Ếch òn - món ăn 'siêu kinh dị' nhưng lại là đặc sản ở Thái Lan và Việt Nam
Bạn đã bao giờ nghe đến cái tên ếch òn chưa? Nếu chưa thì chắc chắn bạn sẽ hú hồn khi lần đầu thấy ngoại hình của nó đó. Cùng tìm hiểu thêm về loài vật này nhé.
Không thể phủ nhận một điều mạng xã hội là một sân chơi đem đến cho mọi người những tin tức, thông tin mới - lạ - độc mà không cần đi xa. Gần đây, cộng đồng mạng đã có một phen “mắt chữ A, mồm chữ O” với một món ăn trông “siêu kinh dị" mà lại được ăn rần rần ở Thái Lan và cả Việt Nam.
Từ đây dân mạng lại trổ tài đồn đoán của mình. Người thì cho là ếch, người tranh cãi là ễnh ương. Thực ra con vật này được gọi là ếch òn - một loài cùng họ với ếch với cái bụng trương phình. Cùng Bách hoá XANH tìm hiểu thông tin về các món ăn ngon từ loài vật này nhé.
1
Ếch òn là gì?
Sau rất nhiều tranh cãi và bán tán ở trên mạng về con vật kỳ lạ này. Cuối cùng đã có lời giải đáp cụ thể đó là con ‘ếch òn' theo cách gọi của người Việt. Ở Thái Lan, người ta gọi là con "ưng" (cách phát âm của người Thái). Ếch òn là loài động vật lưỡng cư, cùng họ với ếch - nhái - ễnh ương chỉ khác là có cái bụng to tướng và trông có vẻ rất đáng yêu nữa. Ngoài ra đây được xem là đặc sản độc nhất vô nhị của đồng bào dân tộc Chăm tại khu vực Ninh Thuận.
Cái tên ếch òn xuất phát từ chính tiếng kêu của nó. Loài vật này không kêu “ộp ộp” như các loài ếch, nhái bình thường mà chúng thường kêu “òn ếch" để gọi bạn tình của nó.
Hàng năm khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống cũng là lúc hàng trăm, hàng ngàn con ếch òn nằm dưới đất, hang ẩm sẽ chui ra để tìm thức ăn, đẻ trứng và giao phối. Đây cũng là lúc người dân địa phương háo hức đi săn ếch, đặc biệt vào ban đêm vì chúng sẽ dạn dĩ hơn ban ngày.
Mỗi mùa săn ếch òn chỉ kéo dài khoảng nửa tháng hoặc dài hơn nếu mưa càng to, nên người dân tranh thủ cơ hội để kiếm thêm thu nhập và nguồn lương thực. Còn đối với du khách thì trải nghiệm bắt ếch òn lại là một việc rất thú vị.
Đối với dân tộc Chăm, ếch òn là một đặc sản rất quý và hiếm. Quý vì đây là một món ăn bổ dưỡng, thơm ngon, thịt ếch òn ngọt, thơm, xương mềm, phù hợp cho bữa cơm gia đình mỗi ngày hoặc làm món nhậu lai rai thì càng tuyệt. Còn chúng hiếm là vì chỉ có thể bắt số lượng lớn duy nhất 1 lần trong năm vào mùa mưa (thời điểm tháng 5, tháng 6) mà thôi.
2
Các món từ ếch òn
Ếch òn vốn là loài vật vốn giàu chất đạm, đầy thịt, thơm, xương mềm nên cách chế biến chúng cũng rất đa dạng. Chẳng hạn như các món luộc chấm nước sốt, ếch òn nướng chấm muối ớt, ếch òn chiên giòn, ếch òn trộn gỏi, đặc biệt có canh chua ếch òn nấu lá me non của người Chăm.
Ếch òn nướng
Đối với món nướng, sau khi bắt về, người ta sẽ sơ chế nó cho sạch chất nhầy, rồi phơi qua một ngày cho khô ráo. Tiếp đó thì lấy số ếch òn đã phơi đem nướng trên bếp lửa đến khi vàng giòn là được. Lúc ăn người ta hay làm một chén muối ớt cay, hoặc mắm me có giã thêm lá cà ri rừng rồi ăn cùng ếch òn nướng.
Canh chua ếch òn nấu lá me non
Nguyên liệu cần chuẩn bị là ếch òn, lá me non, gạo rang, cà chua, hành, ớt, gia vị cơ bản,... Đầu tiên ướp chúng với hành, ớt, đường, nước mắm rồi bỏ vào chảo xào tái. Tiếp đến là nấu nước dùng với một nắm gạo rang, cà chua, lá me non, cho ếch òn vừa xào vào nấu trên lửa liu riu một lúc là có thể thưởng thức.
Đây là một món ăn vừa tiết kiệm, thơm ngon, vừa đậm mùi dân dã của duyên hải Nam Trung Bộ mỗi đợt mưa nhiều, gió lạnh.
Tuy nhiên một điều khiến không ít người bất ngờ là tưởng chừng đây là món ăn “hiếm có khó tìm" của Ninh Thuận. Nhưng thực chất là đặc sản “xuyên quốc gia” giữa Việt Nam và Thái Lan đấy.
Cụ thể là tại khu vực Đông Bắc Thái Lan, nằm ở cao nguyên Khorat, ếch òn cũng được xem là một đặc sản vừa bổ vừa ngon với những cách chế biến gần giống với cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận. Chỉ khác ở nhiều loại gia vị truyền thống của Thái Lan được thêm vào để món ăn thêm đặc sắc.
Ếch òn là loài vật tuy có vẻ ngoài hơi “kinh dị" nhưng thật ra là đặc sản quý hiếm của người Chăm ở vùng Ninh Thuận và cả miền Đông Bắc Thái Lan. Nếu được một lần đến đây vào đúng mùa ếch òn thì hãy trải nghiệm bắt ếch òn cùng người dân địa phương và ăn thử đặc sản này nhé.