Bỏ túi 5 mẹo giảm đau cổ khi ngủ dậy hiệu quả, đơn giản
Nguyên nhân gây đau cổ sau khi ngủ dậy là gì? Làm thế nào để giảm thiểu cơn đau nhức cổ sau khi ngủ dậy? Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!
Đau cổ là một tình trạng thường gặp của không ít người sau khi ngủ dậy. Tình trạng này gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Hôm nay, Tip Hay sẽ chia sẻ đến bạn 5 mẹo giảm đau cổ khi ngủ dậy hiệu quả, đơn giản. Tham khảo ngay nhé!
1
Nguyên nhân gây đau cổ sau khi ngủ dậy
Tình trạng đau cổ sau khi ngủ dậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:
Ngủ sai tư thế
Tư thế ngủ không đúng có thể tác động tiêu cực lên vùng cổ và gây ra đau mỏi sau khi thức dậy. Các tư thế không tự nhiên (như nằm sấp hoặc quay đầu sang một bên) có thể gây ra hiện tượng chèn ép mạch máu ở vùng cổ. Điều này ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy đến các tế bào cơ trong vùng cổ.
Khi tế bào cơ không nhận được đủ oxy, quá trình trao đổi chất sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng tăng cường tổng hợp axit lactic (một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa cơ bản), từ đó tạo ra cảm giác mệt mỏi và đau mỏi trong cơ bắp cổ.
Cổ bị chấn thương trước đó
Các loại chấn thương cổ thường không gây cảm giác đau ngay lập tức. Thay vào đó, triệu chứng đau sẽ xuất hiện sau một vài ngày.
Đặc biệt, khi bạn thức dậy vào buổi sáng, bạn sẽ cảm nhận được mức độ đau tăng lên. Điều này có thể là do việc nằm yên trong thời gian dài khi ngủ, làm cho cơ bắp và mô mềm xung quanh vùng chấn thương cứng lại, dẫn đến tình trạng đau mỏi và cứng vào buổi sáng.
Gối kê đầu quá cao
Khi bạn sử dụng gối kê đầu quá cao trong một thời gian dài, cổ có thể bị uốn cong quá mức, dẫn đến căng cơ và dây chằng cột sống cổ. Điều này có thể gây ra áp lực lên vùng cổ, dẫn đến tình trạng khó chịu và đau mỏi cổ khi thức dậy.
Chuyển động đột ngột khi ngủ
Các chuyển động đột ngột trong khi ngủ thường xảy ra một cách bất ngờ và không kiểm soát, có thể tạo ra áp lực lớn lên vùng cổ. Những áp lực này gây tác động đến cơ bắp và mô mềm xung quanh cổ, dẫn đến tình trạng đau sau khi thức dậy.
Thoái hóa các khớp ở cổ
Theo thời gian, khớp cổ có thể bị thoái hóa do quá trình lão hóa tự nhiên. Điều này có thể dẫn đến cảm giác đau và cứng cổ sau khi ngủ, đặc biệt vào buổi sáng.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ xảy ra khi đĩa đệm giữa các xương của cột sống bị thoát ra khỏi vị trí bình thường, thường gây áp lực lên các dây thần kinh và kết cấu xung quanh. Khi bạn nằm ngủ, vùng cổ có thể đặt ở trong tư thế không thoải mái, gây ra áp lực thêm lên vùng thoát vị.
Khi bạn thức dậy sau giấc ngủ, các cơ và cấu trúc trong vùng cổ sẽ cố gắng thư giãn và trở lại vị trí bình thường. Nhưng do tình trạng thoát vị đĩa đệm, việc này có thể gây ra đau và mỏi cổ.
Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng đau mỏi cổ sau khi thức dậy còn xuất hiện do:
- Chứng đau xơ cơ hoặc đau thắt cơ.
- Stress, căng thẳng.
- Ngồi làm việc hoặc ngồi xem tivi quá lâu mà không thay đổi tư thế.
- Tình trạng viêm màng não làm cho các cấu trúc xung quanh cột sống và não tủy bị tổn thương.
2
Cách giảm thiểu cơn đau nhức cổ sau khi ngủ dậy
Cho cổ nghỉ ngơi
Khi bạn thức dậy, cơ và cấu trúc trong vùng cổ cần thời gian để hoạt động lại bình thường. Việc đứng dậy ngay lập tức có thể gây ra căng cứng và đau mỏi cổ.
Vì vậy, trước khi bước xuống giường, bạn nên dành ít nhất 15 - 20 phút để thực hiện các động tác giãn cơ cổ như nằm thư giãn trên gối có độ cao phù hợp, xoay đầu nhẹ nhàng từ trái qua phải và ngược lại,...
Massage cổ
Massage cổ là một phương pháp hữu ích để giảm đau cổ sau khi thức dậy vào buổi sáng. Để thực hiện massage cổ một cách hiệu quả, bạn có thể áp dụng các bước sau:
Trước khi bắt đầu, hãy tìm một nơi thoải mái để thực hiện massage. Bạn có thể sử dụng dầu massage để làm cho quá trình diễn ra mượt mà hơn.
Hãy đặt tay hoặc ngón tay lên vùng cổ, vai và gáy để xác định các điểm cần massage. Những vị trí này thường là những nơi bạn cảm thấy mỏi hoặc đau nhức.
