Đau nhức xương khớp: Nguyên nhân, cách điều trị, phòng ngừa
Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp có thể do thoái hóa khớp, chấn thương,... Để điều trị, bạn cần tập thể dục với cường độ vừa phải, có chế độ ăn hợp lý.
Hiện nay, đau nhức xương khớp là một tình trạng cực kỳ phổ biến ở cả người lớn lẫn trẻ tuổi. Hôm nay, Tip Hay sẽ chỉ rõ cho bạn về nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa vấn đề sức khỏe này nhé!
1
Đau nhức xương khớp là gì?
Là một cảm giác rất khó chịu ở bất cứ phần xương khớp nào trên cơ thể, đau nhức xương khớp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là do các bệnh lý toàn thân hoặc vì một chấn thương nào trước đó.
Ngoài ra, tình trạng đau khớp có thể chỉ ảnh hưởng đến một khớp hoặc thậm chí là nhiều vị trí khớp khác nhau, đồng thời từ các vị trí và mức độ đau này mà ta có thể chỉ ra nguyên nhân đau nhức xương khớp mà bệnh nhân đang gặp phải.
Tham khảo thêm: 4
cách giảm tê bì chân tay cho người bị tiểu đường tại nhà
2
Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp
Thoái hóa khớp
Một trong các nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng đau nhức xương khớp đó chính là thoái hóa khớp. Đây là một vấn đề sức khỏe xảy ra do sụn khớp lẫn đĩa đệm đều suy yếu, kèm theo đó là sự suy giảm dịch nhầy bôi trơn ở các khớp nên thường vấn đề này sẽ hay gặp ở những ai trên 40 và đặc biệt là hơn 60 tuổi.
Từ tình trạng bệnh lý này, người mắc phải sẽ bị cứng khớp và gặp khó khăn trong việc cử động khớp, ngoài ra hiện tượng thoái hóa khớp đặc biệt hay xảy ra ở các vị trí như khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng, khớp bàn tay, khớp ngón tay, cột sống lưng, cột sống cổ, khớp vai,...
Nhiễm trùng
Bên cạnh các hiện tượng nhiễm trùng ngoài da thường thấy thì việc nhiễm trùng ở các khớp, hay còn được gọi là sự viêm khớp nhiễm khuẩn đặc biệt có độ nguy hiểm hơn rất nhiều, do đó nếu cảm thấy đau nhức cơ xương khớp thì bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị ngay.
Chấn thương
Cũng là một nguyên nhân rất phổ biến cho tình trạng đau nhức xương khớp, chấn thương có thể chia thành các loại sau đây:
- Sai khớp: Trong quá trình sinh hoạt, tập luyện thể thao, tình trạng sai khớp hay bán trật khớp có thể xảy ra và thậm chí là tái diễn nhiều lần, khiến phần dây chằng, bao khớp bị tổn thương và để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng.
- Gãy xương: Là tình trạng xương mất đi sự kết nối liên tục, gãy xương có thể gây ra hiện tượng chảy máu, co kéo các cơ và máu chảy tràn đến nhiều vùng khớp cơ lân cận, từ đó làm tăng cảm giác đau nhức xương khớp.
- Tổn thương dây chằng: Khi dây chằng bị đứt 1 phần hoặc hoàn toàn, quá trình vận động sẽ bị hạn chế và tình trạng đau nhức xương khớp có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau.
Gout
Gout là tình trạng tinh thể monosodium urate bị lắng đọng trong cơ thể, dẫn đến sự viêm khớp cấp tính hoặc mãn tính và gây ra những hiện tượng như đỏ, nóng, sưng cũng như đau dữ dội, đồng thời thường xuất hiện ở nhiều bệnh nhân nam trên 30 tuổi.
Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn là một thuật ngữ để chỉ các bệnh lý xảy ra do hệ miễn dịch mất đi khả năng nhận biết, phân biệt giữa kháng nguyên trong cơ thể và các tác nhân gây hại ở bên ngoài khác. Từ đó, ta có thể phân chia nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm khớp do bệnh tự miễn thành các loại sau:
- Viêm khớp dạng thấp: Là tình trạng khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong vận động, thậm chí gây ra sự đơ cứng, đau nhức ở các vị trí như cổ tay, bàn tay,... mỗi khi thời tiết thay đổi.
