Cách phân biệt bệnh viêm xoang và viêm đường hô hấp trên
Viêm xoang không chỉ xảy ra ở người lớn mà trẻ em, trẻ sơ sinh cũng có khả năng mắc phải. Cùng tìm hiểu cách phân biệt bệnh viêm xoang và viêm đường hô hấp trên nhé!
Trẻ em là đối tượng dễ có nguy cơ mắc phải các bệnh về đường hô hấp do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị tấn công bởi vi rút, vi khuẩn.
Không chỉ ở người lớn mà trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải bệnh viêm xoang, viêm đường hô hấp trên, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Cùng Tip Hay tìm hiểu rõ hơn về bệnh viêm xoang và viêm đường hô hấp trên ở trẻ, cũng như cách phân biệt 2 bệnh này qua bài viết sau nhé!
1
Đối tượng nào dễ mắc viêm xoang?
Thực tế, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh viêm xoang hơn bởi hệ thống xoang của trẻ đang trong thời gian hình thành và phát triển ổn định dần dần. Bắt đầu từ tuần thứ 4 của thai kỳ khi mà hệ thống xoang bắt đầu hình thành, kéo dài cho đến khi 20 tuổi mới trở nên hoàn thiện.
Trẻ có thể mắc bệnh viêm xoang do nhiều lí do như cơ địa bị dị ứng, sống trong môi trường bị ô nhiễm, hít phải thuốc lá thụ động hay khói bụi từ môi trường,...gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Trong khi đó, việc chẩn đoán bệnh cũng khó khăn hơn bởi kích thước các xoang ở trẻ chưa hoàn thiện, có kích thước rất nhỏ và khi mắc bệnh thì triệu chứng không điển hình, trẻ còn nhỏ cũng khó diễn đạt đúng tình trạng bệnh mắc phải.
2
Biểu hiện viêm xoang ở trẻ và cách phân biệt với viêm đường hô hấp trên
Bệnh viêm xoang với viêm đường hô hấp trên thường có những triệu chứng giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Dù vậy, bạn có thể phân biệt 2 bệnh theo những triệu chứng lâm sàng sau:
Trẻ thường sẽ có dấu hiệu bị viêm xoang sau khi bị viêm mũi họng cấp kéo dài trong thời gian trên 1 tuần với các biểu hiện như sốt, xì mũi màu xanh đặc hoặc vàng, có mùi hôi, toàn thân mệt mỏi, không có sức sống. Đặc biệt, đặc điểm dễ nhận biết viêm xoang ở trẻ là hay bị ho vào ban đêm do đờm chảy từ mũi xuống họng, gây hơi thở có mùi hôi và có thể nôn ọe.
Còn đối với bệnh viêm đường hô hấp trên thì chỉ kéo dài trong thời gian 1 tuần là khỏi, trẻ có thể sốt cao từ 39-40 độ C kèm ho từng cơn, ho khan, ho có đờm hoặc không, đi kèm với nghẹt mũi, chán ăn, đau họng,...
Đối với những trẻ đang còn bú sữa mẹ, khi bị viêm xoang sẽ dễ thấy tình trạng bú sữa không được dài hơi do bị tắc mũi, đồng thời trẻ ngủ cũng không ngon giấc, dễ quấy khóc, mệt mỏi. Những trẻ lớn hơn thường hay bị đau đầu, nặng mặt, thậm chí còn bị sưng má, ấn vào thấy đau.
Đồng thời, bên trong niêm mạc mũi sẽ bị phù nề gây đau, tiết nhiều dịch mũi có màu xanh vàng.
3
Viêm xoang ở trẻ cần điều trị như thế nào?
Khi trẻ có dấu hiệu bị viêm xoang, bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp. Bởi nếu kéo dài sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh các cách điều trị nội khoa như dùng thuốc kháng sinh toàn thân, giảm phù nề, chống viêm và chống dị ứng hay các thuốc nhỏ mũi chống viêm, nhóm co mạch thì nếu tình trạng bệnh nặng có thể sẽ phải chỉ định phẫu thuật.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm xoang ở trẻ cũng như cách phân biệt viêm xoang và viêm đường hô hấp trên. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn!