Đừng nên rửa mũi cho con mỗi ngày vì những lí do này
Một số phụ huynh có quan niệm rằng việc rửa mũi cho bé mỗi ngày kể cả khi bé khoẻ mạnh sẽ tốt cho sức khỏe của bé. Liệu rằng điều này có thật sự đúng?
Vào các thời điểm giao mùa, một số bé sẽ gặp tình trạng nghẹt mũi, hắt hơi, thở khò khè,... Để giảm thiểu sự khó chịu cũng như đề phòng các bệnh về hô hấp, nhiều bố mẹ đã chọn cách rửa mũi cho con mỗi ngày. Tuy nhiên, trên thực tế thì hành động này có thể mang đến nhiều hệ luỵ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con.
1
Có nên rửa mũi hàng ngày cho trẻ không?
Trước hết, câu trả lời ở đây chính là không nên. Theo Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - PGS.TS.BS chuyên khoa nhi Nguyễn Tiến Dũng cho hay, việc rửa mũi cho trẻ hằng ngày là không cần thiết và chỉ nên vệ sinh mũi mỗi ngày khi bé ốm. Việc rửa mũi hằng ngày không chỉ không bảo vệ bé mà còn gây hại.
Cấu trúc bên trong và niêm mạc mũi có hệ thống lông chuyển và tế bào biểu mô luôn rung liên tục, nhằm đẩy các vi khuẩn, virus, bụi bẩn,... vô tình hít phải ra bên ngoài. Vì thế, đôi khi sẽ có tình trạng hắt hơi, tiết dịch mũi, sổ mũi nhằm thực hiện việc đánh bay bụi bẩn và vi khuẩn.
Và điều này là quá trình miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Cho nên, nếu con không mắc các bệnh về hệ hô hấp được bác sĩ chỉ định phải rửa mũi thường xuyên, thì hành động này có thể gây bẩn bên trong mũi nếu như tay bố mẹ và các dụng cụ không được sát trùng, nước muối sinh lý để quá lâu,...
Vì những điều đã kể trên, bố mẹ cần từ bỏ thói quen rửa mũi hằng ngày cho con khi khỏe mạnh dù có vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, nhằm tránh vô tình làm mất đi chất dịch tự nhiên bảo vệ hoặc gây kích ứng niêm mạc mũi.
Trong trường hợp đường thở của trẻ bị hẹp lại do kích ứng với yếu tố nào đó hoặc bị bệnh đi kèm các triệu chứng như sổ mũi, thở khò khè, khó thở,... và để giảm thiểu các triệu chứng và ngăn bệnh trở nên phức tạp thì bố mẹ mới nên rửa mũi cho con.
2
Cách phòng tránh bệnh đường hô hấp cho trẻ
- Với những trẻ được bú mẹ hoàn toàn, mẹ hãy bổ sung đủ 4 nhóm dưỡng chất, đồng thời uống nước cam. Điều này sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cũng như tăng cường hệ miễn dịch cho bé.
- Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày nhưng tuyệt đối không bú quá no, sau khi bú xong, hãy bế bé khoảng 15-20 phút để tránh trẻ bị nôn trớ.
- Giữ không gian ngủ của bé luôn thông thoáng, không bị gió lùa vào nhằm tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, có thể lắp đặt máy lọc không khí để loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn có hại,... và giữ độ ẩm không khí ở mức có lợi cho sức khỏe của bé.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, các đồ dùng và đồ chơi của bé. Đồng thời, cần hạn chế cho bé ngửi phải các mùi có thể gây dị ứng như phấn hoa, nước hoa,... và tránh tiếp xúc với những loại khói độc hại như khói thuốc lá, khói bếp, khói than,...
3
5 lưu ý quan trọng để rửa mũi đúng cách
Tần suất thực hiện
Việc rửa mũi với tần suất dày đặc có thể vô tình lấy đi lớp nhầy tự nhiên bên trong khoang mũi, dẫn đến viêm nhiễm và tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus xâm nhập.
Vì thế tốt nhất, bố mẹ chỉ nên thực hiện phương pháp rửa mũi cho bé 2-3 lần/tuần nếu như trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, không có bị nghẹt mũi, thở khò khè,... Riêng với những bé mắc phải viêm đường hô hấp, phụ huynh có thể rửa mũi cho bé nhiều nhất 3 lần mỗi tuần.
Vệ sinh đúng thời điểm
Rửa mũi cũng cần chọn thời điểm thích hợp, vì nếu thực hiện điều này ngay sau khi bé ăn no sẽ dễ dẫn đến nôn trớ. Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên rửa mũi cho bé khi đang ngủ vì sẽ khiến nước muối đọng lại và chảy đến họng hoặc tai.
Cho nên, thời điểm thích hợp nhất để rửa mũi cho bé chính là trước khi bé ăn và trước khi đi ngủ.
Chọn dung dịch rửa mũi phù hợp
Hiện nay, trên thị trường có vô vàn các sản phẩm dung dịch rửa mũi với nhiều mức giá khác nhau. Nên mẹ cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nhằm chọn được loại dung dịch rửa mũi và nhỏ mũi phù hợp và an toàn cho bé.
Chọn dụng cụ rửa mũi
Dụng cụ rửa mũi cũng là thứ đóng góp rất lớn trong việc đánh bay các dịch nhầy và bụi bẩn bên trong khoang mũi bé.
Để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho sức khỏe của bé, bố mẹ không nên dùng phương pháp hút mũi cho trẻ bằng miệng. Thay vào đó, hãy chọn những dụng cụ rửa mũi hay bình rửa mũi chuyên dụng cho trẻ.
Đảm bảo an toàn vệ sinh
Trước khi thực hiện rửa mũi cho trẻ, mẹ cần đảm bảo tay đã được rửa với xà phòng diệt khuẩn và các dụng cụ dùng để rửa mũi cũng phải rửa sạch và khử trùng. Bên cạnh đó, sau khi sử dụng cần vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ này và bảo quản tại nơi kín và khô ráo.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn phần nào hiểu được lý do vì sao không nên rửa mũi cho con hằng ngày. Hãy theo dõi Bách hoá XANH để có thêm những thông tin hữu ích nhé!
Nguồn: Báo Tổ quốc