Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi bị dị ứng cá ngừ
Cá ngừ là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Nhưng nhiều người ăn cá ngừ bị dị ứng. Tìm hiểu dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi bị dị ứng cá ngừ dưới đây.
Dị ứng hải sản không phải một triệu chứng hiếm. Trong số đó có trường hợp bị dị ứng cá ngừ và gây ra nhiều biểu hiện ngoài da khá khó chịu như nổi mề đay, sưng đỏ,... Bài viết dưới đây sẽ thông tin tới bạn những dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi bị dị ứng cá ngừ. Cùng tìm hiểu nha.
1
Nguyên nhân gây dị ứng cá ngừ
Nguyên nhân đầu tiên là vì cá ngừ và nhiều loại hải sản có thể kích thích cơ thể tạo ra histamin và làm xuất hiện hiện tượng dị ứng. Một số loại ký sinh trùng ở ruột cá ngừ cũng có thể khiến bạn bị dị ứng nếu ăn phải.
Một số enzym tiêu hóa thức ăn trong ruột cá ngừ khi tác động với men decarboxylase sẽ tạo các histamin gây dị ứng. Nguyên nhân khác nữa là do người bệnh ăn phải cá bị ươn, thiu thì cũng dẫn đến phản ứng dị ứng của cơ thể.
2
Biểu hiện nhận biết dị ứng cá ngừ
- Những vùng da sưng to, nổi đỏ: Cơ thể khi bị dị ứng cá ngừ sẽ xuất hiện những biểu hiện nổi bật nhất là nhiều vùng da bị sưng to, nổi đỏ và có thể lan thành các mảng lớn. Người bị dị ứng thấy ngứa ngáy kinh khủng và rất khó chịu. Nếu bị nặng, mắt có thể sưng to, lưỡi và cổ họng cũng có thể bị sưng.
- Dạ dày co thắt, rối loạn tiêu hóa: Theo World Allergy Organization (Tổ chức về các bệnh dị ứng thế giới), histamin sẽ được đẩy ra ngoài khi cơ thể dị ứng nên người bệnh sẽ có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, đau dạ dày,...
- Hen suyễn: Nếu bị dị ứng nặng, người bệnh còn có thể xuất hiện những biểu hiện giống như hen suyễn (khó thở, ho liên tục, đau tức ngực,...).
- Sốc phản vệ: Cơ thể có thể bị sốc phản vệ khiến bệnh nhân mệt mỏi, chóng mặt, nôn, đau bụng dữ dội,... Phản ứng dị ứng lúc này đã cấp tính và có thể khiến người bệnh gặp nguy hiểm. Các chuyên gia cho biết, ở Mỹ đã có khoảng 30.000 người phải cấp cứu và 200 trường hợp tử vong do sốc phản vệ với cá ngừ.
3
Dị ứng cá ngừ nên làm gì?
Cách xử trí dị ứng cá ngừ tại nhà
Khi bị dị ứng cá ngừ, người bệnh cần bình tĩnh, sau đó nôn hết thực phẩm trong bụng ra ngoài giúp giảm nhẹ tình trạng bệnh. Tiếp theo, bệnh nhân cần uống nhiều nước để thận lọc và đào thải các chất gây dị ứng khỏi cơ thể. Tuyệt đối không gãi những vết sưng kể cả có ngứa rát vì dễ chảy máu và tổn thương da.
Sau đó, bạn có thể tận dụng những thực phẩm trong nhà để giảm nhanh các triệu chứng.
- Dùng chanh: Pha 30ml nước cốt chanh với 250ml nước ấm, thêm đường hoặc không. Bạn uống mỗi ngày 1 lần sau mỗi bữa ăn, uống liên tục trong 7 ngày.
- Dùng mật ong: Hòa 20ml mật ong với 250ml nước ấm và uống mỗi ngày. Uống liên tục tới khi bệnh giảm.
- Dùng gừng: Gọt sạch vỏ 1 củ gừng, cho vào 300ml nước nóng rồi nghiền nhỏ gừng trong nước khoảng 20 phút. Bạn uống 1-2 lần mỗi ngày tới khi hết dị ứng.
Sử dụng thuốc tây
Bên cạnh đó, bạn có thể chữa dị ứng bằng các loại thuốc đặc trị. Bác sĩ sẽ xét nghiệm, tiêm các chất dị ứng dưới da và tiến hành thử máu ARAST tìm các kháng thể IgE trong máu. Bạn sẽ được kê đơn các loại thuốc kháng histamin để giúp giảm nhẹ triệu chứng và hồi phục sức khỏe.
4
Cách phòng ngừa dị ứng cá ngừ
Những đối tượng đã có tiền sử dị ứng cá ngừ hay hải sản, hoặc cơ địa nhạy cảm thì cần có những biện pháp phòng ngừa nhất định trong quá trình chế biến, ăn cá ngừ như sau:
- Sử dụng cá ngừ hoặc hải sản tươi, không ăn cá ươn, chết, có mùi dễ gây dị ứng. Cá ngừ tươi thì thịt sẽ đỏ, chắc, có máu tươi, không có mùi tanh hôi.
- Mua cá ngừ ở những nơi uy tín và chất lượng tốt.
- Khi nấu ăn, phải rửa cá thịt kỹ, nấu chín cá để hạn chế vi khuẩn.
- Nếu có tiền sử dị ứng với cá ngừ thì bạn tốt nhất không nên ăn.
- Với trẻ nhỏ, chỉ nên ăn một lượng ít và theo dõi xem bé có dấu hiệu gì sau khi ăn không.
- Khi bị dị ứng, bạn không được tự ý mua thuốc uống mà cần thăm khám bác sĩ để được điều trị và kê đơn phù hợp.
Cá ngừ rất thơm ngon và bổ dưỡng nhưng cũng đem lại nguy cơ dị ứng khiến cơ thể khó chịu. Nếu có bất cứ triệu chứng dị ứng cá ngừ nào, hãy liên hệ với bác sĩ kịp thời để bảo vệ sức khỏe bạn nhé.
Nguồn: Vnmedipharm