Cách chăm sóc trẻ em biếng ăn khi mọc răng mà ba mẹ nên biết
Con chán ăn, quấy khóc do mọc răng khiến bậc cha mẹ lo lắng, đứng ngồi không yên. Cùng tìm hiểu dấu hiệu, nguyên do và cách chăm sóc trẻ biếng ăn khi mọc răng.
Trẻ sẽ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên trong cuộc đời vào giai đoạn ăn dặm (khoảng 6-12 tháng). Đi kèm với những chiếc răng đang nhú lên sẽ là các triệu chứng khiến trẻ khó chịu và dẫn đến chán ăn. Tìm hiểu cách chăm sóc trẻ biếng ăn do mọc răng trong bài viết dưới đây.
1
Dấu hiệu trẻ mọc răng
Thời điểm xuất hiệu các dấu hiệu của việc mọc răng sẽ khác nhau ở từng bé. Tuy vậy, bạn có thể nhận biết các dấu hiệu trước khi răng nhú khỏi nướu như:
- Hay quấy khóc do đau nướu
- Nổi mẩn đỏ ở vùng má, quanh miệng và cằm
- Thường xuyên chảy dãi
- Muốn nhai, cắn
- Có trạng thái khó chịu khi bú mẹ, bỏ bú hoặc chán ăn
- Đi tiêu phân lỏng, đôi khi có mùi chua
- Khó ngủ, giấc ngủ gián đoạn
- Nhiệt độ tăng nhẹ (không phải sốt)
Các dấu hiệu hơn đôi khi khá mơ hồ và dễ nhầm lẫn với các vấn đề ở trẻ như cảm lạnh, rối loạn tiêu hóa,... Cho nên, bố mẹ hãy luôn quan sát tình trạng sức khỏe của con để có thể phát hiện kịp thời.
2
Vì sao bé mọc răng lại biếng ăn?
Biếng ăn ở trẻ mọc răng là một trong những dấu hiệu phổ biến. Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, bỏ ăn khi bắt đầu mọc răng cũng không quá khó để giải đáp. Khi răng đang nhú lên, phần nướu sẽ bị sưng và mềm gây đau cho trẻ khi ăn.
Bên cạnh đó còn đi kèm thêm các triệu chứng sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu từ đó chán ăn. Nhưng không phải tất cả các bé đều gặp dấu hiệu biếng ăn khi mọc răng, mà theo thống kê chỉ khoảng ⅓ các bé gặp phải triệu chứng này.
3
Cách chăm sóc trẻ em biếng ăn khi mọc răng
Các bé thường mọc răng vào giai đoạn ăn dặm. Vì vậy, bố mẹ có thể giúp bé quên đi cơn đau bằng cách chiều theo nhu cầu và sở thích ăn uống của trẻ. Bạn có thể thử những giải pháp dưới đây để giúp cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ:
Cho trẻ ăn thức ăn mềm, những món ăn quen thuộc
- Nướu sưng và tương đối nhạy cảm nên thời điểm này đa số các bé sẽ thích ăn những thức ăn mềm hoặc được xay nhuyễn, vì những món ăn này sẽ ít va chạm với nướu từ đó giúp trẻ thoải mái hơn khi ăn. Cho nên, bạn có thể cho trẻ ăn súp, cháo, rau, củ, quả xay nhuyễn,...
Thực phẩm được ướp lạnh
- Vào giai đoạn mọc răng, xu hướng muốn nhai và cắn tăng cao vì thế các loại vòng ngậm cho các bé ở giai đoạn này được bố mẹ rất ưu ái lựa chọn. Nhưng, bạn có thể dùng thức ăn ướp lạnh để thay thế loại vòng này. Sữa chua ướp lạnh hay các loại rau, củ, quả ướp lạnh,... có thể giúp giảm nhiệt và giảm đau nướu.
- Ngoài ra, nếu bé nhà bạn thích nhai khăn ẩm thì hãy đảm bảo chiếc khăn đó đã được giặt sạch. Bạn cũng có thể luồn ngón tay sạch vào khăn bé đang nhai và nhẹ nhàng xoa nướu cho bé để giảm đau.
Thực phẩm cứng
- Bạn cũng có thể cho con ăn những thực phẩm cứng như táo, cà rốt, bánh mì,... đã được cắt lát hoặc cắt thành từng que. Những thực phẩm có độ cứng vừa phải này đã được chứng minh là có tác dụng giảm đau nướu cho trẻ đang mọc răng.
- Tuy nhiên, khi cho các bé ăn những thực phẩm quá cứng, bố mẹ cần trông chừng cẩn thận nhằm tránh nguy cơ trẻ bị hóc hoặc nghẹn.
Tiếp tục cho trẻ bú mẹ
- Đa số các bé bị đau do mọc răng thì tần suất đòi hỏi bú mẹ sẽ diễn ra thường xuyên nhưng thời gian của mỗi lần bú sẽ ngắn. Hãy ưu tiên việc cho con bú nhằm giúp con quên đi các triệu chứng khó chịu của việc mọc răng và bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho con.
- Nếu trẻ bú ít hoặc bỏ bú mẹ, các mẹ có thể cho trẻ uống nước, trộn sữa mẹ với thức ăn xay nhuyễn hoặc làm sữa chua bằng sữa mẹ,... nhằm thúc đẩy trẻ ăn và đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.
- Tình trạng biếng ăn do mọc răng thường không kéo dài quá lâu và không ảnh hưởng quá nhiều đến sự phát triển nếu trẻ vẫn bú mẹ. Tuy nhiên, nếu cơn đau do mọc răng trở nên nghiêm trọng hơn, bạn có thể xin ý kiến bác sĩ cho trẻ dùng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen.
Trên đây là cách chăm sóc trẻ em biếng ăn khi mọc răng cha mẹ nên biết. Hy vọng rằng thông qua bài viết này, Bách Hóa XANH đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích.
Nguồn: Hello Bacsi