Cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt và phương pháp xử lý hiệu quả
Cùng Tip Hay tìm hiểu xem chất thải rắn sinh hoạt là gì và cách phân loại đúng theo quy định ra sao ngay qua bài viết sau đây.
Theo quy định mới nhất, việc không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt ở hộ gia đình, cá nhân sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng. Vì vậy, hiểu biết rõ về chất thải rắn sinh hoạt và cách phân loại chúng là rất quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nào!
1
Chất thải rắn là gì?
Chất thải rắn sinh hoạt là chất thải ở dạng rắn, do các hoạt động như sản xuất, kinh doanh, y tế, sinh hoạt hằng ngày,... mà thải ra.
Chúng ta có thể dễ tìm thấy các chất thải rắn sinh hoạt trong đời sống như: bao bì nhựa, vỏ chai lọ, thủy tinh, giấy, cao su, kẽm, nhôm, đồng, sắt,... Đó chính là bao gồm tất cả những gì đã qua sử dụng và được thải ra ngoài môi trường.
2
Hướng dẫn cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Theo Điều 75 Luật Môi trường 2020 được quy định bởi Bộ Tài Nguyên và Môi trường, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình và cá nhân được chia làm 3 nhóm như sau:
- Chất thải hữu cơ dễ phân huỷ.
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Chất thải thực phẩm (chất thải sinh hoạt hữu cơ dễ phân hủy)
Đây chính là nhóm chất thải phát sinh từ thức ăn thừa, lá cây, rau củ, trái cây, xác động vật…có thể phân huỷ:
- Các loại thực phẩm và thức ăn thừa hết hạn sử dụng.
- Hoa, cỏ, lá thực vật các loại.
- Rau củ, trái cây các loại và các phần thải bỏ từ việc chế biến, sơ chế; các loại vỏ hạt (trừ vỏ dừa, vỏ sầu riêng).
- Thịt và các sản phẩm từ thịt; các sản phẩm từ trứng (vỏ trứng), xác gia cầm, gia súc, động vật (chó mèo, chuột, chó, chim cảnh), phân gia cầm, gia súc,…xương, lông động vật, côn trùng.
- Thịt, vỏ của thủy hải sản và sản phẩm từ thủy hải sản như: sò, ốc, nghêu, hến, tôm, cua, ghẹ,…
- Ngũ cốc và các sản phẩm chế biến từ bột, gạo, ngũ cốc…
- Tro củi, tro trấu, khăn giấy các loại.
- Bã các loại rau củ, thức uống như: trà, cà phê, mía, bắp.
- Thức ăn cho động vật bao gồm cả thủy sản.
Với nhóm chất thải hữu cơ này, người ta thường xử lý bằng cách sử dụng lại và làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi và được Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích thực hiện.
Chất thải rắn vô cơ có khả năng tái sử dụng, tái chế
Vớ các chất thải rắn có thể tái chế, tái sửu dụng, bạn cũng cần phân loại chúng theo các nhóm sau đây:
- Nhóm nhựa: Bao gồm các vật liệu làm bằng nhựa có ký hiệu PE, PP. PVC, PETE trên sản phẩm, hay các loại chai, lọ, khay đựng thức ăn, can thùng, nắp chai nhựa và cả đĩa CD, DVD.
- Nhóm ni lông: Là các túi nhựa mỏng các loại. Tùy theo chất lượng của vật liệu khi thải bỏ mà phân loại chúng vào nhóm chất thải tái chế hay nhóm khác.
- Nhóm giấy: Là các loại giấy báo, tạp chí, bìa thư, sách, hộp sữa carton, thùng giấy, ly giấy,...
- Nhóm kim loại: Các vỏ bao bì kim loại như lon bia, lon đồ hộp, nước ngọt,... hay đơn giản là nhôm, sắt, thép, đồng,...
- Nhóm cao su: vỏ xe, dép, săm lốp,...
- Nhóm thủy tinh: Là các loại chai đựng thực phẩm, kính, kiếng vỡ, vỏ chai bia, nước ngọt,...
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt khác
Một số chất thải rắn sinh hoạt khác không được xếp vào loại hữu cơ hay có thể tái chế như:
- Túi ni lông, thùng xốp.
- Quần áo, giày dép, các loại sợi và các loại vải,…
- Tóc, giấy bạc, hộp xốp, thuốc lá, hạt hút ẩm.
- Các loại khăn lau làm từ chất liệu sợi.
- Bụi bẩn từ vệ sinh nhà cửa, đất trồng cây.
- Các vật liệu làm bằng tre như ống tre, thúng, rổ, sọt tre, đũa tre,...
- Các loại pin sau khi sử dụng.
3
Các phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả
Bước kế tiếp sau khi phân loại chính là xử lý chúng sao cho hiệu quả. Tùy vào mỗi nhóm mà có những phương pháp thực hiện khác nhau. Một số phương pháp xử lý chất thải phổ biến hiện nay có thể kể đến như:
Đốt, chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt hợp lý
Phương pháp này phổ biến nhưng lại phát sinh vấn đề khác, chính là khói thải ra trong quá trình thiêu đốt rác thải rắn thực sự chưa được giải quyết. Tùy vào thành phần khí thải để có thể sử dụng phương pháp xử lý phù hợp khác như phương pháp vật lý, phương pháp hoá học (kết tủa, lọc,...).
Bởi vậy, công nghệ chôn lấp trực tiếp được hạn chế bởi Chính phủ. Song song đó, chất thải rắn sẽ được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Xử lý bằng phương pháp tái chế chất thải
Tăng cường phân loại tại nguồn, thu hồi, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn là một điều quan trọng cần thực hiện. Bởi đó cũng chính là cách kích thích sự phát triển ngành công nghiệp, giảm sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường.
Đồ nhựa, bìa giấy cứng, giấy, nilon, vỏ lon, vỏ chai hay kim loại từ các hộ gia đình sẽ được giải quyết bằng cách bán lại cho người thu mua đồng nát. Khi đó, hộ gia đình vừa thu được lợi nhuận vừa có thể góp phần vào việc đưa rác thải đến nhà máy tái chế.
Còn đối với rác thải rắn dạng hữu cơ, bạn có thể sử dụng chúng làm phân bón cho vườn cây nhà mình. Vừa tận dụng, xử lý, hạn chế được chất thải thải ra ngoài môi trường, vừa có ích cho vườn cây nhà mình đấy!
Xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học
Đối với các chất thải hữu cơ không độc hại, quá trình xử lý bằng phương pháp sinh học được áp dụng như sau:
- Đầu tiên là khử và xử lý cho tới khi chúng bị ẩm, xốp.
- Sau đó, bạn cần duy trì độ ẩm, nhiệt độ để giữ các vật liệu luôn ở trạng thái yếm khí lớn trong thời gian ủ là được.
Vừa rồi là thông tin về chất thải rắn sinh hoạt mà Tip Hay giới thiệu đến bạn. Hy vọng bạn đọc sẽ có thể cùng chung tay giảm tải trọng rác thải vì môi trường xanh và sạch ngay nhé!
Nguồn: Chuyên trang sức khỏe Hellobacsi.com