Bố mẹ có nên cho trẻ uống lại một liều thuốc sau khi nôn không?
Trẻ nôn ói sau khi uống thuốc có phải là hiện tượng nguy hiểm? Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Ở giai đoạn dưới 4 tuổi, trẻ thường xảy ra hiện tượng nôn ói sau khi uống thuốc. Một số phụ huynh khá bối rối về việc có nên cho con uống lại một liều thuốc sau khi nôn không? Để giải đáp thắc mắc này, hãy cùng Bách hoá tìm hiểu bài viết sau đây nhé!
1
Nguyên nhân trẻ bị buồn nôn khi uống thuốc?
Buồn nôn hoặc nôn khi uống thuốc là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn. Mức độ nôn ói có thể tăng lên nếu trẻ sử dụng cùng lúc quá nhiều loại thuốc. Dưới đây là một số nguyên nhân chính làm xuất hiện cảm giác buồn nôn sau khi uống thuốc, chẳng hạn như:
- Vị thuốc đắng hoặc khó uống
- Trẻ vừa uống thuốc, vừa chạy nhảy
- Trẻ bị sặc khi bố mẹ ép uống thuốc
- Uống thuốc trong lúc đói hoặc ăn quá no
- Trẻ bị dị ứng thành phần trong thuốc kháng sinh
- Chức năng nuốt của trẻ em chưa được hoàn thiện
2
Có nên cho trẻ uống lại một liều thuốc sau khi nôn?
Để trả lời câu hỏi này, bố mẹ nên xem xét một số yếu tố về thời gian uống thuốc, tình trạng của trẻ, liều lượng, sức khoẻ, tuổi của trẻ,... Tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ để đưa ra hướng giải quyết an toàn cho trẻ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia thường dựa trên thời gian kể từ khi uống thuốc đến khi trẻ nôn để bổ sung lại liều lượng thuốc phù hợp cho con. Bạn có thể tham khảo nguyên tắc cơ bản sau đây:
- Trẻ nôn trong vòng 15 phút sau khi uống thuốc và có thể nhìn thấy viên thuốc trong dịch nôn thì cần uống thêm một liều thay thế.
- Trẻ nôn sau 1 tiếng uống thuốc thì có thể uống thêm một liều thay thế. Lưu ý, bạn nên tìm hiểu tác dụng phụ thuốc của thuốc trong trường hợp quá liều, và nên tham khảo bác sĩ.
- Trẻ uống thuốc sau 1 tiếng mới nôn thì không cần uống lại liều mới.
Ngoài ra, tuỳ theo loại thuốc mà con sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung thuốc phù hợp cho con.
3
Các mẹo cho trẻ uống thuốc để con không bị nôn?
Không được tùy ý sử dụng thuốc hoặc ngưng thuốc
Khi trẻ bệnh, bạn nên đưa con đến thăm khám bác sĩ để có được toa thuốc chỉ định thích hợp. Trường hợp con đã khoẻ, bạn không nên tự ý dừng thuốc hoặc giảm liều. Hãy đảm bảo tuân thủ đúng thời gian mà bác sĩ chỉ định và đưa con tái khám theo định kỳ.
Chọn dạng thuốc dễ uống
Thay vì sử dụng các loại thuốc dạng viên, bạn có thể chọn thuốc dạng lỏng, dạng bột và có mùi dễ chịu. Nếu phải sử dụng thuốc dạng viên, hãy nghiền nát và hòa với nước khi uống. Lưu ý, không kết hợp thuốc nghiền với sữa tươi vì có thể gây ra tác dụng phụ ảnh đến sức khoẻ của con.
Phân chia thời gian uống thuốc hợp lý
Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về phân chia thời gian uống thuốc hợp lý cho con. Tốt nhất nên cho trẻ uống thuốc cách xa bữa ăn hoặc cữ sữa để hạn chế nôn ói.
Dụ trẻ uống thuốc theo nhiều cách khác nhau
Tuỳ vào độ tuổi của trẻ mà bố mẹ có thể linh hoạt nhiều cách để dụ trẻ uống thuốc nhanh. Hãy cố gắng tạo không khí vui tươi, dễ chịu và nhanh chóng đưa thìa thuốc vào miệng trong lúc con không để ý. Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể giải thích cho trẻ hiểu về lợi ích của thuốc để trẻ “hợp tác” cùng bố mẹ.
Đặt thuốc vào miệng con đúng cách
Vị giác của trẻ tập trung ở phía trước và trung tâm của lưỡi. Do đó, trẻ sẽ lập tức có những phản ứng như khóc, phun thuốc ra ngoài khi gặp phải vị đắng. Bạn nên dùng muỗng có thuốc pha loãng đặt sâu vào 2/3 lưỡi và đè nhẹ lưỡi xuống. Sau đó cho thuốc vào miệng bé và từ từ rút muỗng ra ngoài. Cách này giúp trẻ dễ nuốt và uống thuốc trọn vẹn hơn.
Trên đây là những điều mà bố mẹ nên lưu ý để giúp trẻ uống thuốc hiệu quả hơn. Hãy tham khảo và tìm ra cách chăm sóc bé yêu phù hợp khi con đau ốm nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec