Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu bị sỏi thận khi mang thai
Sỏi thận trong quá trình mang thai là như thế nào? Nguyên nhân và triệu chứng là gì? Mẹ bầu bị sỏi thận nên ăn gì để giúp cải thiện sức khỏe thai kỳ?
Sỏi thận khi mang thai không phải là căn bệnh hiếm gặp. Khi phát hiện bệnh, thai phụ cần được đánh giá và theo dõi cẩn thận với các bác sĩ chuyên khoa ngoại tiết niệu. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn những thông tin về bệnh sỏi thận trong thai kỳ cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp.
1
Dấu hiệu bị sỏi thận khi mang thai
Theo chuyên trang sức khỏe Vinmec, bệnh sỏi thận thường rất khó phát hiện trong thời gian đầu vì những triệu chứng thường diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ và không có dấu hiệu nào cụ thể. Nhưng nếu bạn đang gặp phải một trong những dấu hiệu nhỏ dưới đây, thì nguy cơ cao là bạn đã mắc bệnh sỏi thận và cần đến bệnh viện để kiểm tra:
- Vùng lưng dưới xuất hiện các cơn đau, di chuyển xuống vùng hông, xương chậu, cũng có thể sốt nhẹ và chuột rút.
- Đau bụng dưới phía bên phải, cơn đau có thể lan rộng đến vùng bụng thắt lưng dưới rốn.
- Thai phụ đi tiểu ra máu, do viên sỏi di chuyển và va chạm với các mô liên kết tế bào.
- Khi đi tiểu có cảm giác đau buốt vì sỏi di chuyển xuống phần dưới đường tiểu, bàng quang và vùng niệu quản.
2
Nguyên nhân gây nên bệnh sỏi thận khi mang thai
Uống không đủ nước
Cơ thể chúng ta 70% là nước do đó nước là một thành phần không thể thiếu và đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hình thành sỏi thận.
Khi cơ thể thiếu nước, nó sẽ làm gia tăng nồng độ 1 số khoáng chất trong nước tiểu như photpho và canxi dẫn đến sự hình thành sỏi trong thận và đóng cặn từ đó gây ra tình trạng sỏi thận ở bà bầu. Ngoài ra thiếu nước cũng là nguyên nhân gây sỏi mật, sỏi gan và nhiều vấn đề khó chịu khác trong thai kỳ của bà bầu.
Hàm lượng canxi quá cao
Trong quá trình mang thai, thai phụ thường muốn bổ sung canxi để cung cấp cho cơ thể mẹ và bé. Tuy nhiên, lạm dụng canxi quá mức sẽ hình thành các cặn canxi lắng đọng trong thận và đường tiết niệu từ đó gây ra sỏi canxi, loại sỏi thận phổ biến nhất.
Sỏi thận do di truyền
Trong thai kỳ, mẹ bầu có thể mắc bệnh sỏi thận do tác động của hormone, chế độ ăn uống hoặc sỏi thận di truyền và phát triển triệu chứng trong thời gian mang thai. Bệnh có nguy cơ cao xảy ra đối với người nằm trong gia đình có tiền sử sỏi thận.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Khi sức đề kháng suy giảm hoặc thói quen lười vệ sinh đường tiết niệu ở những tháng cuối của thai kỳ sẽ gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu, và đây là một trong những nguyên nhân gây ra sỏi thận.
Giãn nở tử cung bà bầu
Càng vào những tháng cuối, tử cung của người mẹ sẽ được giãn nở để chuẩn bị cho việc sinh đẻ, tuy nhiên điều này cũng gây ra sỏi thận. Đó là vì sự thay đổi này gây cản trở việc lưu thông nước tiểu, làm lắng đọng các chất hòa tan. Lâu dài sẽ dẫn tới sỏi thận, viêm đường tiết niệu.
Kích ứng ruột
Mẹ bầu bị rối loạn tiêu hóa thường xuyên như tiêu chảy, táo bón,... Những dấu hiệu này đều cảnh báo nguy cơ viêm ruột mãn tính. Nếu tiêu hóa không hiệu quả thì thai phụ có khả năng hình thành sỏi thận, sỏi tiết niệu.
3
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu bị sỏi thận
Mặc dù sỏi thận khi mang thai thường không có phương pháp điều trị cụ thể, nhưng thai phụ hoàn toàn có thể kiểm soát sự hình thành sỏi nhờ chế độ ăn uống.
Các thực phẩm nên ăn
Thực phẩm được khuyến khích cho bà bầu bị sỏi thận gồm có:
- Cá nước ngọt, cá biển.
- Các loại trái cây mọng nước như dưa hấu, dâu tây, nho, việt quất,…
- Những loại nước ép trái cây tự nhiên
- Các loại rau xanh có hàm lượng đạm thấp: Dưa leo, bầu, bí, rau cải.
- Ngũ cốc, yến mạch
- Nên ăn những thực phẩm chứa carbohydrate nguồn gốc tự nhiên như bắp, khoai lang, miến dong, bột sắn dây…
Các thực phẩm không nên ăn
Trái lại, một số loại thực phẩm có thể tạo ra nhiều cặn khoáng hình thành sỏi hơn. Trong đó những món bà bầu bệnh sỏi thận không nên ăn gồm có:
- Thịt bò, thịt gia cầm có thành phần protein cao, nếu bổ sung dư thừa sẽ hình thành liên kết oxalate trong nước tiểu tạo thành sỏi.
- Không nên sử dụng các loại nước trái cây đóng hộp, nhóm sản phẩm giàu khoáng chất và muối cao sẽ không tốt cho bà bầu bị sỏi thận.
- Kiêng tuyệt đối nhóm thực phẩm dầu mỡ, chất kích thích và đường tinh luyện trong khẩu phần để giảm sản sinh oxalate trong nước tiểu.
- Không nên ăn những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: Cá khô, xúc xích, thịt nguội, dưa cà muối chua…
- Không nên ăn những thực phẩm nguồn gốc thực vật có nhiều đạm như đậu đỗ, vừng, đậu phộng, giá đỗ, rau ngót, rau muống, rau dền…
Quy tắc ăn uống
- Phụ nữ bị sỏi thận trong thai nghén nên ăn nhạt hết mức có thể, giảm các loại gia vị khi nêm nếm. Việc giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể cắt giảm lượng oxalate trong nước tiểu.
- Tốt nhất nên bỏ hẳn muối, gia vị, bột ngọt mà cho 2 thìa cà phê nước mắm.
- Hạn chế ăn, uống rau và quả chín khi có kali máu cao.
- Bổ sung đầy đủ chất xơ, khoảng 20-25g/ ngày.
- Đồng thời bà bầu nên bổ sung thêm nhiều nước. Nước uống là nguyên tắc không thể thiếu trong thực đơn dinh dưỡng của bà bầu bị sỏi thận.
Để có thể giảm nguy cơ tăng kích thước sỏi, phát sinh biến chứng trong thai kỳ, mẹ bầu bị sỏi thận cần tìm hiểu kỹ những thông tin được cung cấp bên trên. Chế độ ăn uống khoa học, kiêng khem nghiêm ngặt là bí quyết giúp cho các mẹ điều trị hiệu quả căn bệnh này.
Nguồn: Vinmec Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng