Cách phòng tránh các bệnh về tai, mũi, họng cho bé vào cuối năm
Vào mùa lạnh, trẻ thường dễ mắc một số bệnh về tai, mũi, họng. Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu cách phòng tránh những bệnh lý này vào dịp cuối năm nhé!
Các bệnh lý tai - mũi - họng thường gặp với hầu hết mọi người, nhất là trẻ em. Thêm vào đó, thời tiết thất thường xen kẽn nắng - mưa là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Vậy làm thế nào để phòng tránh các bệnh về tai - mũi - họng cho bé vào cuối năm. Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu nhé!
1
Các bệnh thường gặp về tai, mũi, họng ở trẻ
Nghẹt tắc mũi
Nghẹt tắc mũi hoặc nghẹt mũi thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa lạnh. Khi nghẹt 1 bên mũi, trẻ hay quấy khóc vì khó chịu. Thậm chí, nếu nghẹt cả 2 bên mũi, trẻ sẽ phải thở bằng miệng. Ngoài ra, dịch nhầy của mũi chảy xuống họng khiến trẻ dễ bị ho hoặc nôn trớ và tiếng thở của con trở nên nặng hơn. Hiện tượng này hay xảy ra ở trẻ bị viêm V.A hoặc viêm thanh quản.
Viêm họng cấp
Các triệu chứng của bệnh viêm họng cấp làm suy giảm đáng kể hệ miễn dịch của trẻ. Dấu hiệu của bệnh này thường khởi phát đột ngột như sốt cao từ 39 - 40 độ C, rét run, khàn tiếng,... Bên cạnh đó, trẻ mắc viêm họng cấp cũng có triệu chứng nặng hơn như chảy nước mũi nhầy, môi khô, lưỡi bẩn hoặc viêm tấy hạch vùng cổ, hạch góc hàm gây sưng và đau.
Nếu sức đề kháng của trẻ tốt, bệnh thường giảm dần rất nhanh. Ngược lại, sức đề kháng của trẻ kém thì biến chứng bệnh trở nên nặng và phức tạp hơn.
Viêm tai giữa
Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa thường do vi khuẩn, virus hoặc nấm như streptococcus pneumoniae, pseudomonas aeruginosa, moraxella catarrhalis,… Đối với trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu và lớp niêm mạc tai mỏng thường dễ bị các khuẩn này tấn công. Bệnh này thường có sự tích tụ dịch nhầy ở vòi nhĩ và tai giữa. Bệnh sẽ không gây biến chứng nguy hiểm nếu trẻ được điều trị sớm.
2
Cách phòng tránh các bệnh về tai, mũi, họng cho bé
Điều trị đúng và triệt để
Các bệnh về đường hô hấp khi không điều trị triệt để sẽ gây ra một số biến chứng gây hại cho sức khỏe của trẻ em. Tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi khám bệnh để tìm ra phương pháp chữa trị kịp thời. Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc đúng thời gian và liều lượng được kê toa để đảm bảo sức khỏe của trẻ hồi phục nhanh chóng và ổn định.
Giữ ấm cơ thể
Khi trời lạnh, việc giữ ấm cơ thể là điều cần thiết với trẻ em. Bạn có thể áp dụng quy tắc 4 ấm - 1 lạnh để giữ ấm cho con. Lưu ý, không mặc quá nhiều lớp áo hoặc chọn đồ bó sát cơ thể trẻ. Điều này có thể làm thân nhiệt của trẻ tăng cao và khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Đeo khẩu trang
Một số nơi bị ô nhiễm nặng do bụi, hóa chất công nghiệp thải ra môi trường. Do đó, bạn nên trang bị trang bị khẩu trang và nước rửa tay cho trẻ mỗi khi ra đường để bảo vệ hệ hô hấp tốt hơn.
Hạn chế đến nơi đông người
Khi di chuyển đến nơi đông người hoặc đứng sát nhau rất dễ dẫn đến lây nhiễm virus. Trẻ em càng nhỏ tuổi, sức đề kháng càng yếu, cũng như hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy, phụ huynh không được chủ quan và hạn chế đưa con trẻ đến nơi đông đúc, chật hẹp.
Tăng cường hệ miễn dịch
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất là cách nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ tốt nhất. Đặc biệt, bạn nên cho trẻ ăn thực phẩm giàu vitamin C. Hoạt chất này có ích cho quá trình sản xuất bạch cầu và chống nhiễm trùng vô cùng hiệu quả. Khi được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, trẻ sẽ tăng sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Trên đây là những cách phòng tránh các bệnh về tai, mũi, họng cho bé vào cuối năm. Hãy tham khảo và tìm ra cách chăm sóc trẻ thích hợp vào mùa se lạnh này nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Nguồn bài viết: Báo Sức khỏe và Đời sống