canh, nhất là canh bí xanh và bầu, rim chua ngọt, tóp mỡ tiêu xanh vừa ngon vừa cung cấp dinh dưỡng.
Và nếu tôm khô được làm và bảo quản đúng cách, các chất dinh dưỡng quan trọng sẽ được giữ lại một cách tốt nhất, không bị biến chất và đảm bảo sức khỏe của bạn. Khi đi mua tôm khô tại chợ truyền thống, siêu thị hay cửa hàng thức ăn thì cần lựa chọn kỹ càng tránh mua phải tôm khô giả, hay tôm khô ẩm mốc hư hỏng, tôm khô chế biến kém chất lượng.
Việc lựa chọn tôm khô ngon cần kỹ lưỡng quan sát hình dáng, màu sắc, mùi vị bên ngoài để xác định. Về màu sắc, tôm khô tốt là loại có màu hồng nhạt đến hồng sáng, không trắng nhợt, không thâm đen. Nếu chọn mua tôm khô cả vỏ thì phải đảm bảo còn nguyên con, tránh không mua tôm khô dập nát. Còn nếu mua tôm nõn khô không có đầu thì phải nguyên mình, không vụn nát, không sâu mọt, mốc meo.
Về mùi vị, tôm khô tốt có mùi vị thơm ngon, không có mùi khác lạ. Ngược lại, tôm khô “giả” kém chất lượng sẽ vừa khó tách thân bằng tay, vừa có hóa chất làm sạch hay làm trắng hay mùi nhựa. Nếu dùng bật lửa để đốt tôm khô giả thì sẽ có khói đen và mùi khét. Và không kém phần quan trọng, các bạn cũng nên lựa chọn các thương hiệu tôm khô có tiếng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Đến đây bài viết của Tip Hay đã giúp bạn hiểu hơn về giá trị dinh dưỡng của tôm khô chưa? Tôm khô là món ăn nhiều chất có lợi cho sức khỏe và song song phải có điều độ khi tiêu thụ hằng ngày, tránh mua tôm khô kém chất lượng. Hi vọng bạn đã có nhiều kinh nghiệm hơn để thật an tâm sống khỏe khi dùng tôm khô và tự tin lựa chọn lựa tôm khô ngon để trữ trong nhà trong các ngày Tết nguyên đán cũng như thường ngày nhé.
Xem thêm:
>> Phân biệt tôm khô thật và giả
>> Tết cần gì phải mua tôm khô khi đã biết cách làm tôm khô bằng nồi chiên không dầu cực dễ