Các cách giúp cha mẹ chủ động phòng bệnh cảm lạnh cho trẻ
Cùng Bách hoá XANH tìm hiểu các cách giúp ba mẹ chủ động phòng bệnh cảm lạnh cho trẻ hơn thay vì lúc nào cũng ra quầy mua thuốc một cách vô tội vạ.
Khi trẻ bị cảm lạnh, sốt hay "sụt sịt" thì ba mẹ thường có thói quen ra quầy và mua thuốc cho bé vô tội vạ mà không quan tâm nhiều đến cách sử dụng hay liều lượng,.. Việc làm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Trong bài viết hôm nay, Bách hoá XANH muốn gửi đến bạn các cách giúp ba mẹ chủ động phòng bệnh cảm lạnh cho trẻ theo tham vấn của Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1
Những nguy cơ về thuốc ho và cảm lạnh cho trẻ
Thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn giúp điều trị các triệu chứng ho và cảm lạnh, không phải là nguyên nhân gây bệnh. Theo chuyên gia, những loại thuốc này được chứng minh là không hoạt động tốt hơn bất kỳ loại giả dược nào. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như quá liều gây tử vong ở trẻ em dưới 2 tuổi.
Chính vì thế, không sử dụng thuốc mua tự do, ngoại trừ thuốc hạ sốt và giảm đau, để điều trị ho và cảm lạnh ở trẻ em dưới 6 tuổi và tránh sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
2
Việc sử dụng thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng để chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng không có tác dụng đối với virus gây cảm lạnh.
Nếu bé bị cảm lạnh, thuốc kháng sinh không giúp được gì cả, bé càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ, nguy cơ bị kháng thuốc trong tương lai càng cao.
3
Các loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường
Thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (Tylenol, những loại khác) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin dành cho trẻ em, những loại khác) có thể hạ sốt và giảm đau do viêm họng.
Nếu bạn cho bé uống thuốc giảm đau, hãy tuân thủ các hướng dẫn về liều lượng một cách cẩn thận. Với trẻ em dưới 3 tháng tuổi, không cho trẻ uống acetaminophen cho đến khi trẻ được bác sĩ thăm khám.
Không dùng ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc trẻ bị nôn liên tục hay mất nước. Bên cạnh đó, hãy thận trọng khi cho bé hoặc thanh thiếu niên dùng aspirin.
4
Không sử dụng thuốc chứa codein
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm giới hạn việc sử dụng thuốc ho và thuốc cảm theo toa có chứa opioid codein hoặc hydrocodone cho người lớn từ 18 tuổi trở lên. Nguyên nhân là do nguy cơ gây thở chậm hoặc khó thở, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc một cách rủi ro, nghiện thuốc, quá liều và thậm chí tử vong.
5
Các cách giúp bé dễ chịu hơn
Để chữa cảm lạnh ba mẹ nên bổ sung nhiều chất lỏng cho bé. Các chất lỏng như nước, nước trái cây và nước dùng có thể giúp làm loãng dịch tiết. Chất lỏng ấm như trà hoặc súp gà, có thể có tác dụng làm dịu, tăng lưu lượng chất nhầy ở mũi và làm lỏng dịch tiết đường hô hấp. Một số cách bạn có thể áp dụng như sau:
- Chạy máy tạo ẩm dạng phun sương mát: Điều này có thể bổ sung độ ẩm cho không khí, có thể làm giảm khô mũi và họng. Đặt máy tạo độ ẩm gần giường của con bạn. Vệ sinh máy tạo ẩm sau mỗi lần sử dụng.
- Súc miệng bằng nước muối: Với trẻ em từ 6 tuổi trở lên, súc miệng bằng nước muối ấm có thể làm dịu cơn đau họng.
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi: Nước muối giữ ẩm cho đường mũi và làm lỏng chất nhầy. Đối với trẻ em, nhỏ nước muối sinh lý, đợi trong thời gian ngắn rồi dùng bầu hút để hút chất nhầy ra khỏi từng lỗ mũi. Đối với trẻ lớn hơn, dùng nước muối sinh lý xịt mũi hoặc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.
- Cho trẻ ăn kẹo cứng: Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên, ngậm một viên kẹo cứng có thể làm dịu cơn đau họng. Kẹo cứng có thể hiệu quả như kẹo ngậm thuốc và ít có tác dụng phụ hơn. Thế nhưng, kẹo cứng có thể gây nghẹt thở và không nên cho trẻ nhỏ dùng.
- Sử dụng thuốc giảm đau như Tylenol dành cho trẻ em (acetaminophen) hoặc Motrin (ibuprofen) để trị đau nhức cơ thể. Không sử dụng ibuprofen cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
- Nếu trẻ bị hen suyễn hoặc thở khò khè, hãy thăm khám bác sĩ. Con bạn có thể cần thuốc theo toa để làm giãn đường thở bị viêm, phù nề. Tránh dùng thuốc cảm, ho ở trẻ em bị hen suyễn, chúng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn.
6
Chủ động phòng bệnh cảm lạnh cho bé
- Giữ vệ sinh sạch sẽ. Dạy con rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên. Khi không có xà phòng và nước, hãy dùng chất khử trùng tay có cồn. Giữ đồ chơi và các bề mặt thông thường trong nhà cũng sạch sẽ.
- Tránh để trẻ chạm tay vào khuôn mặt. Con bạn có thể bị bệnh khi chạm vào vật gì đó bị nhiễm vi trùng và sau đó chạm vào mắt, miệng hoặc mũi của chính trẻ.
- Tránh xa nguồn lây cảm lạnh. Tránh để trẻ tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị cảm lạnh.
Khi bắt buộc phải dùng thuốc, ba mẹ cần:
- Luôn đọc nhãn bao bì và làm theo hướng dẫn cẩn thận.
- Không bao giờ tăng liều hoặc cho con bạn uống thường xuyên hơn mức ghi trên bao bì hay bác sĩ đã chỉ định.
- Không cho trẻ em uống thuốc của người lớn.
- Hãy thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc chiết xuất tự nhiên và thảo dược có sẵn trên thị trường.
- Hỏi ý kiến bác sĩ để chắc loại thuốc nào phù hợp với con mình.
- Thông báo cho bác sĩ của con bạn về bất kỳ loại thuốc nào khác mà con bạn dùng.
- Luôn sử dụng thiết bị đo lường đi kèm trong gói thuốc.
Trên đây là những thông tin liên lạc giúp ba mẹ chủ động hơn khi bé bị cảm lạnh và cách sử dụng thuốc một cách an toàn nhất. Theo dõi những bài viết tiếp theo từ Bách hoá XANH để chăm sóc bé một cách tốt nhất nhé!
Nguồn: Vinmec