Tip hay

Bạch đậu khấu là gì? Công dụng và liều dùng bạch đậu khấu

Bạch đậu khấu là gì? Công dụng và liều dùng bạch đậu khấu

Cây bạch đậu khấu là cây gì và tất cả những công dụng thần kỳ, liều dùng của bạch đậu khấu với sức khỏe bạn đã biết? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Bạch đậu khấu - loài cây với cái tên nghe hơi “lạ lạ” mọc tự nhiên với nhiều công dụng trong đời sống con người. Bạn đã biết về loài cây này cùng những điều thú vị khác mà nó đem lại? Nếu chưa thì bài viết này là dành cho bạn đó. Tìm hiểu cây bạch đậu khấu cùng Tip Hay theo tham vấn của TS. Dược khoa Trương Anh Thư, chuyên trang hellobacsi ngay nào.

1 Bạch đậu khấu là gì?

Bạch đậu khấu tên khoa học là Amomum cardamomum L. Được biết đến với những tên khác như bạch khấu nhân, bạch khấu xác, đa khấu, đới xác khấu, đậu khấu,...

Hình ảnh bạch đậu khấuHình ảnh bạch đậu khấu

Cây bạch đậu khấu là loài thảo dược mọc hoang trong tự nhiên, trồng nhiều các 1 số nước như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Nam Mỹ,... Ở Việt Nam, cây mọc ở vùng núi cao, khí hậu mát mẻ như Lào Cai, Cao Bằng,... Loài cây thảo này cao khoảng 2-3m, sống lâu năm. Rễ mọc bò, lá mọc thành 2 dãy. Cụm hoa mọc thành bông, hoa màu trắng.

Quả bạch đậu khấu nhìn khá lạ. Quả có hình cầu và vỏ nhăn nhăn. Quả khía dọc, lúc chin màu nâu trắng còn hạt thì có tinh dầu thơm. Quả bạch đậu khấu gọi là khấu mễ (khấu nhân), chứa từ 20-30 hạt, mùi thơm vị cay.

Hạt bạch đậu khấuHạt bạch đậu khấu

Mùa thu là lúc thu hái quả. Thường sẽ hái cây trên 3 năm, quả được hái lúc còn ở giai đoạn chuyển sang vàng xanh (gần chín). Sau khi hái phơi khô trong bóng râm. Hoặc phơi khô xong bỏ cuống rồi xông diêm sinh tới khi vỏ trắng, cất đi dùng dần. Lúc dùng thì chỉ lấy nhân, bỏ vỏ và giã nát.

2 Thành phần hoá học

Hạt bạch đậu khấu chứa tinh dầu (2.4%), với thành phần chủ yếu của tinh dầu là d-borneol và d-camphor. Ngoài ra còn 1 số thành phần khác trong bạch đậu khấu như lipid (7g), cholesterol (0g), natri (18mg), kali (1.119mg), cacbohydrate (68g), protein (11g) và một số dưỡng chất khác (vitamin A, vitamin D, vitamin B12, sắt, magie,...)

Thành phần hóa học của bạch đậu khấuThành phần hóa học của bạch đậu khấu

3 Tác dụng vật lý

Loại dược liệu này giúp tăng cường nhu động ruột, tăng tiết dịch vị, ngăn tình trạng ruột lên men không bình thường và chống buồn nôn. Bên cạnh đó, nó còn giúp chống nấm, hạ sốt, giãn cơ trơn, hạ huyết áp ở người cao huyết áp rất tốt.

Bạch đậu khấu với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏeBạch đậu khấu với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe

Theo đông y, bạch đậu khấu vị cay, tính ấm, có tác dụng hành khí, hóa thấp, ôn trung, cầm nôn. Trong đời sống thì bạch đậu khấu được dùng làm gia vị vì mùi dễ chịu hoặc dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh hiệu quả.

4 Công dụng của bạch đậu khấu (liều dùng)

Thông thường mỗi lần dùng sẽ sắc khoảng 2-6g bạch đậu khấu lấy nước uống. Khi sắc thuốc thì đợi lúc nước đang sôi mới cho bạch đậu khấu vào vì nếu sắc lâu quá sẽ làm giảm tác dụng. Vị thuốc từ bạch đậu khấu có thể bào chế ở các dạng như dạng lỏng, dạng bột, quả hoặc hạt khô/tươi, hoặc rượu thuốc,...

Lưu ý liều lượng sử dụngLưu ý liều lượng sử dụng

Công dụng bạch đậu khấu được biết đến như, khi dùng làm thuốc, nó rất hiệu quả trong việc trị các bệnh như: Đầy bụng khó tiêu, co thắt bụng, nôn mửa, hội chứng ruột kích thích, các bệnh về phổi, hoặc trẻ con trớ sữa,... Bạch đậu khấu cũng được tin dùng trong việc làm thuốc chữa hạ sốt, điều kinh, chữa bệnh lao hoặc thấp khớp, sốt rét,...

5 Các bài thuốc chữa bệnh với bạch đậu khấu

Sau đây Tip Hay sẽ giới thiệu cho bạn một số bài thuốc chữa bệnh từ bạch đậu khấu:

Chữa đầy bụng, ngực đau

Sắc uống hỗn hợp gồm: 5g bạch đậu khấu, 6g hậu phác, 3g quảng mộc hương, 3g cam thảo. Sắc lấy nước uống.

Chữa trẻ em bị trớ sữa

Dùng 14 hạt bạch đậu khấu, 14 hạt sa nhân, 6g sinh cam thảo, 6g chích cam thảo. Sau đó đem tất cả tán thành bột mịn rồi xát vào miệng trẻ.

Bạch đậu khấu kết hợp nhiều dược liệu khác làm thuốc chữa bệnhBạch đậu khấu kết hợp nhiều dược liệu khác làm thuốc chữa bệnh

Chữa nôn mửa khi thai nghén

Chuẩn bị 3g bạch đậu khấu, 3 quả đại táo, 3g trúc như, 3g gừng cay. Gừng đem giã nát ép lấy nước. Các vị thuốc còn lại sắc với khoảng 50-60ml nước lọc rồi uống cùng nước gừng.

Trị nôn mửa do dạ dày tích tụ đờm lạnh

Dùng 12g bạch đậu khấu, 8g quất hồng, 10g bạch truật, 10g phục linh và 3 lát gừng sống. Sắc 3 bát lấy 1 bát uống. Uống lúc nước ấm vào trước hoặc sau bữa ăn 60 phút. Mỗi ngày uống 1 thang.

Giải độc rượu

Sắc lấy nước uống tất cả 5g bạch đậu khấu, 5g cam thảo có thể giúp giải độc rượu.

6 Phân biệt bạch đậu khấu và nhục đậu khấu

Hình dạng: Bạch đậu khấu hình cầu dẹt, có khía, 3 múi và nhiều hạt. Khi chín có màu nâu trắng và lớp vỏ khô. Nhục đậu khấu hình cầu tròn, màu vàng sẫm. Khi chín vỏ tách đôi ra và chỉ có 1 hạt bên trong. Vỏ hạt tách ra sẽ có màu hồng.

Mùi vị: Bạch đậu khấu có vị cay, hương thơm dịu, hơi ngọt. Còn nhục đậu khấu thì hơi đắng và chát.

Bạch đậu khấu (hình trái) và nhục đậu khấu (hình phải)Bạch đậu khấu (hình trái) và nhục đậu khấu (hình phải)

Thành phần: Nhục đậu khấu có lượng tinh dầu nhiều hơn (5%) so với bạch đậu khấu (2.4%). Các chất còn lại khá tương tự nhau.

Công dụng: Bạch đậu khấu là loại thảo quả xanh tính ấm, có thể chống nôn, hỗ trợ tiêu hóa và lưu thông máu. Còn nhục đậu khấu cũng có tính ấm, nhưng có thể chữa tiêu chảy, dạ dày, sốt rét, bệnh phong.

7 Những lưu ý khi sử dụng

Để an toàn, bạn cần lưu ý khi dùng bạch đậu khấu:

Có sự tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng vì một số loại thực phẩm chức năng hoặc thảo dược khác bạn đang dùng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của loại dược liệu này, hoặc đem tới những hậu quả không mong muốn.

Lưu ý sử dụng bạch đậu khấu với sức khỏeLưu ý sử dụng bạch đậu khấu với sức khỏe

Có bất kỳ triệu chứng nào trong quá trình sử dụng thì phải báo ngay cho bác sĩ và tạm ngưng ngay. Người có cơ địa nhiệt và táo bón, thiếu máu thì không nên dùng.

Hiện chưa có tài liệu cho việc sử dụng dược liệu này với phụ nữ có thai và cho con bú nên bạn cần tham khảo điều này với bác sĩ nhé.

Trên đây là tất cả những gì cần biết về cây bạch đậu khấu, công dụng với sức khỏe cũng như liều lượng sử dụng bạn cần lưu ý. Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn thật nhiều thông tin bổ ích về loại dược liệu này để sử dụng hiệu quả, giúp nâng cao sức khỏe chính mình và mọi người trong gia đình.

Nguồn: hellobacsi

Từ khóa: Bạch đậu khấu là gì? Công dụng và liều dùng bạch đậu khấubạch đậu khấuthực phẩm