Em bé đi ngoài phân có bọt có nguy hiểm không?
Rất nhiều cha mẹ thắc mắc liệu em bé đi ngoài phân có bọt có nguy hiểm không. Cùng Tip Hay tìm hiểu vấn đề này ngay qua bài viết dưới sau nhé!
Trẻ sơ sinh có cơ thể khá yếu ớt và không thể nói cho cha mẹ biết mình đang cảm thấy như thế nào. Chỉ một số thay đổi nhỏ của bé cũng cần được quan tâm, kể cả bé đi ngoài phân có bọt. Đây là hiện tượng khá phổ biến ở những trẻ có độ tuổi từ 0-36 tháng tuổi. Cùng tìm hiểu xem bé đi ngoài phân có bọt có nguy hiểm hay không nhé!
1
Bé đi ngoài phân có bọt có bình thường không?
Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài từ 5-7 lần trong một ngày. Đối với trẻ có sức khỏe bình thường, phân sẽ có kết cấu hơi mềm, lỏng và mang màu vàng đặc trưng nên có rất nhiều phụ huynh lầm tưởng con đang bị tiêu chảy. Thực chất trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sẽ đi ngoài hơn 10 lần một ngày, phân rất lỏng và có bọt.
Gần như tất cả các trường hợp trẻ đi ngoài phân có bọt xảy ra ở những trẻ có độ tuổi từ 0-36 tháng tuổi. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và sức đề kháng còn yếu. Khi thấy con đi ngoài phân có bọt, cha mẹ cần theo dõi liên tục và đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám khi nhận thấy những điều bất thường khác.
Bé đi ngoài phân có bọt là hiện tượng không hiếm gặp. Nếu bạn thấy tần suất đi ngoài của bé không thay đổi và bé vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường,... thì có thể yên tâm nhưng vẫn cần theo dõi đều đặn hàng ngày.
Tuy nhiên, nếu bé đi ngoài phân có bọt kèm theo tình trạng quấy khóc liên tục, bỏ cữ bú, sụt cân,... thì bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ để chữa trị kịp thời. Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường kể trên, phân của bé có thể có màu xanh sẫm, xanh bã đậu, phân lỏng hoặc cứng kèm theo chất nhầy có lẫn máu.
2
Nguyên nhân làm bé đi ngoài phân có bọt
Cho bé uống sữa công thức không phù hợp
Sữa công thức là sản phẩm dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ có một loại sữa công thức phù hợp riêng và có thể gây ra phản ứng nếu không được sử dụng đúng loại.
Bên cạnh việc pha sữa đúng cách, cha mẹ cần chú ý đến các thành phần có trong sữa. Ví dụ, một số trẻ sơ sinh không dung nạp được lactose nên khi sử dụng sản phẩm sữa có chứa thành phần này sẽ dẫn đến tiêu chảy và đi ngoài phân có bọt.
Bé đang tập ăn dặm
Thông thường, những đứa trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên sẽ bắt đầu tập ăn dặm. Điều này gây ra sự mới lạ cũng như thay đổi đột ngột trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng phân có bọt ở trẻ. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng các chất có trong những loại thức ăn như bột ăn dặm, cháo, rau củ,... sẽ gây ra phản ứng cho bé, cụ thể là đi ngoài phân có bọt.
Trong giai đoạn tập ăn dặm này, hiện tượng bé đi ngoài phân có bọt là điều vô cùng bình thường và sẽ biến mất sau một khoảng thời gian ngắn nên bạn không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ, tránh gây ra tình trạng tiêu chảy nhé!
3
Bé đi ngoài phân có bọt nguy hiểm không?
Như đã đề cập, bé đi ngoài phân có bọt là hiện tượng thường gặp và cách điều trị khá dễ dàng. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như mệt mỏi, ốm yếu, kiệt sức, thậm chí là suy hô hấp, suy đa tạng nếu cha mẹ không theo dõi liên tục và đưa bé đi điều trị kịp thời.
Chính vì vậy, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường kèm theo hiện tượng phân có bọt, bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ ngay.
4
Nên làm gì khi bé đi ngoài phân có bọt?
- Kiểm tra lại đồ ăn của bé: Bạn cần kiểm tra và đảm bảo rằng thực phẩm cung cấp cho bé là phù hợp và vệ sinh. Cần hạn chế đồ chiên, cay nóng, dầu mỡ,...
- Ngưng sử dụng sữa không phù hợp: Nếu lý do chính dẫn đến hiện tượng bé đi ngoài phân chứa bọt là sữa công thức, bạn cần ngưng cho bé uống và theo dõi thêm để lựa chọn được loại sữa phù hợp.
- Không tùy ý cho bé uống thuốc: Việc cho con uống những bài thuốc dân gian hay thuốc cha mẹ tự chọn chỉ khiến tình trạng bệnh của con nặng hơn, thậm chí gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Đưa bé đến gặp bác sĩ: Khi phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường như bé quấy khóc, mất ngủ, sụt cân nhanh, kiệt sức,... cùng hiện tượng phân có bọt, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và chữa trị.
5
Cách phòng tránh tình trạng bé đi ngoài phân có bọt
Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ các vật dụng của bé
Điều đầu tiên mà các bậc phụ huynh cần làm là đảm bảo vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng của bé như đồ chơi, bình sữa,... Điều này giúp hạn chế tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp và tiêu hóa của trẻ.
Các phương pháp vệ sinh đồ dùng bao gồm hấp tiệt trùng, rửa với nước rửa chuyên dụng,... và nên được thực hiện đều đặn 2-3 lần/tuần. Ngoài ra, những người trong gia đình cần rửa tay sạch sẽ và vệ sinh cơ thể sau khi đi đường về trước khi tiếp xúc với trẻ nhỏ.
Lưu ý chế độ dinh dưỡng của mẹ
Chế độ ăn uống hàng ngày của người mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa mẹ. Mẹ bỉm cần ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước, hạn chế các thực phẩm cay nóng, chiên rán, dầu mỡ,... để đảm bảo sức khỏe cho trẻ sơ sinh khi bú sữa.
Lớp sữa đầu tiết ra còn khá lỏng và ít chất dinh dưỡng nên bạn có thể loại bỏ phần sữa đầu, cho bé bú sữa đặc hơn để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé
Cha mẹ cần bổ sung các loại vitamin, trái cây tươi, thực phẩm chứa canxi, selen, sắt, kẽm,... cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Khi cơ thể được cung cấp đủ dinh dưỡng, sức khỏe bé sẽ cải thiện tốt hơn, chống lại các tác nhân dẫn đến tình trạng đi ngoài phân có bọt và hạn chế các bệnh lý. Ngoài ra, bạn cũng nên theo dõi những phản ứng của bé với các loại thức ăn để nhận ra và điều chỉnh kịp thời.
Trên đây là bài viết giải đáp câu hỏi em bé đi ngoài phân có bọt có nguy hiểm không cũng như một số lưu ý xoay quanh vấn đề này. Hy vọng thông tin do Tip Hay tổng hợp sẽ hữu ích với bạn.
Nguồn: vinmec.com