Các nguyên tắc mẹ cần biết khi cho trẻ ăn dặm bằng bột ăn dặm
Liệu mẹ đã biết các nguyên tắc cần biết khi cho trẻ ăn bằng bột ăn dặm? Hãy cùng tìm hiểu với Tip Hay thông qua bài viết dưới đây nhé.
Ăn dặm là một giai đoạn vô cùng quan trọng đối với con trẻ. Do vậy, ăn dặm đúng cách là điều vô cùng cần thiết mà mẹ cần phải lưu ý để giúp bé phát triển toàn diện và hình thành nên thói quen cùng kĩ năng ăn uống cho bé mai sau. Hãy cùng tham khảo những nguyên tắc dưới đây khi cho bé ăn dặm nhé!
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
1
Nguyên tắc 1: Ăn dặm đúng thời điểm không quá sớm cũng không quá muộn
Ở giai đoạn ăn dặm, trẻ sẽ rất cần nhiều nguồn dinh dưỡng khác nhau vì nhu cầu năng lượng của cơ thể tăng cao. Trẻ nên ăn dặm sau 4 - 6 tháng tùy vào mức độ cân nặng. Việc cho trẻ ăn trước 4 tháng có thể gây ra các vấn đề như giảm lượng sữa mẹ, giảm sức đề kháng của bé, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển và dễ khiến bé có nguy cơ suy dinh dưỡng. Do đó mẹ nên cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng vì lúc này hệ tiêu hóa của bé lúc này đã phát triển tương đối hoàn chỉnh để hấp thu những thực phẩm khác ngoài sữa mẹ.
2
Nguyên tắc 2: Ăn lỏng đến đặc; từ vị ngọt tới vị mặn
Khi cho bé ăn dặm mẹ nên cho bé ăn theo trình tự từ vị ngọt đến vị mặn. Trong khoảng thời gian đầu đời của bé đã quen thuộc với vị ngọt của sữa mẹ. Chính vì thế trong thời gian đầu tập ăn dặm mẹ nên cho bé ăn các loại bột ăn dặm có vị ngọt để bộ máy tiêu hóa của bé thích nghi dần và chuyển dần sang các loại thực phẩm khác như thịt, cá…..
Từ lỏng đến đặc: Dạ dày bé từ trước đến nay chỉ quen hấp thụ sữa, mẹ lưu ý không nên cho bé ăn thực phẩm đặc vì dễ khiến hệ tiêu hóa cùng các cơ quan khác của bé không kịp thích nghi. Mẹ hãy cho bé làm quen với thực phẩm dạng lỏng trước, rồi dần chuyển sang các dạng thực phẩm đặc hơn.
3
Nguyên tắc 3: Ăn từ ít đến nhiều
Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc tập cho bé ăn dặm là cần cho bé ăn từ ít đến nhiều. Tập ăn dặm từ tới ít nhiều sẽ giúp cơ thể bé không bị quá tải khi thu nạp chất dinh dưỡng, giúp bé thu nạp dinh dưỡng tối đa mà cơ thể đòi hỏi. Ở thời gian đầu mẹ hãy tập cho bé ăn từng chút một và dần dần tăng lượng thức ăn để dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ có thời gian thích nghi với một loại thức ăn mới.
Nên cho trẻ ăn dặm 1 bữa/ngày. Tiếp đó mẹ có thể điều chỉnh tăng dần lên 2 bữa/ngày cùng các bữa phụ như hoa quả, sữa chua, váng sữa,...
4
Nguyên tắc 4: Một nhóm thực phẩm đến nhiều nhóm thực phẩm
Để bé có thể bắt đầu khám phá các mùi vị cũng như những thực phẩm khác nhau, mẹ cần thay đổi thực đơn hàng ngày để bé có thể làm quen với từng nhóm thực phẩm. Đây cũng là một cách để mẹ có thể thử xem cơ thể của bé có dị ứng với loại thực phẩm nào hay không. Sau giai đoạn làm quen và nhận biết, mẹ có thể kết hợp các nhóm thực phẩm với nhau để tăng cường chất dinh dưỡng đồng thời làm phong phú vị giác cho bé.
5
Nguyên tắc 5: Không ép bé ăn
Để bé có thể tận hưởng được một bữa ăn tuyệt vời chính là việc ăn dặm phải dựa trên sự tự nguyện của của bé. Trong thời gian bắt đầu làm quen với thực phẩm mới, bé sẽ “tỏ thái độ” không hợp tác thì mẹ không nên ép bé ăn ngay mà hãy khéo léo xử lý bằng cách cho bé bú nhiều hơn. Sau đó mẹ có thể từ từ dẫn dắt để bé tập làm quen lại mỗi ngày. Bị ép ăn sẽ khiến bé sợ hãi với việc ăn dặm và hình thành tâm lý tiêu cực với ăn uống. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến bé biếng ăn mà các mẹ phải thực sự lưu ý.
Trên đây là các bí quyết để giúp bé ăn dặm đúng cách, góp phần vào việc phát triển toàn diện cho bé. Mong rằng những điều mà bài viết vừa chia sẻ sẽ giúp mẹ có thêm nhiều thông tin hữu ích về ăn dặm cho trẻ.
Nguồn tin: Benhvienbacha