Bọ chét cắn có nguy hiểm không? Nên làm gì khi bị bọ chét cắn?
Bọ chét là côn trùng sống ký sinh nhờ vào máu của vật chủ như chó, mèo hoặc người, cùng tìm hiểu liệu bọ chét cắn có nguy hiểm và nên làm gì sau khi bị cắn.
Tại Việt Nam, bọ chét có khoảng 34 loài khác nhau bao gồm bọ chét chó và bọ chét mèo, chúng thường thay đổi vật chủ bằng cách phóng nhảy. Bọ chét có thể gây nhiễm một số bệnh hoặc gây viêm da, dị ứng. Hãy cùng Tip Hay tìm hiểu nên làm gì khi bị bọ chét cắn trong bài viết sau nhé.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
1
Đối tượng có nguy cơ bị bọ chét cắn
Hiện nay, các loài động vật có vú và người đặc biệt là trẻ nhỏ đều có nguy cơ bị bọ chét cắn và ký sinh trên cơ thể. Những vết cắn của bọ chét có thể gây đau đớn, ngứa ngáy và mưng mủ cũng như lây truyền mầm bệnh gây hại như sán dây và dịch hạch.
Bọ chét có thể tồn tại hơn 100 ngày mà không cần đến vật chủ nên việc loại bỏ hoàn toàn loài côn trùng này là điều khá khó khăn.
2
Nguyên nhân bị bọ chét cắn
Bọ chét thường sinh sống ở nơi cỏ cao hoặc khu vực tối tăm, ẩm thấp và chúng có khuynh hướng tấn công các loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo,... Nếu như nhà bạn không nuôi thú cưng hoặc bọ chét chưa tìm được vật chủ thích hợp thì bạn sẽ là đối tượng mà bọ chét nhắm tới để ký sinh trên cơ thể.
3
Dấu hiệu và triệu chứng khi bị bọ chét cắn
Bọ chét có phần móng rất khỏe giúp bám chặt vào vật chủ và miệng của chúng có một vòi nhỏ dùng để đâm thủng da vật chủ và hút máu. Khi bọ chét cắn, chúng sẽ tiết nước bọt vào máu vật chủ, cơ thể của chúng ta sẽ nhận diện đây là chất dị ứng và giải phóng histamin gây ngứa, đau nhức cũng như sưng đỏ.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị nhiễm trùng da nếu như gãi quá nhiều và phát ban tại vùng da bị cắn. Vì bạn cũng có thể gặp một số triệu chứng khác ngoài dự kiến nên cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ về dấu hiệu và triệu chứng khi bị bọ chét cắn.
4
Vết bọ chét cắn có hình dạng như thế nào?
Mặc dù có trường hợp không xuất hiện các dấu vết do bọ chét cắn nhưng phần lớn vết bọ chét cắn thường có những hình dạng cụ thể như:
- Vết cắn nhỏ trên da kèm theo một chấm đỏ ở tâm hoặc xuất hiện 3 - 4 vết cắn có thể tạo thành một dãy chấm đỏ.
- Một số trường hợp có thể xuất hiện vảy và một vòng tròn màu đỏ nhạt bao quanh vết cắn.
- Bọ chét thường cắn ở quanh bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân,... nên bạn cần thường xuyên để ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vì bọ chét có thể di chuyển khắp nơi trên cơ thể đặc biệt là tại những vùng có nhiều lông rậm rạp, vùng bụng gần lưng quần, vùng cổ chân,...
5
Khi nào cần gặp bác sĩ do bọ chét cắn?
Sau khi bị bọ chét cắn và cơ thể của bạn xuất hiện những triệu chứng như bị sưng đỏ, đau dữ dội, buồn nôn, khó thở hoặc bị sốt phát ban, nhiễm trùng nặng và dịch hạch,... thì nên ngay lập tức đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được khám và chữa trị kịp thời.
6
Cách trị bọ chét cắn
Hầu hết các trường hợp bị bọ chét cắn đều có thể tự chữa trị tại nhà nhưng nếu như phát hiện có những dấu hiệu bất thường thì bạn nên đến bệnh viện ngay nhé. Theo các chuyên gia sức khỏe, khi bị bọ chét cắn bạn có thể dùng một số loại thuốc để bôi như kem dưỡng da chứa calamine, cortisone và thuốc kháng histamin.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện một số phương pháp trị bọ chét cắn tại nhà như:
- Sử dụng xà phòng sát khuẩn để rửa sạch vết bọ chét cắn và hạn chế gãi vị trí bọ chét cắn để tránh nhiễm trùng.
- Dùng túi đá chườm lạnh để giảm sưng vết bọ chét cắn hoặc thoa một ít nước lá trà xanh sẽ giúp kháng khuẩn, làm dịu và giúp lành vết thương.
- Dùng lớp nhờn hoặc gel trên lô hội và thoa lên vết thương trong vòng 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước ấm để tăng khả năng kháng viêm cũng như làm lành vết thương.
7
Cách phòng ngừa bọ chét cắn
Để phòng ngừa bọ chét cắn hiệu quả, trước tiên bạn cần kiểm tra xem vật nuôi trong nhà có bọ chét hay không. Bạn có thể tìm bọ chét trên thú cưng bằng cách chải ngược lông của chúng hoặc lưu ý xem vật nuôi có thường xuyên gãi ngứa hoặc cắn bọ chét trên da.
Tiếp theo, bạn có thể đưa thú cưng đến phòng khám bác sĩ thú y để được hướng dẫn dùng loại thuốc bôi chống bọ chét hoặc dùng vòng đeo cổ chống bọ chét để giảm tình trạng tái nhiễm bọ chét.
Cuối cùng, bạn cần vệ sinh nhà cửa, chỗ ở thú cưng và một số vật dụng của chúng thường xuyên bằng nước nóng để diệt bọ chét và trứng của bọ chét. Bạn có thể dùng máy hút bụi công suất lớn để dọn dẹp và đổ rác vào trong bịch nilon, buộc kín và cho vào thùng rác.
Trên đây là chia sẻ của Tip Hay về việc bọ chét cắn có nguy hiểm không và nên làm gì sau khi bọ chét cắn. Hy vọng bạn sẽ lưu ý để đảm bảo sức khỏe bản thân và thú cưng của mình nhé.
Nguồn: Hellobacsi.com