Biện pháp tránh sốc nhiệt khi trời rét lạnh
Những ngày cuối năm tiết trời se lạnh khiến nhiều người dễ bị sốc nhiệt rất nguy hiểm đến sức khỏe. Do vậy, bạn cần nắm bắt một số biện pháp tránh sốc nhiệt khi trời rét lạnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Mời bạn cùng Bách Hóa XANH tìm hiểu các biện pháp tránh sốc nhiệt khi trời rét lạnh dưới đây.
Những điều cần lưu ý khi trời trở lạnh
Khi thời tiết bắt đầu se lạnh, mọi người đặc biệt là người già và trẻ em nên hạn chế ra ngoài khi thời tiết rét lạnh và có gió mạnh. Mùa lạnh bạn nên hạn chế tiếp xúc với nước nhiều đặc biệt là để ướt vùng cổ tay, chân mỗi khi ngủ hoặc ra đường.
Bạn nên tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than. Uống rượu bia cũng là điều không nên đặc biệt với người dân miền núi vì khi uống rượu bia sẽ làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp. Sau 22h00 không nên tắm, cũng không được tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió.
Về vệ sinh răng miệng thì bạn cần đánh răng thường xuyên hằng ngày trước khi đi ngủ và sáng sau khi ngủ dậy, súc miệng bằng nước muối ấm. Mùa lạnh, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. 4 nhóm chất cơ bản: tinh bột, chất đạm, chất béo, Vitamin và khoáng chất phải được bổ sung đầy đủ. Tập thể dục cũng là cách tốt để làm ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết lạnh.
Những điều nên tránh khi sưởi ấm
Nếu bạn sử dụng than củi, than tổ ong để sưởi ấm thì tuyệt đối không sưởi trong phòng kín. Nếu thật sự cần thiết chỉ nên sưởi trong thời gian ngắn có mở hé cửa. Mọi người còn thức thì mới được sưởi, không nên để qua đêm khi tất cả đều đã ngủ. Sưởi than trong phòng kín đã gây rất nhiều hậu quả thương tâm do khí CO gây ra do vậy bạn cần hết sức lưu ý.
Trẻ nhỏ, người già cần tránh xa các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi...). Vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi, nguy cơ bỏng và cháy cao. Bạn nên để máy sưởi cách khoảng 1 - 2m và nên để chế độ quay với mục đích làm ấm phòng là chính.
Nếu bạn sử dụng chăn điện thì phải kiểm tra kỹ để đảm bảo an toàn. Đừng nên giặt chăn để tránh bị chập điện. Chọn chế độ ấm vừa đủ và khi đủ ấm thì tắt trước khi sử dụng.
Những biểu hiện của cơ thể khi bị lạnh cần chú ý
Khi bị mất nhiệt nhiều, cơ thể sẽ có những biểu hiện sau: run rẩy, đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay. Nếu gặp những điều trên bạn cần giữ ấm và đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Những ai có bệnh về tim mạch, huyết áp thì nên kiểm tra thường xuyên và làm theo lời khuyên của bác sĩ.
Người già, gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh khi giảm thân nhiệt sẽ có biểu hiện: run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ, nói lơ và buồn ngủ... Đối với trẻ sơ sinh sẽ có dấu hiệu da đỏ tươi hoặc da lạnh. Nếu bị ho, sốt do nhiễm lạnh thì phải thăm khám bác sĩ ngay không nên tự ý mua thuốc ngoài tiệm đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Mùa lạnh đang về khắp nơi trên cả nước vì thế bạn và người thân cần cẩn trọng để giữ cơ thể luôn ấm áp. Hãy nhớ những biện pháp trên đây để phòng ngừa tốt nhất.
Xem thêm: Cách làm đẹp da mùa lạnh
Nguồn tham khảo: tienphong.vn