Bệnh whitmore có nguy hiểm không? Có chữa trị được không?
Thời gian gần đây bệnh Whitmore hay mọi người còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người gây hoang mang dư luận vì liên tục có nhiều người nhập viện. Bệnh whitmore có nguy hiểm không? Có chữa trị được không? Cùng tìm hiểu ngay nhé.
Bệnh whitmore không phải là bệnh mới, là một căn bệnh nguy hiểm hiện chưa có vaccin phòng bệnh và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh rất nhanh, các triệu chứng mơ hồ, khiến cho ngay cả bác sĩ cũng bị nhầm lẫn. Tuy nhiên cũng đã có nhiều ca đã được bác sĩ chữa trị được.
1
Bệnh whitmore có nguy hiểm không?
Theo TS. Trịnh Thành Trung, Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, người có 12 năm nghiên cứu về bệnh này cho biết whitmore là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Trong khoảng nửa năm 2015 đã có 70 ca mắc bệnh và có đến 18 ca tử vong, tỷ lệ tử vong trung bình của whitmore là 40 - 60%.
Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong. Bệnh có thể gây tử vong trong 48h nếu diễn biến nặng và phát hiện trễ.
Bệnh whitmore có nguy cơ tái phát cao, Ths. BS Nguyễn Ngọc Vinh, quyền trưởng khoa Điều trị tích cực Bệnh viện 74 TW cho biết, tháng 4/2016 ở Bệnh viện 74 TW tại Vĩnh Phúc đã phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh whitmore, nhập viện với triệu chứng ban đầu là viêm phổi, áp xe phổi trên nền bệnh đái tháo đường và gút có loét chân, được bệnh viên điều trị trong 2 tháng và đã xuất viện.
Mới đây bệnh nhân này đã nhập viện trở lại với tình trạng bệnh tình của bệnh nhân lui rất chậm, chụp phim có dấu hiệu xấu đi, các bác sĩ đã quyết định sử dụng 2 loại kháng sinh phối hợp mạnh nhằm điều trị cho bệnh nhân. Sau 10 ngày điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt.
Cho biết thêm về bệnh whitmore, TS Đặng Văn Khoa – Giám đốc Bệnh viện 74 TW cho biết, vi khuẩn whitmore không chỉ nguy hiểm cho những người mắc bệnh mạn tính mà nó là loại vi khuẩn kháng với rất nhiều loại kháng sinh thường dùng. Nên người dân khi có triệu chứng giống cảm cúm, mệt, sốt, đau ngực, cơ, khớp, nên nhanh chóng đến bệnh viện có uy tín để được khám bệnh và điều trị kịp thời.
2
Bệnh whitmore có chữa trị được không?
Bệnh whitmore đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có vaccin phòng bệnh, tuy nhiên đã có nhiều ca bác sĩ cứu sống được bệnh nhân mắc bệnh whitmore nếu phát hiện sớm.
BS nội trú Ngô Thị Phương Nhung- Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, ngày 15/9 bệnh viện đã cứu sống một bệnh nhân mắc bệnh whitmore có nguy cơ tử vong lên đến 90%.
Bệnh nhân này có biểu hiện nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, sốt cao liên tục 39-40 độ C, sưng đau khớp gối phải, tổn thương gan, thận, nhiều ổ áp xe trong phổi,... phải xét nghiệm đến 3 lần mới phát hiện được bệnh whitmore, được các bác sĩ điều trị đặc biệt, dùng kháng sinh đặc hiệu, hiện tại bênh nhân đã ổn định.
Một bệnh nhân khác ở Hoà Bình làm nghề nông, mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bị 1 vết xước ở chân, tình trạng chuyển biến nặng nên được đưa vào bệnh viên. Theo BS. Nguyễn Quang Huy - Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai người theo dõi bệnh cho biết, sau khi chuẩn đoán bệnh nhân này đã mắc bệnh whitmore, sau 2 tháng ròng rã điều trị, kết hợp nhiều chuyên khoa của bệnh viện bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Qua các thông tin trên cho thấy được bệnh whitmore là bệnh nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao, tuy nhiên nếu phát hiện sớm và chữa trị kip thời thì vẫn điều trị được.
Đón xem thêm nhiều thông tin về sức khoẻ tại Khoẻ đẹp mỗi ngày.