Cạo gió là gì? Tác dụng và hướng dẫn cạo gió đúng cách
Cạo gió là phương pháp dân gian được nhiều người áp dụng, giúp điều trị một số bệnh. Hãy cùng tìm hiểu cạo gió là gì và tác dụng, cách cạo gió đúng cách nhé!
Cạo gió là một trong những phương pháp trị bệnh dân gian đã được ông cha ta sử dụng từ lâu đời. Vậy cạo gió là gì và việc cạo gió có tốt hay không? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.
1
Cạo gió là gì?
Cạo gió (đánh gió, đánh cảm) là phương pháp sử dụng các tác động vật lý từ nhiều dụng cụ khác nhau như mặt dây chuyền, thìa nhôm, bàn cạo gió, nhẫn hay kể cả trứng gà,... đồng thời kết hợp với các loại dược liệu như gừng, rượu và lá trầu không lên bề mặt da của cơ thể.
Bằng việc đánh và cạo theo dọc các kinh mạch mà giúp điều chỉnh và làm cho khí huyết của cơ thể được lưu thông, đẩy lùi khí độc ra ngoài theo da và làm giảm các triệu chứng xấu của cơ thể.
2
Tác dụng của cạo gió trong Đông y
Hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học hay công trình nghiên cứu nào cho thấy chính xác công dụng của việc cạo gió đối với cơ thể, tuy nhiên đây vẫn là cách trị bệnh được nhiều người tin dùng, đặc biệt là trong việc điều trị trên góc độ Đông Y. Một số tác dụng mà cạo gió mang lại theo như kinh nghiệm trong Đông Y như sau:
- Tăng cường quá trình bài tiết chất thải qua da
- Giãn cơ, thông lạc
- Giúp đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết, khai thông bế tắc, ứ trệ
- Giúp toát mồ hôi, giảm mệt mỏi, giảm đau nhức
- Giúp cân bằng phần âm dương trong cơ thể
3
Hướng dẫn cạo gió đúng cách
Bạn nên lưu ý một số vấn đề sau để có thể cạo gió đúng cách nhé:
Bộ phận được cạo gió
- Lưng: Bạn chỉ được cạo gió ở hai bên xương sống, chạy dọc từ phần vai đến thắt lưng và sang trước mạn sườn
- Cánh tay: Bạn cạo gió dọc từ trên xuống dưới, mặt trong và mặt trước theo lòng bàn tay
- Xương mỏ ác trước ngực: Chỉ cạo bộ phận này đối với trường hợp bị ho hoặc ngứa họng
Thao tác cạo gió
- Khi cạo gió thì bạn nên thả lỏng toàn bộ cơ thể, hãy thư giãn nhất có thể. Sát trùng vật để cạo gió và cầm vật đó nghiêng 45 đến 90 độ tùy theo bộ phận bạn sẽ cạo, bạn cạo đều từ 3 - 5 phút lên bề mặt da ở vùng cần cạo.
- Bạn chỉ nên cạo theo một chiều từ trên đi xuống dưới, điều chỉnh lực khi cạo tùy theo từng vùng. Ở lưng thì sẽ cạo lực mạnh hơn so với vùng ngực và vùng cánh tay. Bạn cũng có thể kết hợp thêm dầu gió khi cạo để tăng hiệu quả và tác dụng. Sau khi cạo gió xong thì người bệnh cần nghỉ ngơi và uống một cốc nước ấm.
Vật dùng để cạo gió
- Bạn chỉ nên sử dụng những vật có cạnh đã được mài nhẵn như chiếc thìa, nhẫn hay đồng tiền,... để làm vật dụng cạo gió, tránh sử dụng những vật có cạnh sắc bén vì có thể gây tổn hại hoặc chảy máu.
Lưu ý khi cạo gió
- Người bệnh khi được cạo gió xong thì không nên tắm nước lạnh, đặc biệt là trong 30 phút đầu sau khi cạo.
- Không được cạo gió ở vùng da bị tổn thương như trầy xước hay lở loét, vùng bụng của người đang mang thai hay người bị viêm da và nhiễm trùng da.
- Chỉ nên cạo gió cách nhau từ 5 - 7 ngày, không nên cạo đè lên những vết cạo gió chưa biến mất.
- Tuyệt đối không được cạo gió cho trẻ em hay người bị sốt xuất huyết vì nó có thể làm trầm trọng hơn đến các đối tượng này.
4
5 cách cạo gió phù hợp cho từng loại bệnh
Tùy theo những loại bệnh khác nhau mà sẽ có nhiều cách cạo gió riêng, dưới đây là 5 cách cạo gió phổ biến nhất tùy theo từng loại bệnh mà bạn có thể tham khảo:
- Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa: Bạn nên cạo gió ở vùng giữa sống lưng, dọc theo cánh tay và hai bên mạn sườn.
- Ho: Bạn nên cạo ở vùng trước ngực theo đường thẳng đi xuống và có thể kết hợp cạo ở vùng giữa sống lưng và tỏa sang hai bên.
- Trúng gió: Bạn nên cạo ở vùng lưng kết hợp với việc bắt gió ở giữa trán và ấn nhẹ vào hai bên thái dương.
- Đau đầu, sốt: Bạn cạo ở vùng vai gáy kéo dài đến bả vai, khi cạo tạo thành 2 đường chéo ở hai bên vai.
- Mệt mỏi, đau nhức cơ thể: Bạn nên cạo gió ở tứ chi, bạn tập trung cạo ở điểm đau nhức và sau đó cạo tỏa sang xung quanh và hai bên.
5
Những nguy hiểm có thể gặp nếu cạo gió không đúng cách
Nếu cạo gió không đúng cách, bạn có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như:
- Da bị trầy xước hoặc rách do việc cạo gió quá mạnh tay hoặc sử dụng vật cạo gió không phù hợp
- Cạo gió trong môi trường nhiễm lạnh sẽ làm tình trạng bệnh thêm tệ hơn
- Sử dụng các loại thuốc cạo và vật cạo gió không phù hợp hoặc không được vệ sinh đúng cách có thể gây viêm nhiễm cho da.
- Cạo gió cho những bệnh nhân mắc phải các căn bệnh như giãn tĩnh mạch, cơ địa dễ chảy máu hay lở loét có thể làm tăng thêm tính nghiêm trọng của các căn bệnh này.
Trên đây là toàn bộ những thông tin mà Tip Hay đã tổng hợp được cho bạn về câu hỏi cạo gió có tốt hay không. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm cho mình những thông tin bổ ích cho đời sống sức khỏe của bạn nhé.
Nguồn: Vinmec.com