Cung răng là gì? Đặc điểm của cung răng và cách đọc vị trí các răng
Bạn đã từng nghe về thuật ngữ cung răng khi đến nha sĩ khám chữa bệnh chưa? Cùng tìm hiểu kỹ về đặc điểm và cách đọc vị trí các răng trong bài viết sau đây nhé!
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp làm đẹp cho răng miệng như niềng răng, lắp răng sứ, implant răng,... Đây đều là những cách thức làm đẹp và chăm sóc răng miệng phổ biến, được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, trước khi tiến hành các liệu pháp này, bạn cũng nên tìm hiểu đôi chút về cung răng và các vị trí của răng. Cùng Tip Hay khám phá về cung răng và cách đọc vị trí trong bài viết dưới đây nhé!
1
Cung răng là gì?
Cung răng chính là đường cong mà răng được sắp xếp theo một thứ tự nhất định và nằm sát nhau trong khoang miệng. Mỗi người ai cũng đều có hai cung răng, bao gồm cung răng hàm dưới và cung răng hàm trên. Trong đó, cung răng hàm trên sẽ rộng hơn cung răng hàm dưới. Đường được cho là tượng trưng cho cung răng chính là đường đi qua rìa cắn của răng cửa, đỉnh răng nanh và đỉnh núm ngoài của răng hàm lớn cũng như răng hàm nhỏ.
2
Các dạng hình cung răng
Cung răng có các hình dạng như sau:
- Cung răng dạng hình vuông (Hypebol): Đây là dạng cung răng khi mà răng cửa và răng nanh xếp thành một cung dẹt, trong đó răng hàm lớn và răng hàm nhỏ xếp với nhau theo đường thẳng.
- Cung răng dạng hình Elip: Dạng cung răng khi răng cửa và răng nanh sắp thành hình vòng tròn và các răng hàm nhỏ lồi ra, răng hàm lớn thì thu vào.
- Cung răng dạng hình chữ U: Dạng cung răng khi mà răng cửa và răng nanh xếp thành hình vòng cung. Vị trí răng hàm nhỏ và răng hàm lớn xếp song song với nhau hai bên.
3
Đặc điểm của cung răng
Cung răng có một số đặc điểm nổi bật như sau:
- Các răng được sắp xếp liền kề nhau, tiếp giáp với nhau thành đường vòng lớn. Điều này hạn chế việc chạy răng theo chiều từ gần tới xa
- Răng hàm trên sẽ tiếp giáp và khớp với răng hàm dưới để tạo khớp cắn. Đây là đặc điểm giúp cơ hàm nghiền thức ăn trong quá trình nhai
- Cung răng hàm trên thường sẽ to hơn cung răng hàm dưới và bao trùm ngoài cung răng hàm dưới. Cung răng hàm trên sẽ tác động lực theo hướng từ trên xuống và từ trong ra. Cung răng hàm dưới sẽ tác động theo hướng từ dưới lên và từ ngoài vào trong.
- Các yếu tố giúp cố định răng chính là răng bên cạnh, răng đối diện và tương quan má lưỡi. Nếu mất đi một trong các yếu tố này thì có thể sẽ gây ra sai lệch khớp cắn.
4
Cách đọc và quan sát vị trí các răng
Một người trưởng thành thường sẽ có tổng cộng 32 cái răng chia đều cho 2 cung răng (mỗi hàm gồm 16 cái). Các răng này sẽ được chia thành 4 nhóm chính như sau:
- Nhóm răng cửa là răng số 1 và số 2
- Nhóm răng nanh là răng số 3.
- Nhóm răng hàm nhỏ gồm răng số 4 và số 5.
- Nhóm răng hàm lớn là răng số 6, 7 và 8
Răng ở vị trí số 6 chính là răng lớn mọc ở vị trí thứ 2 tính từ răng khôn và nằm ngay cạnh răng số 7. Răng số 6 này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình ăn nhai, vì nó có sự liên hệ mật thiết với dây thần kinh trong xoang hàm. Chính vì vậy, việc bảo vệ răng số 6 là điều vô cùng cần thiết và trận trọng lưu ý. Nếu bị mất răng số 6, khoang miệng sẽ tạo ra một khoảng trống, khiến thức ăn dễ bị lọt vào răng. Đây chính là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và gây ra các bệnh lý về răng miệng.
Răng khôn chính là răng số 8 thuộc nhóm răng hàm. Răng khôn sẽ là răng mọc cuối cùng trong tất cả các loại răng và chỉ xuất hiện khi con người ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi. Vì đây là răng mọc cuối nên sẽ bị các răng khác “chiếm chỗ” trên cung hàm. Do đó, răng khôn thường có xu hướng mọc ngầm hoặc đâm ngang qua răng kế bên, gây ra hiện tượng chen lấn và xô lệch các răng còn lại. Đa số các loại răng khôn khi phát triển sẽ gây đau nhức cho nên các nha sĩ thường khuyên bệnh nhân nhổ đi để bảo vệ các răng khác và giảm cơn đau lại.
Nếu các răng trên mọc đều, thẳng hàng, tương quan các vị trí, kích cỡ và tỷ lệ phù hợp là cực kỳ lý tưởng. Tuy nhiên, nhiều người sinh ra sẽ có răng mọc lệch lạc, hô, móm hay bị thưa, lệch khớp cắn,... điều này gây ảnh hưởng đến quá trình ăn uống và thẩm mỹ rất lớn. Khi gặp trường hợp này, bạn nên can thiệp chỉnh nha sớm để đưa răng về đúng vị trí và khớp cắn được đều hơn.
Trên đây là các thông tin về cung răng và cách đọc vị trí răng trên khung hàm. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn, giúp bạn kiểm tra sức khỏe răng miệng một cách dễ dàng để không phải gặp những tình trạng xấu cho răng nhé!
Nguồn: Vinmec.com