Sử dụng ngón tay hoặc lòng bàn tay thực hiện các chuyển động xoa bóp nhẹ nhàng theo hình tròn tại vùng cổ, vai và gáy. Bạn không nên xoa quá mạnh để tránh tác động quá mức lên cơ bắp.
Thực hiện bài tập cổ
Thực hiện bài tập cổ sau có thể giúp cải thiện tình trạng đau cổ sau khi thức dậy:
- Nghiêng đầu để tai chạm vào vùng vai: Chọn tư thế đứng hoặc ngồi thẳng, sau đó nghiêng đầu sang một bên sao cho tai chạm vào vai. Giữ tư thế này trong khoảng 10 giây, sau đó đưa cổ trở về vị trí ban đầu trước khi chuyển sang bên còn lại. Thực hiện 10 lần cho mỗi bên.
- Ngửa cổ và gập cổ: Ngửa cổ và nhìn lên trần nhà, cố gắng nhìn càng xa càng tốt. Giữ tư thế này trong một thời gian ngắn sau đó đưa cổ về vị trí ban đầu. Tiếp theo, gập cổ và nhìn xuống sàn nhà. Thực hiện 10 lần cho mỗi lần nhìn lên và xuống để giúp giãn cơ cổ và cải thiện linh hoạt.
- Đẩy cằm: Đặt tay phải ở cằm và đẩy nhẹ nhàng cằm sang bên phải, giữ tư thế này trong khoảng 10 giây. Sau đó, quay cổ về vị trí ban đầu và lặp lại động tác với bên trái. Bài tập này giúp giãn và làm dịu cơ cổ.
- Phác thảo bảng chữ cái từ A - Z bằng cằm: Sử dụng cằm như một con trỏ chuột, nhẹ nhàng phác thảo các chữ cái từ A đến Z trên không trung. Điều này giúp tạo ra sự linh hoạt cho cổ và tăng cường sự điều chỉnh cơ.
Chườm nóng/lạnh
Thực hiện chườm nóng/lạnh là một phương pháp đơn giản và hữu ích để giảm triệu chứng đau cổ sau khi thức dậy.
Bạn có thể thực hiện chườm lạnh bằng cách sử dụng túi đá hoặc túi gel lạnh chườm lên vùng cổ bị đau trong khoảng 20 phút. Cách này giúp giảm viêm và sưng ở vùng cổ, từ đó làm dịu triệu chứng đau mỏi.
Sau khi đã chườm lạnh trong vài ngày mà triệu chứng đau mỏi vẫn còn, bạn có thể chuyển sang chườm nóng. Hãy sử dụng túi đệm nóng hoặc bình nước nóng ở nhiệt độ vừa phải đặt lên vùng cổ bị đau trong khoảng 20 phút. Cách này giúp tăng lưu thông máu, làm giãn cơ và giảm căng cứng cổ.
Dùng thuốc giảm đau
Để giải quyết tình trạng đau nhức cổ sau khi ngủ dậy, bạn có thể dùng các loại thuốc giảm đau và chống viêm. Các lựa chọn thường được khuyến nghị là:
- Paracetamol (acetaminophen): Đây là một loại thuốc giảm đau và hạ sốt. Nó có thể làm giảm cảm giác đau ở vùng cổ sau khi thức dậy.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các loại NSAID như ibuprofen hoặc naproxen có khả năng làm giảm viêm nhiễm, sưng tấy và cải thiện cảm giác cứng cổ do viêm nhiễm.
- Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thuốc này, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Việc lạm dụng hoặc thay đổi liều lượng thuốc có thể gây hại và tác động nghiêm trọng tới sức khỏe.
3
Cách ngăn ngừa đau cổ sau khi ngủ dậy
Để ngăn ngừa tình trạng đau cổ sau khi thức dậy, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Ngủ đúng tư thế: Khi nằm ngủ, bạn không nên kê gối cao hơn so với đầu. Bên cạnh đó, hãy chọn tư thế ngủ phù hợp để giảm nguy cơ căng cơ và tạo áp lực trên vùng cổ. Bạn không nên nằm sấp vì tư thế này có thể tạo áp lực lên vùng cổ, dẫn đến cảm giác đau mỏi cổ khi thức dậy.
- Sử dụng gối ngủ phù hợp: Bạn nên chọn gối có chiều cao và độ cứng phù hợp với tư thế ngủ của bạn (khoảng 8 – 15 cm và chất liệu bằng bông mút là tốt nhất). Gối quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây áp lực lên vùng cổ và vai.
- Thay đổi tư thế khi ngủ: Đừng duy trì một tư thế ngủ cố định suốt đêm. Hãy thay đổi tư thế và điều chỉnh gối khi cảm thấy căng cơ hoặc không thoải mái.
- Tập thể dục và giãn cơ: Hãy thực hiện các bài tập giãn cơ và tập thể dục đều đặn để duy trì sự linh hoạt cho cơ bắp cổ và vai.
- Tránh ngồi làm việc quá lâu: Dành thời gian nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian làm việc sẽ giúp cho cơ cổ được thư giãn và tránh khỏi đau nhức, khó chịu.
Trên đây là những chia sẻ của Tip Hay về 5 mẹo giảm đau cổ khi ngủ dậy hiệu quả, đơn giản. Hy vọng với bài viết này, bạn sẽ bỏ túi được những thông tin hữu ích. Cảm ơn vì đã theo dõi!
Nguồn: Trang ACC Chiropractic Việt Nam