Các dấu hiệu sảy thai dễ nhận biết và cách phòng ngừa nguy cơ sảy thai
Sảy thai là tình trạng mà mẹ bầu có thể gặp phải trong thai kỳ bởi nhiều lý do khác nhau. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu sảy thai và cách phòng ngừa trong bài viết ngày hôm nay nhé!
Thông thường bạn có thể nhận ra dấu hiệu sảy thai từ sớm thông qua những thay đổi của cơ thể. Trong bài viết này, hãy cùng Tip Hay tìm hiểu về các dấu hiệu sảy thai dễ nhận biết và các cách phòng ngừa sảy thai hiệu quả nhé!
1
Sảy thai là gì?
Sảy thai hay còn gọi là hư thai, đây là hiện tượng thai nhi mất trong bụng mẹ vào thời điểm trước tuần tuổi thứ 20. Sau khi sảy thai, không phải bạn sẽ không thể mang thai được, có tới 87% phụ nữ sau khi bị sảy thai vẫn có thể tiếp tục mang thai và sinh con đủ tháng.
2
Các kiểu sảy thai phổ biến
Tùy thuộc vào giai đoạn và các triệu chứng trong quá trình mang thai mà bác sĩ sẽ xác định tình trạng hư thai của bạn. Hiện nay có các kiểu sảy thai khác nhau như sau:
- Sảy thai hoàn toàn: Hiện tượng các mô thai bị đào thải ra khỏi cơ thể của người mẹ.
- Sảy thai không hoàn toàn: Cơ thể người mẹ giải phóng các mô bào thai ra ngoài nhưng trong tử cung vẫn còn sót lại một số mô nhất định.
- Sảy thai lỡ: Phôi thai mặc dù không còn phát triển nhưng nhau thai và mô phôi vẫn còn ở trong tử cung của người mẹ.
- Dọa sảy thai: Đây là tình trạng cổ tử cung của mẹ bầu không bị giãn ra nhưng lại bị chảy máu bất thường. Trường hợp dọa sảy thai nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì thai kỳ vẫn sẽ được tiếp tục.
- Sảy thai do nhiễm trùng: Tình trạng tử cung bị nhiễm trùng do các mô thai không được thải ra.
3
Nguyên nhân gây sảy thai
Các vấn đề về di truyền hoặc nhiễm sắc thể
Bào thai chỉ có thể hình thành và phát triển nhờ kết hợp một bộ nhiễm sắc thể từ mẹ và một bộ nhiễm sắc thể từ bố. Nếu một trong hai nhiễm sắc thể có vấn đềthì sẽ dẫn đến những bất thường ở bào thai và dẫn đến hư thai. Ngoài ra, những bất thường ở bào thai này còn gây ra các tình trạng như:
- Thai chết lưu trong tử cung
- Noãn bị teo
- Mang thai mol
- Trứng hoặc tế bào tinh trùng bị hỏng
- Bệnh lý
Nếu trong quá trình mang thai mà mẹ bầu không chăm sóc bản thân tốt hoặc mắc phải những bệnh lý nghiêm trọng cũng có khả năng dẫn tình trạng sảy thai. Các bệnh lý và lối sống không lành mạnh có thể dẫn đến sảy thai ở mẹ bầu là:
- Chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng hoặc mẹ bầu bị suy dinh dưỡng khi mang thai
- Mẹ bầu bị thừa cân - béo phì
- Sử dụng chất ma túy hay uống nhiều rượu bia
- Bị các bệnh lý về tuyến giáp
- Bị bệnh tiểu đường
- Mẹ bầu gặp phải các bệnh lý nhiễm trùng hoặc chấn thương
- Tử cung của bà bầu có hình dạng bất thường
- Mẹ bị tăng huyết áp nghiêm trọng
- Sử dụng một số loại thuốc có hại cho thai nhi.
4
Đối tượng dễ bị sảy thai
Các đối tượng dễ bị sảy thai bao gồm:
- Vấn đề tuổi tác: Độ tuổi càng cao thì nguy cơ sảy thai càng tăng lên. Theo thống kê, 20% phụ nữ có khả năng sảy thai ở tuổi 35, con số này tăng lên 40% ở độ tuổi 40 và 80% ở độ tuổi 45.
- Bệnh mãn tính: Nếu bà bầu mắc phải những căn bệnh mãn tính trong quá trình mang thai như tiểu đường, suy tuyến giáp,...thì có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai rất cao.
- Các vấn đề về tử cung và cổ tử cung: Nếu bà bầu có những bất thường ở cổ tử cung và tử cung thì khả năng sảy thai có thể xảy ra.
- Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng ma túy cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sảy thai ở bà bầu.
- Ngoài ra, việc thực hiện các xét nghiệm tiền sản xâm lấn như lấy mẫu lông nhung màng đệm và chọc dò nước ối cũng làm tăng nguy cơ sảy thai ở mẹ bầu.
5
Dấu hiệu sảy thai dễ nhận thấy
Tuần 2 – 4
Thông thường trong vài tuần đầu sau khi thụ thai thì hầu hết mẹ bầu sẽ không biết mình mang thai vì chưa xuất hiện các dấu hiệu như chậm kinh. Trong thời gian này nếu xảy ra sảy thai thì mẹ bầu cũng khó nhận biết và tình trạng này gọi là “mang thai hóa học”. Tình trạng mang thai hóa học có dấu hiệu giống với kỳ kinh nguyệt bình thường ở phụ nữ nên có nhiều người đã nhầm lẫn giữa việc sảy thai và có kinh nguyệt.
Tuần 4 – 12
Nếu bạn đã xác định được mình đã mang thai từ tuần thứ 4 trở đi nhưng cơ thể có các dấu hiệu như chảy máu âm đạo, chuột rút ở vùng bụng hoặc vùng xương chậu kèm theo đau lưng thì có thể bạn đã bị sảy thai. Ngoài ra, các tình trạng thường xảy ra trong quá trình mang thai của bạn như tức ngực, buồn nôn, mệt mỏi,... dần biến mất thì có thể là bạn đã sảy thai và thai kỳ đã chấm dứt.
Tuần 13 – 20
Khi mang thai từ 13 tuần tuổi trở lên, nếu gặp phải các tình trạng như chảy máu âm đạo, đau bụng hay đau lưng thì đó chính là những dấu hiệu của việc sảy thai, lúc này bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra tình trạng thai kỳ ngay lập tức.
6
Cách phòng ngừa nguy cơ sảy thai
Bổ sung axit folic
Bà bầu cần bổ sung ít nhất 400mcg axit folic mỗi ngày để phòng ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ, đồng thời điều này sẽ giúp làm giảm đáng kể nguy cơ sảy thai ở bà bầu.
Tuân thủ lối sống lành mạnh
Có cho mình lối sống lành mạnh cũng là một trong những cách phòng ngừa sảy thai hiệu quả nhất mà bà bầu nên thực hiện. Cần hạn chế sử dụng những thực phẩm và hóa chất có hại cho sức khỏe như rượu bia hay thuốc lá, đồng thời ăn nhiều rau củ và hoa quả để cung cấp hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Duy trì cân nặng hợp lý
Béo phì và thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hay các biến chứng nguy hiểm cho bà bầu trong thai kỳ. Bạn cần giữ cho chỉ số BMI của mình ở mức ổn định trước khi mang thai và trong thời gian thai kỳ để có thể phòng tránh tình trạng sảy thai.
Đề phòng nhiễm trùng
Rửa tay thường xuyên bằng các loại xà phòng hoặc gel rửa tay để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản,...
Ngoài ra, cần tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trước khi mang thai để phòng tránh các bệnh nguy hiểm như sởi, thủy đậu, viêm gan,...
Kiểm soát các bệnh lý mạn tính
Hãy điều trị sớm và dứt điểm các tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai của bạn như tăng huyết áp, tiểu đường,...để ngăn ngừa tình trạng sảy thai.
Có đời sống tình dục an toàn
Bạn cần sử dụng các biện pháp an toàn trong tình dục cũng như khi quan hệ để tránh mắc phải các lý lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, sùi mào gà,...
7
Sau khi bị sảy thai nên làm gì?
Dành thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn
Bạn cần dành ra khoảng thời gian nghỉ ngơi phù hợp sau khi sảy thai để phục hồi lại sức khỏe đã mất. Tuyệt đối không nên làm những việc nặng khiến cơ thể mất sức, điều này không chỉ khiến cơ thể khó phục hồi mà còn làm gia tăng khả năng mắc các bệnh lý về sản khoa.
Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng
Sau khi sảy thai, cơ thể của bạn mất rất nhiều sức và chất dinh dưỡng nên thường bị suy kiệt. Lúc này bạn cần bổ sung cho cơ thể hàm lượng dinh dưỡng cần thiết từ nhiều loại thực phẩm khác nhau như rau củ, trái cây, thịt và các loại hải sản.
Cân bằng cảm xúc
Sau khi sảy thai, không chỉ sức khỏe thể chất mà cả sức khỏe về tinh thần của người mẹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn cần nhanh chóng vượt qua cảm giác đau buồn và mất mát của bản thân để có thể ổn định lại tinh thần.
Trên đây là bài viết tổng hợp cho bạn những thông tin về vấn đề sảy thai và những dấu hiệu sảy thai thường gặp trong quá trình mang thai. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu hơn về việc sảy thai và biết được những dấu hiệu để phòng ngừa tình trạng sảy thai xảy ra nhé!
Nguồn: tamanhhospital.vn