Cách làm mứt tắc không bị đắng, dẻo ngon mà không cần vôi
Mứt tắc (mứt quất) ăn dẻo ngon, không bị đắng với hình cánh hoa đẹp mắt, có vị chua chua ngọt ngọt. Tìm hiểu ngay cách làm mứt tắc không cần vôi tại nhà.
15 phút Chế biến
10 phút Dành cho
3 - 4 người
Mứt tắc là món ăn quen thuộc mỗi dịp Tết đến và còn có công dụng trị ho rất tốt. Với cách làm không cần vôi, bạn vẫn có thể làm được món mứt tắc “handmade” đúng vị và còn tiết kiệm được thời gian ngâm trong nước vôi. Cùng vào bếp với Tip Hay để làm ngay món mứt tắc đãi khách liền nhé!
1
Nguyên liệu làm mứt tắc không cần vôi
Mẹo hay
Để làm mứt tắc ngon, bạn nên chọn những quả tắc chín to, tròn đều, lớp vỏ căng mịn và có màu vàng đậm để khi sên lên được đẹp mắt. Hạn chế chọn những quả quá non, và bị hư, dập vì khi sên sẽ không giữ được mùi vị.
2
Cách làm mứt tắc không cần vôi
Bước 1
Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên, tắc khi mua về bạn bỏ đi cuống lá rồi mang đi rửa thật sạch. Tiếp theo, bạn dùng dao khía xung quanh vỏ tắc thành 4 - 6 phần tùy theo sở thích, lưu ý chừa 2 đầu tắc.
Bạn dùng tay ấn xuống nhẹ nhàng đến khi nước tắc và hạt chảy ra ngoài để mứt tắc khi sên xong không bị đắng, bạn lọc phần nước qua rây và bỏ hạt, làm tương tự cho đến hết.
Mẹo hay: Việc cắt khía xung quanh tắc sẽ giúp bạn
vắt được hết nước tắc và hạt ra ngoài dễ dàng, khi thành phẩm cũng có
tạo hình thêm đẹp mắt.
Bước 2
Trụng tắc
Bạn bắc nồi lên bếp và cho vào 1 lít nước, thêm vào 1 muỗng canh muối hạt rồi đun sôi. Khi nước đã sôi, bạn cho vỏ tắc vào trụng sơ rồi tắt bếp, đậy nắp và ngâm tắc trong khoảng 10 phút, điều này giúp cho tắc ra hết tinh dầu trong vỏ, khi ăn sẽ không bị the và đắng.
Tiếp theo, bạn vớt vỏ tắc ra ngâm trong nước đá lạnh đến khi nguội hoàn toàn. Sau đó, bạn rửa sạch lại thêm một lần nữa và dùng tay ấn chặt vỏ tắc để nước chảy ra ngoài.
Mẹo hay: Ngâm tắc trong nước lạnh sẽ
giúp tắc giảm nhiệt nhanh và vỏ sẽ không bị mềm.
Bước 3
Ướp đường
Đối với công đoạn này, bạn cho 250g đường vào 500g tắc, thêm 2 muỗng canh nước tắc rồi trộn đều nhẹ nhàng để không bị nát vỏ tắc. Bọc kín và để tắc nghỉ khoảng 4 tiếng để đường tan ra và ngấm đều vào tắc
Mẹo hay: Nếu bạn muốn ăn mứt hơi chua thì
có thể thêm nước cốt tắc vào. Ngoài ra, khi thêm đường vào thì bạn
không cần trộn đều mà để đường tự tan ra, sẽ hạn chế việc mứt tắc bị đứt hay rách hết cánh.
Bước 4
Sên mứt tắc
Bạn bắc chảo lên bếp và cho tắc vào sên trên lửa lớn. Đến khi nước đường sôi lên, bạn hạ lửa vừa và tiếp tun đun đến khi nước đường sệt lại, bạn có thể lật mặt để mứt tắc ngấm đều cả 2 mặt, khi bạn thấy mứt trở nên trong là đạt.
Bạn vớt ½ mứt tắc ra ngoài để làm mứt chua ngọt. Đối với ½ còn lại, bạn cho thêm ⅓ muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê ớt bột và tiếp tục đun ở lửa nhỏ trong khoảng 2 phút cho phần nước đường sôi trở lại, để muối tan ra và ớt bột bám đều lên trên mứt để làm mứt chua cay mặn ngọt.
Để bảo quản mứt, bạn có thể đem ra phơi nắng khoảng 2 - 3 tiếng nếu nắng to hoặc đặt vào lò sấy ở nhiệt độ 100 độ C khoảng 30 phút, mở hé cửa lò rồi cho vào lọ thủy tinh.
Mẹo hay: Khi đem phơi nắng thì bạn nên
phủ thêm một lớp vải mùng lên trên, để tránh bụi bẩn hay côn trùng bay vào.
Bước 5
Thành phẩm
Món mứt tắc với màu vàng ươm đẹp mắt, thơm mùi đặc trưng của tắc. Mứt dẻo, ngọt vừa phải, thêm chút cay cay rất hấp dẫn.
Thưởng thức
Khi ăn sẽ cảm nhận được vị mềm, dẻo, chua ngọt hài hòa rất đã thèm và có thêm một chút vị mặn, cay của mứt chua cay mặn ngọt. Bạn có thể đãi mứt tắc cùng trà, bánh ngọt hoặc các loại mứt khác vào những ngày Tết, bảo đảm khách sẽ rất thích đấy.
4
Công dụng và cách bảo quản mứt tắc
Mứt tắc không chỉ là món ăn ngon miệng mà còn tốt cho hệ tiêu hóa, giúp trị các bệnh ho, tiêu đờm, giải độc rượu và chống nôn mửa.
Mứt tắc sẽ sử dụng được lâu hơn nếu bạn cho mứt vào lọ thủy tinh có nắp đậy kín và đặt trong ngăn mát tủ lạnh để bảo quản được từ 1-2 tháng. Bạn cũng có thể đặt bên ngoài nhưng ở nơi thoáng mát, tránh ẩm thấp trong thời gian khoảng 2 tuần.
Trên đây là cách làm mứt tắc không cần vôi, thật đơn giản phải không nào! Chúc bạn thực hiện thành công món ăn nhé.