- Lupus ban đỏ: Ngoài các triệu chứng ban đầu như rụng tóc, sốt nhẹ, tình trạng này còn có thể gây ra sự đau nhức xương khớp và thậm chí là tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị tích cực.
- Đau cơ xơ hóa: Là một hội chứng bị gây ra bởi sự rối loạn trong việc xử lý tín hiệu đau của não bộ, tình trạng này sẽ làm bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau nhức, ảnh hưởng đến giấc ngủ và thậm chí là cả trí nhớ.
- Viêm cột sống dính khớp: Là một loại bệnh mãn tính, viêm cột sống dính khớp sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân ở nhiều vị trí xương khớp khác nhau, trong đó phổ biến nhất là tại cột sống, khớp háng, khớp cùng chậu,...
Thiếu vitamin D
Là một khoáng chất vô cùng cần thiết cho việc phát triển xương khớp, tình trạng thiếu vitamin D sẽ dẫn đến một số biểu hiện thường thấy như đau mỏi, nhức nhối ở nhiều vị trí cơ xương khớp khác nhau, đồng thời còn dễ bị tái phát và gây ra sự uể oải, mệt mỏi.
Hiện tượng tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ, có thể gây nên tâm trạng mệt mỏi, khó chịu, bực bội, nghiêm trọng hơn là dẫn đến tình trạng mất ngủ, ra mồ hôi ban đêm, hội chứng niệu dinh dục và kèm theo đó là các cơn đau nhức xương khớp.
3
Triệu chứng của bệnh đau nhức xương khớp
Các triệu chứng hay gặp nhất của đau nhức xương khớp có thể phân loại như sau:
- Đau nhức, buốt trong xương: Xuất hiện ở những vị trí thường xuyên cử động như ngón tay, cổ tay, đầu gối và sẽ trở nặng khi vận động hoặc thay đổi thời tiết.
- Sưng đỏ: Tại các vị trí đau nhức xương khớp sẽ xuất hiện tình trạng sưng đỏ, nghiêm trọng hơn là có thể gây ra những dấu hiệu như sốt nóng, phần da khi ấn vào thì bị mềm,...
- Tê cứng khớp: Là tình trạng co duỗi khó khăn và thường xuất hiện khi bệnh nhân thức dậy vào mỗi sáng, cần phải vận động, xoa bóp thật nhẹ nhàng để có thể cử động bình thường.
- Trở nên nhạy cảm hơn với cơn đau: Các sụn khớp bị bào mòn, từ đó đầu xương trở nên trơ ra và làm bệnh nhân cảm nhận được cơn đau rõ ràng hơn.
4
Cách điều trị đau nhức xương khớp hiệu quả
Điều trị đau nhức xương khớp tại nhà
Ngày nay, viêm khớp thường chia thành 2 loại là viêm khớp dạng thấp (RA), viêm xương khớp (OA) và đây đều là 2 dạng viêm mãn tính. Tuy nhiên, mỗi tình trạng đau khớp cụ thể hiện vẫn chưa có phương thức điều trị hoàn toàn, do đó nếu bạn gặp phải tình trạng đau nhức này thì cần đến ngay bệnh viện để được sự thăm khám từ bác sĩ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên thay đổi lối sống sinh hoạt của mình theo sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ, cụ thể như là: Duy trì việc tập thể dục với cường độ vừa phải; Khởi động thật kỹ trước khi tập luyện; Giữ trọng lượng cơ thể trong phạm vi cho phép; Massage, tắm nước ấm và thường xuyên nghỉ ngơi, giãn cơ,...
Điều trị đau nhức xương khớp tại các cơ sở y tế
Trong một vài trường hợp đặc biệt, bác sĩ cần hút dịch khớp để làm xét nghiệm, kiểm tra sự nhiễm trùng hoặc các bệnh lý liên quan khác để tìm ra nguyên nhân bị đau nhức xương khớp ở bệnh nhân. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra các phương thức điều trị phù hợp như thay đổi lối sinh hoạt, sử dụng thuốc hay thậm chí là phẫu thuật.
Tham khảo: 10+
cách trị đau nhức xương khớp tại nhà giảm đau hiệu quả
5
Cách phòng ngừa đau nhức xương khớp
Tập thể dục đều đặn
Theo Tổ chức Viêm khớp và Thấp khớp tại Hoa Kỳ, việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp bệnh nhân quản lý cân nặng, đồng thời còn nâng cao sự dẻo dai và linh hoạt của các phần cơ khớp, từ đó cũng góp phần hỗ trợ cho việc phòng ngừa tình trạng đau nhức xương khớp.
Sử dụng liệu pháp nóng - lạnh
Nhằm làm suy giảm cũng như phòng ngừa sự biến chứng nặng của tình trạng đau nhức xương khớp, bạn có thể áp dụng liệu pháp này bằng các cách như: Tắm vòi sen bằng nước ấm hay tắm vào buổi sáng; Chườm lạnh lên các vị trí viêm, sưng, đau khớp hoặc bôi kem, thuốc mỡ vào da,...
Châm cứu
Là một phương pháp dân gian trong nền y học cổ truyền Trung Quốc, châm cứu khi được thực hiện bởi các chuyên gia có thể sẽ giúp làm suy giảm tình trạng đau nhức, khó chịu, từ đó giúp bệnh nhân khôi phục lại sự cân bằng của cơ thể cũng như phòng tránh các biến chứng khác nặng nề hơn.
Thiền để hỗ trợ giảm cơn đau
Bên cạnh khả năng giảm căng thẳng, thiền, yoga hay thái cực quyền,... sẽ là những bộ môn tập luyện nhẹ nhàng và rất phù hợp với những ai đang gặp phải tình trạng đau mỏi xương khớp, đồng thời cũng hỗ trợ cho bạn trong việc giãn cơ và điều tiết hơi thở hợp lý.
Có chế độ dinh dưỡng riêng
Ngoài việc ăn nhiều rau, trái cây cũng như như những loại thực phẩm giúp nâng cao hệ miễn dịch, bệnh nhân nên được bổ sung các hợp chất chống oxy hóa (đặc biệt có nhiều trong nghệ) và phòng tránh các món ăn chứa nhiều chất béo, cholesterol,... như thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, món ăn chứa nhiều đường, muối,...
Massage cơ thể
Không chỉ mang lại cảm giác thư giãn, dễ chịu, massage có thể giúp bạn phòng ngừa tình trạng đau nhức ở nhiều vị trí xương khớp khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý phương pháp này nên được thực hiện bởi các chuyên gia vật lý trị liệu, nhằm tránh gây ra những rủi ro hoặc biến chứng ngoài ý muốn.
6
Một vài câu hỏi thường gặp về bệnh đau nhức xương khớp
Bị đau nhức xương khớp nên ăn gì, kiêng gì?
Như đã nói ở trên, bệnh nhân bị đau nhức xương khớp cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa, nên thêm nghệ vào mỗi bữa ăn vì hợp chất curcumin có trong nghệ có thể giúp làm suy giảm tình trạng viêm cơ khớp.
Ngoài ra, bệnh nhân còn cần phải kiêng nhiều món ăn khác như thịt bò, rượu, nội tạng động vật, thực phẩm chứa nhiều muối, đường, gluten hay đã qua sự chế biến quá kỹ,...
Tham khảo: Tổng hợp những
thực phẩm tốt cho người bị đau nhức xương khớp
Người trẻ có bị đau nhức xương khớp?
Hiện nay, tình trạng đau nhức xương khớp xảy ra ở giới trẻ đã ngày một gia tăng, nguyên nhân dẫn đến việc này có thể là do sự loãng xương, thoái hóa khớp hay viêm khớp dạng thấp.
Vì thế, nếu không có sự thay đổi lối sống hay được chữa trị kịp thời, vấn đề này sẽ không thể thuyên giảm mà tệ hơn là còn tác động đến quá trình sinh hoạt, vận động hằng ngày của nhiều người trẻ tuổi.
Tham khảo: Nguyên nhân và cách phòng ngừa
đau nhức xương khớp ở người trẻ
Trên đây là đầy đủ các thông tin về nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng đau nhức xương khớp. Hy vọng với bài viết này của Tip Hay, bạn sẽ không cần phải mệt mỏi cũng như từ đó góp phần cải thiện sức khỏe cho gia đình mình tốt hơn nhé!
Nguồn: Tâm Anh Hospital, Dược phẩm Tâm Bình