Dầu gió có thể gây hại thậm chí tử vong nếu bạn dùng sai cách
Công dụng của dầu gió đối với sức khoẻ của con người là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, sử dụng đúng và an toàn thì không phải ai cũng hiểu rõ. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn cách sử dụng dầu gió đúng cách nhé.
Hiện nay, dầu gió là rất thông dụng đối với chúng ta. Nhiều người có thói quen nhức đầu, đau bụng, nhức chân, nghẹt mũi,… đều sử dụng dầu gió để thoa. Nhưng không phải sử dụng nhiều là tốt và sử dụng lúc nào cũng được. Tuỳ đối tượng cũng như tình huống mà sẽ sử dụng dầu gió khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ cho các bạn thêm một số thông tin khi sử dụng dầu gió nhé.
1
Thành phần và công dụng của dầu gió
Dầu gió có thành phần chủ yếu là các tinh dầu và thường là tinh dầu bạc hà. Tỷ lệ và các thành phần khác thì phụ thuộc vào nhà sản xuất. Nhiều công thức làm dầu gió được xem là bí mật thương mại cũng như là công thức gia truyền nhiều đời.
Với các loại dầu gió phổ biến ở Việt Nam, 2 thành phần thường bắt gặp nhất là menthol và methyl salicylate, hai chất này có trong tinh dầu bạc hà. Ngoài ra còn có khuynh diệp, quế, tràm, long não, hương nhu, thông, camphor, cineol.
Theo y học, dầu gió có tác dụng giúp hạ sốt, ra mồ hôi, giảm đau, giảm ho, sát trùng. dùng chữa những chứng bệnh thông thường rất hiệu quả như cảm lạnh, cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau khớp, đau cơ bắp, đầy hơi, khó tiêu, đau dây thần kinh, côn trùng đốt…
2
Những tác hại nguy hiểm khi sử dụng dầu gió sai cách
Dầu gió có công dụng chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau, giúp cho tinh thần sảng khoái. Nhưng do quá lạm dụng hoặc dùng sai mục đích mà dầu gió sẽ bị phản tác dụng dẫn đến những tình huống cực kì nguy hiểm.
Gây tổn thương hệ hô hấp
Do dầu gió có tính cay nên dễ gây kích ứng cho trẻ nhỏ, nếu sử dụng cho trẻ quá nhiều sẽ gây nên tình trạng kích ứng, rách màng nhĩ mũi và gây tổn thương cho hệ hô hấp.
Gây xung huyết
Methyl salicylate có trong dầu khiến nơi thoa trở nên nóng nhanh, giãn nở các mạch máu ngoại biên, tăng tuần hoàn máu, giúp thuốc thẩm thấu vào mô dễ dàng, giảm nhanh cơn đau và cứng cơ. Tuy nhiên tác dụng phụ của Methyl salicylate là gây xung huyết da, vì thế dầu chỉ dùng để thoa, xoa bóp, không được uống cũng như thoa lên vết thương hở.
Có thể gây ngộ độc
Nếu trường hợp dẫn đến ngộ độc dầu gió sẽ có các triệu chứng như: bỏng miệng, hầu họng, buồn nôn, nôn mửa, lừ đừ, sau đó là co giật, hôn mê, thậm chí là suy hô hấp nặng. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Chính vì thế, khi sử dụng hoặc phát hiện người thân của mình sử dụng dầu gió và có những triệu chứng như trên, cần đưa ngay đến trạm y tế gần nhất.
Lạm dụng nhiều có thể gây tử vong
Trong dầu gió có chứa tinh dầu và các chất chiết xuất từ tinh dầu như menthol. Thành phần menthol này có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Khi bôi dầu có thành phần menthol vào mũi hoặc cổ họng trẻ nhỏ có thể dẫn đến trường hợp ngừng thở. Vì vậy, sau khi sử dụng dầu gió cho trẻ, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ ngộ độc, cha mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.
3
Những ai không nên dùng dầu gió?
-
Trẻ em sơ sinh hoặc trẻ dưới 24 tháng tuổi.
-
Phụ nữ có thai, đang cho con bú.
-
Người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao.
-
Người suy nhược, vừa ốm dậy hay bị táo bón, tăng huyết áp.
4
Biểu hiện khi bị ngộ độc dầu gió
Sau khi dùng dầu gió (5 - 90 phút), nếu thấy các triệu chứng như nóng, bỏng miệng, buồn nôn, co giật, khó thở, hôn mê,... thì đó là tình trạng ngộ độc dầu gió. Triệu chứng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào lượng dầu gió sử dụng.
Khi gặp người có triệu chưng trên cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt... Nếu không được điều trị ngộ độc kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.
3
Dùng dầu gió như thế nào là đúng cách?
Trước khi sử dụng dầu gió, cần rửa sạch, lau khô vị trí bôi, bôi một lượng vừa đủ không nên bôi quá nhiều vì nghĩ nhiều dầu sẽ nhanh tác dụng hơn.
Dùng ngón tay trỏ lấy một lượng thích hợp thay bằng việc đổ dầu gió trực tiếp lên vùng da, bôi lên chỗ đau nhức hay vết côn trùng cắn.
Một ngày, một người không dùng dầu gió hơn 3-4 lần và không bôi lên niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở. Không dùng cho người có tiền sử dị ứng với salicylate, menthol. Khi cơn đau đã chấm dứt thì nên ngưng sử dụng ngay.
Đối với trẻ em trên 2 tuổi, khi sử dụng cần có sự giám sát của người lớn.
Nếu đau bụng, khó tiêu thì bôi dầu gió vào vùng quanh rốn, nhức đầu thì bôi vào thái dương. Sau đó, dùng ngón trỏ miết nhẹ nhàng, day tròn.
Lưu ý:
-
Dầu gió chỉ dùng ngoài da, tuyệt đối không được uống.
-
Khi dùng dầu gió chỉ bôi ở điểm những vùng bị đau, cạo gió.
-
Tuyệt đối không bôi dầu vào niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở, vùng da trầy xước.
-
Không dùng nhiều hơn 3 - 4 lần/ngày.
-
Người hay bị dị ứng, người có bệnh mạn tính muốn dùng cần có sự tư vấn của các bác sĩ.
Trên đây là một số tác hại cũng như cách để sử dụng dầu gió đúng cách. Mong rằng qua bài viết này, mọi người cũng như các bậc phụ huynh sẽ cẩn trọng hơn trong việc sử dụng dầu gió của mình.