Cách nhận biết ngộ độc cá biển và các bước sơ cứu khi ngộ độc hải sản
Khi bị ngộ độc cá biển chúng ta nên xử trí như thế nào? Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu cách nhận biết ngộ độc cá biển và các bước sơ cứu khi ngộ độc hải sản nhé!
Hải sản và cá biển là những loại thực phẩm giàu đạm và cực kỳ bổ dưỡng. Thế nhưng khi ăn phải cá ươn hoặc hải sản bảo quản đông lạnh không đúng cách, bạn sẽ dễ bị ngộ độc gây ra những phản ứng nguy hiểm cho cơ thể, thậm chí là tử vong. Vậy nguyên nhân do đâu? Hãy cùng theo dõi bài viết hôm nay nhé!
1
Nguyên nhân, dấu hiệu của ngộ độc cá biển
Ngộ độc cá biển do ciguatera
Ngộ độc cá biển ciguatera không xuất phát trực tiếp từ loại cá mà chúng ta ăn vào cơ thể. Độc tố ciguatera có nguồn gốc từ các loài vi tảo thường sống bám trên các rạn san hô. Đây là các loại tảo đơn bào chủ yếu nằm trong chuỗi thức ăn của sinh vật biển. Khi cá ăn vào thì các độc tố sẽ vô hại với chúng.
Song, chất độc này có khả năng chịu nhiệt và tiếp tục được tích lũy theo thời gian. Dù cho thực phẩm có nấu chín kỹ thì bạn vẫn tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc cá biển do ciguatera.
Những người bị nhiễm độc ciguatera thường có phản ứng đầu tiên với hệ tiêu hóa. Bạn dễ thấy các dấu hiệu như tiêu chảy, buồn nôn xuất hiện trong 2 - 6 tiếng đầu. Trường hợp nhẹ hơn, bạn có thể tự khỏi sau 1 - 4 ngày.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, những tác động trên cũng ảnh hưởng tim mạch gây rối loạn nhịp đập và tụt huyết áp. Kèm theo đó là một số triệu chứng khác như đổ mồ hôi rất mạnh, tê ngứa ở tứ chi, ngứa vùng miệng, đau cơ và mệt mỏi.
Ngộ độc cá biển do histamin
Nếu trong quá trình bảo quản hải sản không đủ lạnh ngay từ đầu, các vi khuẩn trên thực phẩm sẽ biến đổi thành chất độc histamin. Loại độc tố này bền vững với nhiệt độ cao. Do đó, dù có nấu chín thì bạn vẫn có khả năng bị ngộ độc.
Nếu lượng ăn vào từ 8mg - 40mg histamin, người nhạy cảm sẽ bắt đầu chảy nước mắt, mắt đỏ và tăng tiết nước bọt.
Với lượng ăn vào từ 1.500mg - 4.000mg, bạn sẽ có các biểu hiện rõ ràng hơn như khó thở, cảm giác nóng ran trong miệng, mạch đập nhanh, khó thở và chóng mặt. Thông thường, ngộ độc cá biển do histamin sẽ kéo dài trong 12 - 48 giờ nếu không được điều trị và vài giờ nếu bệnh nhân được xử lý kịp thời.
2
Các bước sơ cứu khi ngộ độc hải sản
Tùy vào mỗi trường hợp bạn sẽ có cách xử trí khác nhau, chẳng hạn như:
- Người nhiễm độc co giật, hôn mê: Bạn hãy đặt bệnh nhân nằm xuống và nghiêng qua một bên, tạo sự thông thoáng cho đường thở tránh lưỡi thụt về phía sau.
- Bệnh nhân thở yếu, tím tái: Hô hấp nhân tạo ngay khi có điều kiện.
- Nôn, tiêu chảy: Uống Oresol thay nước hoặc uống nước ép hoa quả, nước khoáng.
Ngoài ra, nếu tình trạng người nhiễm độc diễn biến nặng hơn, bạn hãy nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
Gây nôn: Bạn lấy nước uống mỗi lần 300 - 500 ml, sau đó nằm nghiêng sang trái và dùng ngón tay sạch chạm vào phần sau lưỡi hoặc họng để kích thích nôn hết thức ăn ra ngoài.
Sử dụng than hoạt tính: Bạn có thể sử dụng than hoạt dạng lỏng như Antipois - Bmai với liều lượng từ 20 - 40g.
Lưu ý, đây là biện pháp chỉ dành cho nạn nhân tỉnh táo, trạng thái ổn định và ho khạc tốt.
3
Cách đề phòng ngộ độc cá biển và hải sản
Theo tài liệu Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, biện pháp tốt nhất để phòng chống ngộ độc cá biển và hải sản chính là tránh mua chúng ở vùng biển bị ô nhiễm, đặc biệt là những vùng có hiện tượng "thủy triều đỏ". Đây là thời điểm nước biển đổi màu bất thường làm gia tăng số lượng sinh sôi của tảo biển và gây ngộ độc.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, ThS. BS Lê Thị Hải, khi chế biến cá biển và hải sản, bạn cần làm sạch và loại bỏ đi phần ruột cá bỏi đây là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Những thực phẩm đông lạnh nên rã đông đúng cách và nấu chín thật kỹ. Đặc biệt, nếu bạn dễ dị ứng thì nên cẩn trọng với những loại hải sản lạ hoặc bị ươn.
Đối với các bếp ăn tập thể cần tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và lưu ý chế biến kỹ các nguyên liệu từ cá và hải sản đông lạnh.
Hy vọng với những thông tin hữu ích về cách nhận biết ngộ độc cá biển mà Tip Hay chia sẻ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng ngộ độc và tìm ra cách xử trí an toàn nhé!
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống