Cách chăm sóc vết mổ sau sinh nhanh lành, hạn chế để lại sẹo
Chăm sóc vết mổ sau sinh như thế nào để nhanh lành và hạn chế để lại sẹo? Tham khảo ngay câu trả lời cho vấn đề này qua bài viết dưới đây của Tip Hay nhé!
Sinh mổ là một phương pháp được rất nhiều chị em phụ nữ lựa chọn để giảm bớt cơn đau khi “vượt cạn”. Tuy nhiên, việc chăm sóc vết mổ sau sinh lại đòi hỏi sự cẩn thận để tránh tình trạng nhiễm trùng và để lại sẹo.
Hôm nay, Tip Hay sẽ chia sẻ đến bạn cách chăm sóc vết mổ sau sinh nhanh lành, hạn chế để lại sẹo. Tham khảo ngay nhé!
1
Cách chăm sóc vết mổ sau sinh tại bệnh viện
Trong những ngày đầu sau khi sinh, bạn cần ở lại viện để theo dõi. Thời điểm này, các nhân viên y tế sẽ chăm sóc và vệ sinh vết mổ của bạn hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được bác sĩ sẽ kê đơn uống một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh,... để giảm nguy cơ nhiễm trùng và mắc các biến chứng sau sinh.
Sau sinh khoảng 2 - 3 ngày, nhân viên y tế sẽ đánh giá tình trạng vết mổ của bạn. Nếu vết mổ khô ráo, không có dịch chảy và không sưng đau thì bạn có thể để vết mổ hở, không cần băng kín lại. Nếu vết mổ vẫn đau, bạn nên thông báo với bác sĩ để được kê đơn thuốc giảm phù hợp.
Trong thời gian này, bạn nên cử động thật nhẹ nhàng để tránh làm bung vết mổ. Khi đi tắm, bạn nên sử dụng khăn bông mềm để lau toàn thân, tránh để khăn và nước chạm vào vùng vết mổ nhé!
2
Cách chăm sóc vết mổ sau sinh tại nhà
Khi được xuất viện về nhà, bạn cần tuân thủ một số lưu ý sau để chăm sóc vết mổ tại nhà một cách an toàn và hiệu quả:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với vết mổ: Bạn nên hạn chế việc sờ tay vào vùng vết mổ và tránh gãi khi ngứa. Điều này giúp tránh tình trạng nhiễm trùng và làm tổn thương vùng vết mổ.
- Tắm nhẹ nhàng: Bạn có thể tắm bình thường, nhưng không nên tắm quá lâu để tránh ướt vùng vết thương. Sau khi tắm xong, hãy dùng khăn sạch và mềm để thấm khô vùng vết mổ.
- Để vùng vết mổ khô thoáng: Giữ cho vùng vết mổ sau sinh luôn khô thoáng là điều vô cùng quan trọng để thúc đẩy quá trình lành vết thương. Bên cạnh đó, hãy rửa tay sạch sẽ trước khi vệ sinh vùng vết mổ.
- Nếu vết mổ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đỏ, sưng, mủ,..., hãy liên hệ với bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời nhé!
3
Những lưu ý khi vận động sau sinh
Theo thông tin từ Trang Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, sau khi sinh mổ, sản phụ nên vận động sớm và nhẹ nhàng. Vận động giúp tăng lưu thông máu, đồng thời giúp vết mổ nhanh liền và giảm nguy cơ dính ruột. Dưới đây là những lưu ý khi vận động sau sinh:
- Vận động sớm: Ngay trong ngày đầu tiên sau mổ đẻ, bạn sẽ được khuyến khích vận động nhẹ nhàng ngay tại giường. Những động tác như xoay chân, nhấc chân hoặc hạ chân xuống giúp kích thích lưu thông máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Tập ngồi dậy và ra khỏi giường: Trong ngày thứ 2, bạn nên tập ngồi dậy và bước ra khỏi giường khi đã cảm thấy ổn định. Việc tập ngồi dậy lúc này sẽ giúp tăng cường cơ bắp, giảm đau và giúp vết mổ nhanh hồi phục.
- Tập đi lại: Sang ngày thứ 3 sau mổ, bạn nên tập đi lại quanh phòng. Đi bộ nhẹ nhàng là một cách tốt để bắt đầu vận động sau sinh mổ.
- Bắt đầu tập thể dục: Khoảng 4 - 6 tuần sau sinh mổ, khi đã được bác sĩ cho phép, bạn có thể bắt đầu tham gia các bài tập thể dục như yoga, bài tập cơ bụng, bài tập lưng,...
4
Phụ nữ sau sinh nên ăn gì để nhanh chóng hồi phục?
Đối với phụ nữ sau sinh mổ, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng:
- 6 giờ đầu sau khi sinh, hạn chế ăn uống: Trong 6 giờ đầu sau sinh, bạn chỉ nên uống nước lọc hoặc ăn cháo loãng, tuyệt đối không nên ăn các món khác.
- Tránh ăn các thực phẩm chứa nhiều đường và đậu nành: Điều này giúp hạn chế tình trạng táo bón và đầy hơi sau sinh.
- Uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh: Để giảm táo bón và đầy hơi trong vòng 3 - 5 ngày sau sinh, hãy uống đủ nước và bổ sung nhiều rau xanh vào chế độ dinh dưỡng.
- Bổ sung canxi và protein: Hãy bổ sung đa dạng các thực phẩm giàu protein và canxi để nhanh chóng phục hồi sức khỏe và cung cấp nguồn sữa dồi dào cho việc cho con bú.
- Tránh thực phẩm có tính hàn hoặc có mùi tanh: Các loại thực phẩm này có thể làm cho vết thương lâu lành hơn và dễ nhiễm trùng.
- Kiêng ăn một số loại thực phẩm: Hãy tránh ăn các thực phẩm như gạo nếp, rau muống, thịt gà, trứng gà,... vì những thực phẩm này có thể gây mưng mủ vết mổ và để lại sẹo lồi.
Trên đây là những chia sẻ của Tip Hay về cách chăm sóc vết mổ sau sinh nhanh lành, hạn chế để lại sẹo. Hy vọng với bài viết này, bạn sẽ bỏ túi được những thông tin hữu ích. Cảm ơn vì đã theo dõi!
Nguồn: Trang thông tin Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc