Cách nhận biết dính thắng môi ở trẻ và cách xử lý kịp thời
Liệu ba mẹ đã bao giờ nghe đến hiện tượng dính thắng môi ở trẻ? Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu cách nhận biết cũng như cách xử lý nhé.
Thông thường, dính thẳng lưỡi sẽ được nhiều phụ huynh biết tới nhiều hơn do sự xuất hiện phổ biến. Tuy nhiên, dính thắng môi cũng có nhiều nét tương đồng và nếu không chữa trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển cho bé. Cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nào.
1
Dính thắng môi là gì?
Thắng môi, hay còn được gọi là phanh môi, là một dải bao gồm dây chằng và niêm mạc bám vào mặt trong ở điểm giữa của môi trên cho đến bề mặt nướu trên, giúp môi ôm khít với xương hàm và có một nụ cười đẹp. Nếu thắng môi quá dày, dính chặt với phần nướu thì sẽ xảy ra hiện tượng dính thắng môi, làm cho môi trẻ không thể cử động một cách thoải mái và linh hoạt.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, hiện tượng này có khả năng là do yếu tố di truyền gây nên. Về cơ bản, đây không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm nhưng nếu để trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và giao tiếp của bé.
2
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị dính thắng môi
Vì một số lý do, dính thắng môi và dính thắng lưỡi sẽ có một số triệu chứng tương tự nhau và dễ khiến ba mẹ nhầm lẫn. Vì vậy, cần phải quan sát một số dấu hiệu sau để có thể xác định được, bao gồm:
- Bé cảm thấy khó khăn trong việc ngậm sâu khi bú sữa mẹ.
- Phát ra tiếng tách sau khi bú do bị mất lực hút thường xuyên
- Trẻ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, khó thở khi bú mẹ.
- Không cảm thấy no dù được bú liên tục
- Thường xuyên quấy khóc trong lúc bú mẹ
- Tăng cân chậm hoặc không tăng cân.
- Một số vấn đề khác như vàng da, đầy hơi, đau bụng,...
Ngoài ra, người mẹ cũng có thể gặp một số triệu chứng nếu bé có khả năng bị dính thắng môi, trong đó:
- Núm vú bị tổn thương, biến dạng, thường xuyên đau nhức
- Gặp tình trạng căng sữa hoặc tắc ống dẫn sữa do trẻ bú sai cách
- Cảm thấy mệt mỏi và chán nản vì cho con bú liên tục
3
Dính thắng môi ở trẻ được điều trị như thế nào?
Thông thường, trẻ bị dính thắng môi sẽ được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt phanh môi, thường sử dụng bằng kéo cắt tiệt trùng hoặc điều trị bằng tia laser. Nếu bé đang gặp tình trạng trên, bạn có thể tìm đến nha sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa để tư vấn thêm.
Ngoài ra, đối với trẻ chưa đủ tuổi để phẫu thuật, bạn có thể sử dụng bình sữa để giúp cho trẻ. Bạn có thể dùng dụng cũ hỗ trợ để lấy sữa mẹ và cho sang bình để trẻ bú được dễ dàng. Bên cạnh đó, nếu trẻ gặp phải tình trạng nhẹ thì ba mẹ có thể dùng tay chà nhẹ lên phần đỉnh môi của bé, sau đó là kéo nhẹ ra để giúp bé được cải thiện bệnh tình hơn.
Bài viết trên là những thông tin về hiện tượng dính thắng môi và các cách điều trị. Mong bài viết sẽ hữu ích và đừng quên theo dõi Tip Hay để có thêm nhiều kiến thức hay nữa nhé!
Nguồn: Chuyên trang sức khỏe Hellobacsi.com