Bạn đã biết khi nào thì con trai ngưng phát triển chiều cao?
Phát triển chiều cao là vấn đề mà mọi người đều quan tâm, đặc biệt là con trai. Vậy bạn đã biết khi nào con trai ngưng phát triển chiều cao chưa? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Sở hữu ngoại hình nổi bật với chiều cao lý tưởng là mong muốn của mọi người, đặc biệt là đối với con trai. Chiều cao lý tưởng sẽ giúp cho con trai tự tin hơn và trở nên thu hút trong mắt các bạn nữ.
Bên cạnh đó, sở hữu chiều cao nổi bật cũng mở ra nhiều cơ hội làm việc vì một số công việc hiện nay bắt buộc bạn phải đạt được chiều cao nhất định. Do đó, vấn đề phát triển chiều cao luôn được mọi người quan tâm. Hãy cùng Bách hóa XANH tìm hiểu khi nào thì con trai ngưng phát triển chiều cao nhé!
1
Con trai phát triển chiều cao đến bao nhiêu tuổi?
Chiều cao không phát triển đồng đều ở các giai đoạn, mà thay vào đó tốc độ phát triển chiều của con trai sẽ nhanh nhất vào giai đoạn dậy thì và các giai đoạn sau đó sẽ chậm dần cho tới khi ngưng hẳn.
Thông thường thời gian dậy thì của con trai sẽ rơi vào khoảng từ 12 - 15 tuổi. Tuy nhiên, sẽ có những bé trai bắt đầu dậy thì sớm từ khi 9 tuổi và cũng có những trường hợp sau 15 tuổi mới dậy thì. Giai đoạn dậy thì này cũng không có thời gian nhất định và có thể kéo dài từ 2 - 5 năm. Tuy vậy, thời gian dậy thì kéo dài không có nghĩa là chiều cao phát triển tốt hơn so với những người có thời gian dậy thì ngắn.
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến (Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội), về mặt sinh lý thì các xương của con người bắt đầu gắn kết chặt lại với nhau vào khoảng cuối năm 21 tuổi nhưng không có nghĩa là chiều cao sẽ không thể phát triển được nữa. Tăng trưởng chiều cao sẽ phần lớn phụ thuộc vào sự điều chỉnh của các hormone, các yếu tố khác như dinh dưỡng, vận động và môi trường sống sẽ tác động một phần vào quá trình này. Do đó, nếu sau độ tuổi 21, cơ thể vẫn sản sinh được hormone tăng trưởng chiều cao thì con trai vẫn có thể cao thêm vài cm nhưng với tốc độ chậm.
Do nhiều yếu tố khác nhau, mà sự ổn định hormone tăng trưởng của mỗi người cũng khác nhau. Có người sau giai đoạn dậy thì, chiều cao đã bắt đầu ngưng phát triển ở tuổi 18. Nhưng cũng có một số ít trường hợp, con trai vẫn có thể phát triển chiều cao đến tận 23 tuổi.
2
Yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao ở con trai
Có nhiều yếu tố tác động đến tăng trưởng chiều cao ở con trai như chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ, thuốc men và tình trạng sức khỏe, nhưng phần lớn chiều cao của con trai được quyết định bởi yếu tố di truyền.
Di truyền học
Theo kết quả của các nghiên cứu, yếu tố di truyền có thể quyết định đến 80% sự phát triển chiều cao của con người. Các yếu tố khác chỉ chiếm 20% đến quá trình này. Do đó, khi bố mẹ có chiều cao tốt thì khả năng cao người con trai của họ cũng thừa hưởng được thừa hưởng lợi thế này.
Chúng ta có thể dự đoán chiều cao ở độ tuổi trưởng thành của con trai bằng công thức sau:
- Chiều cao con trai ở độ tuổi trưởng thành = (chiều cao của bố + chiều cao của mẹ)/2 + 6
Ví dụ: Người bố có chiều cao là 174 cm và mẹ cao 160cm, thì dự đoán chiều cao của người con trai khi trưởng thành là 173cm. Công thức này chỉ cho ra kết quả tương đối, thực thế chiều cao của người con trai này có thể cao hoặc thấp hơn dự đoán do có nhiều yếu tố khác cũng tác động đến chiều cao.
