Cảnh báo những nguy hại sức khỏe tại các bể bơi công cộng vào mùa hè
Mùa hè là thời điểm tuyệt vời để đi bơi giải nhiệt, tuy nhiên các bể bơi công cộng có rất nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Mùa hè thường có rất nhiều người đến bể bơi công cộng để bơi giải nhiệt. Tuy nhiên điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu những nguy hại sức khỏe tại các bể bơi công cộng vào mùa hè.
1
Nguyên nhân lây nhiễm bệnh từ bể bơi công cộng
Bể bơi công cộng được rất nhiều người lui tới cũng là một trong những nơi dễ bị ô nhiễm. Nguyên nhân chính là do tác động của môi trường bên ngoài như nước mưa, bụi bẩn, các loại vi trùng và bởi nguồn thải ô nhiễm từ người bơi như mồ hôi, nước tiểu, nước bọt.
TS.BS Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt TW cho rằng, bể bơi công cộng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng nước, nồng độ hóa chất tẩy rửa, yếu tố vật lý như nồng độ, vi sinh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy bể bơi công cộng có rất nhiều người, đôi khi bị quá tải nên khó thực thi các tiêu chí về vệ sinh an toàn. Ngoài ra, nhiều người đi bơi không có ý thức giữ vệ sinh chung, không làm sạch cơ thể trước khi xuống bể bơi hoặc thậm chí khạc nhổ, tiểu tiện trong lúc dưới bể bơi hoặc đi bơi khi đang mắc các bệnh ngoài da, bệnh viêm nhiễm làm mất vệ sinh bể bơi.
2
Những nguy hại sức khỏe từ bể bơi công cộng
Khi đi bơi tại bể bơi công cộng, người ta có thể gặp một số căn bệnh, trong đó phổ biến nhất là các bệnh về mắt. Mắt sẽ nhạy cảm hơn khi phải tiếp xúc với nước chứa hóa chất, vi khuẩn dẫn đến việc viêm nhiễm rất dễ xảy ra. Nhiều người bơi xong có biểu hiện nhức nhối, khó chịu, đau mắt kèm theo chảy nước mắt, mắt sưng đỏ,... thậm chí còn có thể bị đau mắt đỏ, đau mắt hột,...
Bệnh ngoài da cũng là bệnh thường gặp khi đi bơi do nước bể bơi bị ô nhiễm, vi khuẩn trong nước cao vượt mức cho phép. Các biểu hiện của bệnh ngoài da bao gồm ngứa, mọc các nốt sần đỏ, viêm da, viêm nang lông và viêm lỗ chân lông.
Những người có bệnh lý về da hay trẻ nhỏ mắc bệnh tay chân miệng mà vẫn đi bơi ở những nơi công cộng có nguy cơ là nguồn lây truyền và phát tán bệnh.
Nấm phụ khoa và các bệnh lây lan qua đường sinh dục khác cũng có thể phát triển do nước quá bẩn hoặc do lây từ người này sang người khác khi đi bơi ở hồ bơi công cộng. Khô tóc, sạm da là vấn đề thường gặp khi nước hồ bơi có chứa hóa chất tiệt trùng.
Bên cạnh đó, bệnh viêm tai mũi họng là một loại bệnh có thể xảy ra khi đi bơi nước bị nhiễm khuẩn, nước chứa chất hóa học có thể vào tai, mũi hoặc sặc nước.
3
Cách đảm bảo an toàn khi đi bơi ngày hè
Để đảm bảo an toàn khi bơi trong ngày hè, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
- Chọn bể bơi có chất lượng nước an toàn, được kiểm nghiệm thường xuyên, đảm bảo an toàn.
- Tắm trước khi vào bể bơi để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất trên da và tóc.
- Sử dụng đồ bảo vệ cơ thể như mũ bơi, kính bơi khi bơi để tránh gây tổn thương cho cơ thể khi bơi.
- Tắm sạch sau khi bơi để loại bỏ các tạp chất trên da và tóc. Bên cạnh đó, sau khi bơi xong, bạn nên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt.
- Nếu bạn mắc các bệnh viêm nhiễm về mắt hoặc các bệnh có thể lây nhiễm thì không nên đi bơi để tránh gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Trên đây là chia sẻ của Tip Hay về những nguy hại sức khỏe tại các bể bơi công cộng vào mùa hè. Cảm ơn bạn đã theo dõi và hy vọng bài viết này bổ ích với bạn.
Nguồn: Chuyên trang Sức khỏe và Đời sống