Cách trồng củ sắn bằng chậu tại nhà đơn giản
Củ sắn chúng ta ăn thường ngày hoàn toàn có thể được trồng ngay tại nhà chỉ với những cách thức vô cùng đơn giản. Tip Hay sẽ cùng bạn tìm hiểu về những cách thức đó trong bài viết dưới đây.
Được biết đến như một loại thực phẩm có tác dụng làm mát cơ thể bởi vị ngọt thanh, củ sắn từ lâu đã trở thành một nguyên liệu quen thuộc với hầu hết các gia đình Việt. Ngày nay, có rất nhiều nông trại trồng củ sắn với chất lượng rất cao.
Dù vậy, chỉ cần lưu ý một vài điều quan trọng kèm với việc áp dụng những kỹ thuật nhất định, chúng ta vẫn có thể trồng loại thực phẩm bổ dưỡng này ngay tại nhà.
Trước tiên, cần phải lưu ý rằng, củ sắn là một loài cây ưa sáng, do đó, trong quá trình trồng, bạn phải đặt ở những nơi hứng nhiều ánh nắng mặt trời, thoáng mát. Loại đất cũng cần được làm tơi xốp, không được để quá khô cằn.
Chọn chậu
Bạn chỉ cần chọn loại chậu (hoặc thùng, tùy điều kiện cho phép) song cần có đủ độ sâu, rộng rãi, để củ sắn có thể yên tâm sinh trưởng.
Chọn đất
Đất trồng sắn là loại đất xốp nhẹ, có pha chút cát để độ ẩm được cao và khả năng thoát nước tốt. Bạn cũng có thể tìm thêm các loại phân khác nhau như trùn quế, phân gà, than bùn...để trộn chung với đất nhằm tăng dưỡng chất cho sắn.
Những người có kinh nghiệm trồng trọt cho hay, nếu dùng vôi bón rồi phơi trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày trước khi gieo mầm có thể xử lý được các mầm bệnh tiềm ẩn trong đất.
Kỹ thuật gieo trồng
Hiện nay có 2 cách trồng sắn chính: trồng hom giống hoặc trồng từ hạt. Song, kinh nghiệm cho thấy trồng từ hạt đơn giản hơn, ít tốn nhiều công sức mà lại cho hiệu quả cao, cụ thể:
Sau khi làm đất, ta gieo hạt củ sắn lên mặt đất, lưu ý là cần ấn nhẹ hạt khi gieo để dính vào đất, có như vậy thì khi tưới hạt mới không bị trôi. Khoảng cách giữa các hạt dao động từ 8 đến 10 cm là tốt. Tiếp đến, rải một ít đất lên hạt, và nếu có điều kiện, bạn có thể rắc thêm chút rơm rạ lên mặt chậu (thùng) rồi tưới cho ẩm.
Kỹ thuật chăm sóc
Khoảng thời gian đầu mới gieo, mỗi ngày, chúng ta cần tưới nước cho sắn từ 1 - 2 lần, đảm bảo đất đủ ẩm, tạo điều kiện cho hạt sớm nảy mầm.
Nếu làm tốt, 7 - 10 ngày sau sẽ thấy mầm sắn nhô lên và ra lá. Cho đến sau 5 - 10 ngày kế tiếp, nếu thấy các cây lá mọc quá dày thì có thể tỉa bớt để tập trung chất dinh dưỡng cho phần củ ở dưới.
Tính từ lúc gieo, sau 20 ngày, cần tưới bón phân đạm đã được pha loãng với nước để kích thích cây phát triển nhanh. Tuy nhiên, cần phải để ý lượng nước tưới vừa đủ, tránh để tình trạng ngập úng.
Khi cây sắn đã phát triển thân, lá, ta giảm tần suất tưới nước lại khoảng 2-3 tuần tưới 1 lần là đủ.
Mách nhỏ
Nếu bạn thấy cây bắt đầu ra hoa thì phải nhanh chóng dùng kéo cắt hết nụ lẫn lộc non, để cây tập trung phát triển củ.
Trong quá trình trồng cũng cần để ý quan sát các loại sâu, rệp có thể làm ảnh hưởng tới “sức khỏe” của cây sắn. Khi đó hãy xử lý ngay để củ không bị còi cọc về sau.
Thu hoạch
Sau 3 tháng, đã đến lúc bạn tận hưởng thành quả của biết bao công lao chăm sóc cây sắn. Chỉ cần tới thời điểm thấy lá trở vàng và có dấu hiệu héo dần, là bạn có thể thu hoạch sắn được. Như vậy, không quá khó để ban có được loại thực phẩm có giá trị giải nhiệt cao, bổ dưỡng như sắn phải không nào?
Trong thời buổi các loại rau, hoa quả thấm hóa chất đang tràn lan bên ngoài, việc sở hữu cho mình những chậu sắn nhà trồng là một cách tuyệt vời để bảo vệ sức khỏe cho gia đình nhỏ của bạn. Hi vọng những thông tin mà Tip Hay cung cấp trên sẽ góp phần giúp bạn tự tin hơn trong việc sắm cho mình một chậu sắn tại gia. Chúc gia đình bạn luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.