Bị mắc nghẹn nên làm gì? Cách xử trí khi bị mắc nghẹn nhanh chóng
Nghẹn thức ăn hoặc dị vật nếu không sơ cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy khi bị mắc nghẹn thì nên làm gì và cách xử trí khi bị mắc nghẹn nhanh chóng.
Hóc, nghẹn là tình trạng xảy ra khá phổ biến khi thức ăn hoặc dị vật bị vướng vào họng hoặc khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp, không thể hít thở. Rất nhiều trường hợp đã tử vong do bị mắc nghẹn mà không được cấp cứu kịp thời vì thiếu oxy lên não.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về các nguyên nhân và dấu hiệu bị mắc nghẹn, cũng như cách xử trí khi bị mắc nghẹn kịp thời, nhanh chóng.
1
Nguyên nhân gây nghẹn
Hóc, nghẹn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chỉ cần một chút sơ suất thì thức ăn hoặc dị vật có thể sẽ bị mắc lại ở họng, gây ra hiện tượng tắc nghẽn đường thở và có thể dẫn đến tử vong.
Theo National Safety Council (NSC), những cái chết do nghẹt thở thường gặp ở trẻ nhỏ (trẻ em dưới 1 tuổi) và ở người già (người lớn trên 75 tuổi).
Người già và trẻ nhỏ là đối tượng cần được chú ý vì sức khỏe yếu, không thể tự sơ cứu kịp thời cho bản thân mình. Những mẩu thức ăn hay đồ vật nhỏ khi bị nghẹn lại ở cổ họng đều sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai): “Việc bị hóc dị vật, dẫn đến mắc nghẹn, thậm chí nghẹt thở là tai nạn không phải hiếm thấy. Mặc dù kích cỡ dị vật nhỏ nhưng nó cũng rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong khi làm tắc đường khí quản, không đưa được oxy lên não.”
2
Dấu hiệu khi bị mắc nghẹn
Mắc nghẹn thức ăn và dị vật cũng có nhiều mức độ khác nhau:
- Với mức độ nhẹ, người bệnh vẫn có thể nói hoặc phát ra âm thanh nhưng có âm lượng nhỏ, thường sẽ ho lớn để cố gắng đẩy vật bị mắc nghẹn ra.
- Với mức độ nặng, người bệnh sẽ cảm thấy không thở được, không thể nói hoặc phát ra âm thanh, dùng tay ôm cổ họng, tím tái mặt mày, nặng hơn có thể đỏ mặt, ngã xuống,..
3
Cách xử trí khi bị mắc nghẹn nhanh chóng
Nhanh chóng tự sơ cứu cho bản thân mình và người khác bằng cách uống một ngụm nước từ từ, nếu vẫn không hết thì tiếp tục uống từ từ sữa tươi không đường.
Trong trường hợp xung quanh không có sữa và nước, bạn hãy ngồi hơi cúi đầu về phía trước và cố gắng ho thật mạnh, sau đó dùng tay vỗ vào phần lưng giữa hai xương bả vai.
Với những trường hợp nặng hơn, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) khuyên chúng ta nên sử dụng thủ thuật Heimlich giúp sơ cứu mắc nghẹn mà ai cũng nên biết như sau:
Đối với người lớn:
- Nếu phát hiện người bị mắc nghẹn hãy nhanh chóng đỡ bệnh nhân thẳng đứng người lên, hướng mặt về phía trước còn người sơ cứu thì đứng phía sau, dùng hai tay ôm chặt phần bụng sát trên xương ức, dứt khoát dùng thân mình kéo giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên.
- Khi bệnh nhân ngã xuống, hãy lật nghiêng người hoặc đầu sang một bên, sau đó dùng hai bàn tay ấn vào phía trên phần xương ức thật mạnh một vài lần kết hợp dùng ngón tay móc khoang miệng, kiểm tra xem dị vật đã ra hay chưa.
- Nếu bạn bị mắc nghẹn và không tìm thấy ai xung quanh để giúp đỡ, hãy cố gắng nhanh chóng gọi cho cấp cứu, tạm thời đặt một nắm tay phía trên phần rốn của mình, tay còn lại nắm chặt lấy bàn tay đó cúi người lên một chỗ dựa cứng như bàn hoặc ghế.
Đối với trẻ nhỏ:
- Dùng một tay để giữ bé, tay còn lại dùng lòng bàn tay vỗ mạnh vào phần lưng giữa hai xương bả vai của bé khoảng 5-7 cái. Nếu trẻ vẫn khó thở, hãy đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh và mạnh vào phần xương ức.
- Nếu thấy cháo, sữa,... chảy ra từ miệng hoặc mũi của trẻ thì nhanh chóng hút ra sạch để thông đường thở.
- Với trẻ dưới 2 tuổi, bạn có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực bằng cách lấy 3 ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa chĩa ra) ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức) cho đến khi bé thấy đỡ hơn. Sau đó gọi cho cấp cứu đến bệnh viện để kiểm tra lại.
4
Cách phòng ngừa mắc nghẹn khi ăn uống
Đối với trẻ em:
- Cắt nhỏ thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ, không nên cho trẻ ăn quá nhiều.
- Phụ huynh nên lưu ý và theo dõi con khi ăn uống, đặc biệt là với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
- Tập cho trẻ thói quen ăn chậm nhai kỹ, ưu tiên ăn những loại thức ăn mềm, dễ nuốt.
Đối với người lớn:
- Khi ăn hãy tập trung vào bữa ăn, không nên nói chuyện hoặc làm việc khác cùng lúc.
- Đi bộ nhẹ hoặc ngồi nghỉ 30 phút sau khi ăn để giảm cảm giác bị nghẹn, trào ngược.
- Giữ tinh thần luôn thoải mái khi ăn uống.
- Không nên ăn quá no trong một bữa và đảm bảo ăn chín uống sôi, ăn chậm nhai kỹ.
Trên đây là những thông tin về triệu chứng mắc nghẹn và cách xử trí khi bị mắc nghẹn một cách nhanh chóng. Mong rằng qua bài viết trên, bạn sẽ có thêm những kiến thức bổ ích cho mình để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân trong gia đình.
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế VinMec