Cư dân mạng cảnh báo video độc hại cho trẻ em trên Youtube
Đã có trẻ bắt chước các video này và suýt mất mạng. Cha mẹ cần cẩn thận khi cho trẻ xem những video trên Youtube.
Google tung ra Youtube Kids dành riêng cho trẻ em với nhiều video vui nhộn có tính giáo dục cao phù hợp với lứa tuổi . Vì vậy mà nhiều phụ huynh đón nhận và cho bé xem youtube hàng ngày.
Mặc dù mục đích của Youtube Kids rất tốt nhưng nhiều kẻ gian đã lợi chụng chúng để đưa ra những thông tin độc hại ẩn chứa trong các video vui nhộn rất thân quen với bé.
Gần đây nhất chính là loạt nội dung về chú heo hồng Peppa bị các thành phần xấu lợi dụng khiến rất nhiều bậc phụ huynh đã phải đưa ra lời cảnh báo trên mạng xã hội.
Cụ thể, heo Peppa là một chút heo vô cùng dễ thương với nhiều tình huống vui nhộn cùng bài học bổ ích nên được các gia đình tin tưởng chọn cho con xem.
Thế nhưng không biết vì nguyên nhân gì mà một số video của heo Peppa đã bị chèn, chế biến lại với nội dung hướng dẫn tự tử, giết người làm ảnh hưởng đến tâm lý của bé. Thậm chí đã có trường hợp cha mẹ phát hiện con mình thực hiện theo hướng dẫn và suýt mất mạng.
Đây chính là lời cảnh tỉnh dành cho nhiều cha mẹ khi để con mình tự xem Youtube. Dù Google đã tung ra Youtube kids bao gồm những video chỉ dành cho trẻ em. Tuy nhiên vì một lý do nào đó mà những video độc hại ẩn mình dưới cái mác video cho trẻ vẫn tồn tại được.
Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con khỏi các video độc hại
"Mặc dù Quản lý YouTube đã vào cuộc nhưng vẫn không ngăn chặn hoặc xoá kịp những clip có nội dung xấu này. Tốt nhất là đừng mở YouTube thời gian này hoặc nếu có thì hãy ngồi xem với con. Hãy cho trẻ xem Netflix chương trình trẻ em sẽ an toàn hơn nhiều. Hãy vào cuộc và bảo vệ con mình." - Lời chia sẻ của cư dân mạng dưới tình trạng video xấu tràn lan hiện nay.
Thế nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con mình trong bối cảnh thiết bị công nghệ dày đặc xung quanh và chỉ cần một cú "click" đã đủ đi đến những nội dung không phù hợp cho trẻ rồi.
Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam cho rằng: “Nguyên nhân con trẻ tiếp xúc với Youtube sớm quá là vì chúng ta quá bận, chúng ta không có thời gian cho con.
Đến khi 3-4 tuổi bắt đầu các em bị hấp dẫn bởi các yếu tố bên ngoài như âm thanh, tiếng động, màu sắc. Và cách thức dễ dàng nhất để con không đeo bám mình làm việc là vứt cho nó một cái điện thoại hoặc một cái iPad.
Khi con đã vào điện thoại và iPad thì con phải chơi, phải khám phá cái này cái khác nhưng có một nội dung cực kỳ phong phú, cập nhật dài kỳ đó là Youtube”.
Như vậy những lý do như để trẻ học thêm tiếng Anh, giải trí sau giờ học chỉ là phụ. Chủ yếu các bậc phụ huynh vẫn chưa quan tâm và dành thời gian chơi cùng con của mình.
Những phương tiện như tivi, youtube, các kênh thông tin giải trí khác cũng cần phải được quan tâm và quản lý chặt chẽ. Mỗi ngày gia đình cần kiểm tra trong lịch sử xem con đã xem qua những video nào, bên cạnh đó những biện pháp như khóa các kênh không phù hợp với lứa tuổi cũng là lựa chọn rất hữu ích.
Ngoài ra cha mẹ nên thường xuyên cùng con xem trên các phương tiện giải trí này, vừa giúp con tránh khỏi các thông tin độc hại vừa là cách để có thời gian bên con nhiều hơn.
Một trong những lỗi mà cha mẹ thường mắc phải đó là không hướng dẫn trẻ những video nào nên xem và không nên xem. Hãy thẳng thắn trao đổi, hướng dẫn trẻ những video nào là bổ ích, video nào là chưa phù hợp lứa tuổi để giúp trẻ có thể tự bảo vệ chính mình.
Youtube là phương tiện mà cha mẹ thường chọn để cho con mình giải trí mỗi ngày. Thế nhưng cho con xem nhưng lại không kiểm soát nội dung của chúng là việc làm rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, thói quen ứng xử mỗi ngày của bé. Các gia đình, cha mẹ cần phải quan tâm và chọn lọc kỹ càng những thông tin trẻ có thể được tiếp cận trên kênh thông tin khổng lồ này.
Xem thêm những thông tin mới nhất về Mẹ và bé
Bạn sẽ quan tâm:
>>> Cha mẹ có thể chơi những trò này cùng con thay vì cho trẻ xem Youtube