Cách làm tỏi đen đơn giản tại nhà bằng nồi cơm điện
Tỏi đen có nhiều lợi ích cho cơ thể tuy nhiên giá thành cao nên nhiều người chưa có khả năng mua được. Nhưng hôm nay mình sẽ hướng dẫn bạn cách tự làm tỏi đen ngay tại nhà chỉ với loại tỏi ta thông thường và chiếc nồi cơm điện.
45 phút Chuẩn bị
30 phút Dành cho
4 người
Tỏi đen không có vị hăng, cay nồng mà thơm dịu và vị ngọt như trái cây, lại giàu lợi ích sức khỏe. Nhưng để tốn kém tiền triệu cho 1kg tỏi đen sử dụng không phải ai cũng có điều kiện chi trả. Hôm nay mình sẽ hướng dẫn bạn cách tự làm tỏi đen bằng nồi cơm điện và bia đơn giản, tiết kiệm ngay tại nhà.
1
Nguyên liệu làm tỏi đen bằng nồi cơm điện
- 1kg tỏi Lý Sơn hoặc tỏi cô đơn
- 1 lon bia
- Giấy bạc
- Nồi cơm điện
- Màng bọc thực phẩm
Mẹo hay:
Tỏi đen quan trọng nhất ở phần củ nên cần
chọn tỏi có tép to, đều nhau. Nên chọn
tỏi ta (tỏi Lý Sơn, tỏi cô đơn, tỏi Hải Dương) để có
vị thơm và nhiều tinh dầu chứ không chọn tỏi Trung Quốc.
2
Cách làm tỏi đen bằng nồi cơm điện
Bước 1
Sơ chế nguyên liệu
Sau khi mua về, bạn bóc bỏ lớp vỏ mỏng nhất bên ngoài để loại bỏ bụi bẩn, cắt bớt phần cuống để củ tỏi gọn gàng, dễ dàng hơn trong công đoạn ủ.
Bước 2
Ủ tỏi
Cho tỏi vào thau sạch, rưới bia đều khắp tỏi và ngâm trong 30 phút để tỏi ngấm men vi sinh.
Trong thời gian ngâm tỏi, cứ 5 phút đảo đều tỏi 1 lần để tỏi nhanh ngấm. Sau 30 phút ngâm trong nước bia, vớt tỏi ra và để ráo nước.
Lấy giấy bạc bọc kín xung quanh tỏi, không để hở để quá trình tỏi ngấm và lên men thành công, giúp tỏi đen và thơm khi hoàn thành.
Sau đó cho vào nồi cơm điện đậy nắp lại rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc phần nắp để tạo môi trường kín hơn, nếu dùng nồi cơm điện tử thì không cần.
Nhấn nút bật chế độ nấu (Cook), khi nồi chuyển sang chế độ giữ ấm (Warm) thì để đó ủ liên tục trong 12-14 ngày.
Bước 3
Đợi ủ
Ngày thứ 2: Sờ ngoài nồi thấy nóng ran, mở ra kiểm tra sẽ thấy tỏi có mùi thơm như bắp luộc.
Ngày thứ 4: Tỏi có mùi thơm dịu, vẫn trắng và chín dần từ bên trong.
Ngày thứ 6: Tỏi đã chuyển sang màu xám đen, mùi thơm dịu hơn.
Ngày thứ 7: Tỏi đen hơn rất nhiều, một số chuyển sang sẫm màu hẳn, vỏ hơi ướt.
Ngày thứ 9: Vỏ tỏi màu nâu, ướt, bên trong có màu đen xám.
Ngày thứ 12: Bóc vỏ ra thấy tép tỏi đen, vị ngọt chua, ăn thấy mềm, dẻo.
Ngày thứ 14: Kết thúc quá trình ủ, vỏ tỏi bên ngoài khô và màu xám nhẹ, tép tỏi bên trong đen và dẻo, vị ngọt như trái cây. Vị ngọt này là do hàm lượng carbohydrate đã tăng từ 28,7% (trong tỏi tươi) lên tới 47,9% (trong tỏi đen).
Bước 4
Thành phẩm
Không khó để có món ăn khá ngon miệng lại giàu lợi ích sức khỏe như tỏi đen. Tỏi đen sau khi đã ủ xong thì lấy ra để cho nguội rồi đem cất trong hộp kín bảo quản sử dụng dần.
3
Thưởng thức
Bạn hãy dùng tỏi đen vào buổi sáng và tối trước khi ăn 30 phút. Bạn hãy nhai tỏi đen thật lâu và kỹ để dưỡng chất hấp thụ tốt hơn, cuối cùng uống ngay một ly nước lọc.
Chỉ với vài bước đơn giản là bạn đã có ngay những củ tỏi đen giàu dinh dưỡng lại không cần phải tốn kém cả triệu. Còn chần chờ gì nữa mà không bắt tay làm ngay những củ tỏi đen bổ dưỡng này nào. Chúc các bạn thành công!