Dinh dưỡng
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng thứ hai có ảnh hưởng đến chiều cao của con người. Trẻ được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ thường sẽ cao lớn, mạnh khỏe. Các chất cần có để chiều cao của trẻ nhỏ phát triển nhanh bao gồm protein, khoáng chất, vitamin D, vitamin A và một số các chất khác. Nếu thiếu đi những chất này, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, cơ thể sẽ kém phát triển và thấp bé.
Giấc ngủ
Như đã đề cập trước đó, hormone tăng trưởng và một loại khác là hormone kích thích tuyến giáp là 2 loại hormone rất cần thiết cho sự phát triển của xương. Hai loại hormone này sẽ được cơ thể sản xuất khi chúng ta đang ngủ. Do đó, ngủ đủ giấc là một trong những yếu tố giúp cơ thể được khỏe mạnh và giúp phát triển chiều cao tốt hơn.
Thuốc men
Sử dụng thuốc để điều trị bệnh có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao.
Chẳng hạn, kết quả một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 trên nhóm đối tượng gồm 410 trẻ có độ tuổi từ 0,9 - 16,1 cho thấy việc sử dụng các loại thuốc kích thích điều trị ADHD sẽ gây ra tác dụng phụ dẫn đến tạm ngừng tăng trưởng cân nặng và chiều cao của trẻ. Thậm chí, sau 6 năm ngưng sử dụng loại thuốc này thì tốc độ tăng trưởng nhóm đối tượng này vẫn không bắt kịp tốc độ phát triển của những đứa trẻ không sử dụng thuốc trên.
Tuy nhiên lại có một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2014 lại cho kết quả đối lập với nghiên cứu trên. Cụ thể, nghiên cứu này được thực hiện trên nhóm đối tượng gồm 340 trẻ mắc chứng ADHD sử dụng thuốc kích thích để điều trị bệnh. Kết quả cho thấy không có sự ảnh hưởng nào của việc dùng thuốc điều trị ADHD đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Tình trạng sức khỏe
Tình trạng sức khỏe cũng là một trong những yếu tố tác động đến sự phát triển chiều cao của con người. Người bị mắc các bệnh như bệnh tuyến giáp, hội chứng Turner, loạn sản sụn xương, bệnh về xương, hội chứng Down và hội chứng Russell-Silver thường sẽ chậm phát triển về mặt chiều cao.
3
Cách tăng trưởng chiều cao sau tuổi dậy thì
Giai đoạn sau dậy thì là giai đoạn khó khăn nhất để con trai phát triển chiều cao do sụn tăng trưởng đã hợp nhất. Tuy nhiên, nếu vẫn chưa đến độ tuổi 23, thì con trai vẫn có khả năng cao thêm một ít nhờ thực hiện đúng biện pháp. Một số cách tăng trưởng chiều cao sau tuổi dậy thì cho con trai bao gồm:
- Thứ nhất, bạn cần có chế độ ăn uống nhiều dinh dưỡng để bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Các thực phẩm như sữa, trái cây, ngũ cốc rất thích hợp cho sự phát triển của chiều cao. Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng nước ngọt, cà phê, các chất kích thích vì chúng ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của cơ thể.
- Thứ hai, bạn cần ngủ đủ giấc để tăng cường sản sinh hormone tăng trưởng giúp cải thiện chiều cao. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc cũng khiến cho tinh thần thoải mái để học tập và làm việc hiệu quả.
- Tập thể dục, thể thao thường xuyên là điều không thể thiếu nếu bạn muốn tăng trưởng chiều cao sau tuổi dậy thì. Các bộ môn rất tốt cho việc phát triển chiều cao bao gồm bơi lội, nhảy dây, đi bộ, hít xà đơn hoặc thực hiện các động tác thể dục tại nhà như giãn cơ, core yoga.
- Bên cạnh đó, bạn cần cải thiện tư thế trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Bạn cần chú ý phần lưng và cổ trong lúc đi đứng và ngồi làm việc để cho cột sống được duỗi thẳng.
Trên đây là bài viết để giải đáp thắc mắc khi nào thì con trai ngưng phát triển chiều cao. Bách hóa XANH hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn.
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec