Dấu hiệu và cách khắc phục máy giặt bị quá tải
Máy giặt bị quá tải sẽ không thể hoạt động hiệu quả. Vậy nên làm gì khi máy giặt bị quá tải? Tìm hiểu dấu hiệu và cách khắc phục máy giặt bị quá tải qua bài viết nhé!
Tình trạng máy giặt bị quá tải sẽ khiến cho máy giặt hoạt động kém hiệu quả, và khả năng làm sạch vì thế cũng giảm xuống, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ máy giặt nếu lặp lại thường xuyên. Cùng Tip Hay tìm hiểu dấu hiệu, tác hại và cách khắc phục máy giặt bị quá tải qua bài viết sau nhé!
1
Dấu hiệu máy giặt bị quá tải
Hiện nay, nhiều hộ gia đình đang sử dụng phổ biến 1 trong 2 loại máy giặt là máy giặt lồng ngang và máy giặt lồng đứng, tình trạng máy giặt bị quá tải khá dễ nhận biết dựa vào một số đặc điểm khi vận hành như:
- Đối với máy giặt lồng đứng khi hoạt động quá tải sẽ quay 1-2 vòng rồi ngừng, đồng thời phát ra những tiếng bíp bíp cảnh báo.
- Đối với máy giặt lồng ngang thì khi hoạt động quá tải, quần áo trong lồng giặt sẽ không được xáo trộn đều như bình thường mà sẽ rơi từ trên xuống theo phương thẳng đứng.
2
Nguyên nhân khiến máy giặt bị quá tải
Nguyên nhân chủ yếu khiến máy giặt bị quá tải là do người sử dụng cho quá nhiều quần áo cùng lúc vào trong lồng giặt, vượt qua cả khối lượng giặt tối đa mà nhà sản xuất khuyên dùng.
Mặt khác, nếu bạn cho quần áo quá nhiều vào lồng giặt mà không trải đều, sắp xếp cũng có thể khiến máy giặt quá tải. Còn nếu bạn cho nhiều đồ có khả năng hút nước cao như chăn len, chăn bông vào máy cũng có thể xảy ra tình trạng quá tải tương tự.
3
Tác hại khi máy giặt bị quá tải
Tất nhiên khi bất kì thiết bị điện nào hoạt động quá tải sẽ đều đem đến những tác hại nghiêm trọng và máy giặt cũng không ngoại lệ. Máy giặt bị quá tải sẽ ảnh hưởng đến khả năng giặt sạch hiệu quả, quần áo dễ bị hỏng và hư mòn hơn, bởi lúc này lồng quay sẽ quay chậm hơn và quần áo không được nhào trộn đều như khi hoạt động bình thường.
Không chỉ vậy, nếu tình trạng máy giặt bị quá tải xảy ra thường xuyên sẽ khiến máy giặt dễ bị hỏng. Khi quá tải, lồng giặt sẽ chuyển động chậm hơn khiến cho dây đai truyền động mau mòn nếu là dây curoa và khiến motor tăng hệ số trượt nếu là động cơ truyền động trực tiếp. Chính vì lí do đó sẽ khiến cho động cơ của máy giặt dễ bị nóng và gây nguy cơ cháy nổ. Đồng thời, khi máy giặt hoạt động quá tải sẽ tiêu tốn điện nhiều hơn.
4
Cách khắc phục tình trạng máy giặt bị quá tải
Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng máy giặt bị quá tải là không nên cho quá nhiều quần áo vào trong lồng giặt, nếu cho quá nhiều thì bạn nên lấy bớt đồ ra ngoài. Bạn nên lưu ý mỗi chương trình giặt cũng sẽ một khối lượng giặt tối đa mà nhà sản xuất quy định, do đó bạn nên tìm hiểu kĩ để tránh tình trạng máy giặt quá tải nhé.
Tốt nhất người dùng chỉ nên cho đầy khoảng 3/4 lồng giặt sẽ đảm bảo máy không bị quá tải và hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, khi cho quần áo vào máy thì bạn nên gỡ rối từng chiếc ra để tránh chúng cuộn vào nhau khi giặt.
5
Cách hạn chế tình trạng máy giặt bị quá tải
Để hạn chế tình trạng máy giặt bị quá tải, tốt nhất bạn nên phân loại và sắp xếp quần áo trước khi giặt. Nếu có quá nhiều đồ cần giặt thì bạn nên ưu tiên món đồ nào giặt trước và chia ra nhiều lần giặt để đảm bảo phù hợp với máy.
Bạn nên ưu tiên dùng bột giặt, nước giặt chuyên dụng cho máy giặt cửa trên và cửa trước để hạn chế tạo bọt quá nhiều khiến bọt tràn ra ngoài.
Trên đây là những thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng máy giặt bị quá tải. Hy vọng rằng qua bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn biết cách ngăn ngừa việc máy giặt bị quá tải và có cách xử lý phù hợp khi gặp phải nhé!