Chăm sóc con yêu trước và sau khi phẫu thuật khe hở môi
Phẫu thuật khe hở môi là phương pháp duy nhất để điều trị dị tật này. Cùng Bách hoá XANH tìm hiểu cách chăm sóc bé trước và sau khi phẫu thuật ngay!
Chăm sóc trẻ trước và sau khi làm phẫu thuật điều trị khe hở môi hay hở hàm ếch rất quan trọng để trẻ có thể được khỏi hoàn toàn, các chức năng của miệng trở lại bình thường. Cùng Bách hoá XANH tìm hiểu ngay các cách chăm sóc chuẩn nhất từ tham vấn của Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa Trần Tuyến - Bác sĩ Ngoại Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1
Chăm sóc bé lúc sơ sinh
Đối với trẻ có dị tật khe hở môi, vòm miệng, việc khó khăn nhất trong chăm sóc lúc bé bú. Đa số trẻ hở hàm ếch đều không thể bú mẹ cũng như bú bình như trẻ bình thường khác. Trẻ cần có bình sữa chuyên dụng để được uống sữa mẹ, đảm bảo sự phát triển bình thường.
Thời gian để trẻ hở hàm ếch bú thường lâu hơn trẻ bình thường, ban đầu có thể mất rất nhiều thời gian và công sức để tập cho trẻ bú sữa bằng bình chuyên dụng. Lúc này mẹ cần kiên nhẫn cho trẻ bú nhiều lần hơn, thời gian một lần bú nên dưới 15 phút tránh bé kiệt sức và mệt mỏi.
2
Chăm sóc khi chỉnh hình trước phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật khe hở môi, vòm miệng bé cần được điều trị chỉnh hình trong các trường hợp khe hở môi, vòm miệng toàn bộ rộng, hàm nhô ra trước, cánh mũi trụ mũi xẹp, biến dạng.
Lúc này, bé sẽ được bác sĩ điều trị chăm sóc bằng cách làm cho một khí cụ chuyên biệt vừa khít với miệng, được cố định nhờ sự ôm khít với vòm miệng cứng, ngách tiền đình và các băng dính dán hai bên má, giúp bé bú, mút dễ dàng hơn, ngăn sự thông thương giữa khoang mũi và khoang miệng, giảm tối đa việc sặc sữa.
Trẻ được trên 1 tuần tuổi nên được bác sĩ nhi tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo sức khỏe trước khi phẫu thuật. Bên cạnh vấn đề dinh dưỡng, cha mẹ cần chú ý đến cách chăm sóc trẻ tốt nhất bằng cách giữ vệ sinh bình sữa, dụng cụ hút sữa.
3
Chăm sóc khi phẫu thuật khe hở môi
Phẫu thuật khe hở môi cho trẻ được khuyến cáo nên thực hiện khi trẻ được 3 - 4 tháng tuổi và nặng từ 5kg trở lên. Một số lý do sau mà trẻ bị khe hở môi không nên phẫu thuật sớm là:
- Trẻ sơ sinh dễ bị stress do môi trường mới lạ, cần thời gian để trẻ thích nghi
- Thông qua việc vận động môi như bú sữa, lượng cơ vòng môi sẽ gia tăng và phát triển đầy đủ giúp cho việc phẫu thuật được dễ dàng
- Phẫu thuật muộn sẽ an toàn cho gây mê và theo dõi sau mổ
- Có thời gian điều trị chỉnh hình trước phẫu thuật, giúp phục hồi sự biến dạng của mũi và xương hàm trên
- Nâng cao tính an toàn của phẫu thuật, 3-4 tháng là thời điểm thích hợp để phẫu thuật.
4
Chăm sóc sau phẫu thuật khe hở môi
- Vết mổ được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày
- Tránh các tác động như va đập, cào xước vào vết mổ, chú ý giữ trẻ không đụng vào vết mổ
- Cần điều trị ngay nếu có xuất hiện tình trạng viêm mũi, chảy máu mũi, nước mũi, hạn chế nhiễm trùng
- Ăn sữa bằng cách đút muỗng, sau 2 tuần phẫu thuật mới có thể bú bình chuyên dụng
- Hạn chế đi nắng trong năm đầu sau phẫu thuật.
5
Chăm sóc thời kỳ phẫu thuật khe hở vòm miệng
Để phẫu thuật khe hở vòm miệng trẻ cần có điều kiện lớn hơn 10 cân, ở độ tuổi từ 18 - 24 tháng tuổi. Đối với phẫu thuật khe hở vòm miệng, mổ sớm có lợi cho trẻ về mặt ngôn ngữ, tuy nhiên mổ muộn lại có lợi về mặt phát triển xương hàm. Ba mẹ và bác sĩ nên phối hợp với nhau để quyết định thời gian phẫu thuật thích hợp nhất.
Sau mổ khe hở vòm miệng bé nên được ăn đồ mềm như cháo xay, sữa hoàn toàn trong 2 tuần đầu. Lúc này bé có thể uống nước sôi để nguội sau ăn, súc miệng làm sạch khoang miệng. Thời gian này cần hướng dẫn và khuyến khích trẻ thổi ống để tăng cường chức năng cơ căng màn hầu và cơ hàm hầu.
Trẻ phẫu thuật khe hở vòm miệng cũng cần được khám và điều trị ngôn ngữ sau phẫu thuật tùy vào thời điểm phát triển của trẻ nhưng rơi vào khoảng 4 tháng tuổi.
6
Chăm sóc thời kỳ tiền học đường (2-6 tuổi)
Thời kỳ này một số vấn đề trẻ có thể sẽ gặp phải là sâu răng, cung răng mọc lệch ,méo mó, lép tầng mặt giữa, bất thường ngôn ngữ, rối loạn tâm lý do bạn bè trêu chọc... Phụ huynh cần phối hợp với bác sĩ để giúp con vượt qua thời gian này bằng các cách:
- Chăm sóc răng miệng nhằm nhai tốt, hạn chế các bệnh về răng, hỗ trợ phát triển ngôn ngữ
- Điều trị phát âm bằng cách luyện thổi ống, thăm khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của chuyên gia ngôn ngữ
- Điều trị viêm VA, viêm tai giữa
- Điều trị chỉnh hình răng, xương hàm bằng cách ong mở xương, kéo xương hàm trên ra trước, ngăn chặn thiểu sản, làm thẳng hàng răng vĩnh viễn.
Ở thời kỳ học đường (6 - 18 tuổi), bé tiếp tục được chăm sóc răng, chỉnh hình cung răng, xương hàm, ghép xương ổ răng và điều trị tâm lý nếu cần.
Trên 18 tuổi, chúng ta cần phẫu thuật chỉnh sửa cách mũi, sửa sẹo xấu môi nếu có, phẫu thuật cắt đẩy xương hai hàm (với các trường hợp không được chỉnh hình cung răng và xương hàm giai đoạn trên), phẫu thuật giãn xương hàm nếu khe hở cung hàm quá lớn.
Trên đây là cách chăm sóc bé phẫu thuật khe hở môi, vòm miệng theo giai đoạn mà Bách hoá XANH đã tổng hợp. Đây là một quá trình dài hơi đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn thì mới đảm bảo bé phát triển bình thường sau này.