Bà bầu cần lưu ý những gì để ngừa nguy cơ tiền sản giật khi rét đậm
Tiền sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm khi mang thai. Vậy mẹ bầu cần lưu ý điều gì để ngăn ngừa tình trạng này? Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu nhé!
Hiện tượng tiền sản giật là một trong những biến chứng sản khoa thường gặp với khoảng 5% thai phụ. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho khoảng 17% bà mẹ. Biến chứng này dễ xuất hiện trong thời điểm giao mùa, nhất là mùa rét đậm. Vậy mẹ bầu nên lưu ý điều gì để ngừa nguy cơ tiền sản giật trong giai đoạn này? Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu chi tiết nhé!
1
Tiền sản giật là gì?
Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 (từ tuần 29 đến tuần 40 thai kỳ), bà bầu thường dễ đối mặt với nguy cơ tiền sản giật. Các mạch máu thường co lại khi thời tiết lạnh dẫn đến huyết áp tăng cao. Thêm vào đó, sự phản ứng giữa các mạch máu và các tín hiệu nội tiết tố làm hạn chế lưu lượng máu. Điều này cũng góp phần làm tăng nguy cơ tiền sản giật ở mẹ bầu.
Ngoài ra, những người trên 40 tuổi, tiền sử gia đình, đa thai, tiền sử đái tháo đường tăng huyết áp, bệnh thận, lupus hoặc rối loạn tự miễn cũng có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn so với người bình thường. Một số dấu hiệu phổ biến của tiền sản giật mà mẹ bầu nên lưu ý gồm:
- Đi tiểu ít
- Protein niệu cao
- Số lượng tiểu cầu thấp
- Huyết áp cao và mắt mờ
- Suy giảm chức năng gan
- Đau đầu, mệt mỏi hoặc khó thở
- Đau ngay dưới xương sườn bên phải
- Buồn nôn hoặc nôn nửa sau của thai kỳ
- Phù nề ở bàn tay, bàn chân, mắt cá chân và mặt
- Tiền sản giật gây triệu chứng đau đầu và mệt mỏi
Nếu có những dấu hiệu này, bạn nên thăm khám bác sĩ để có những chỉ định chữa trị kịp thời. Giai đoạn này rất dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Do đó, bạn cần cẩn trọng với những dấu hiệu trên ở 3 tháng cuối thai kỳ.
2
Tiền sản giật nguy hiểm như thế nào?
Chứng tiền sản giật gây co thắt mạch ở nhiều vùng có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ ở mẹ. Biến chứng này làm hư hại nhiều cơ quan, đặc biệt là não, thận và gan. Không chỉ gây nguy hiểm cho mẹ bầu, tình trạng này có thể dẫn đến thai chậm phát triển hoặc chết thai.
Các dấu hiệu tiền sản giật thường âm ỉ trong một thời gian thay đổi khác nhau. Nếu không kịp thời phát hiện, bệnh sẽ đột nhiên tiến triển thành sản giật. Tình trạng này có thể gây ra hôn mê, tổn thương não vĩnh viễn và tử vong.
3
Những điều bà bầu cần lưu ý để ngừa nguy cơ tiền sản giật khi rét đậm
Theo quan sát của Bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết mỗi khi thời tiết đổi mùa từ nóng sang lạnh, nhất là các đợt rét đậm thì số lượng thai phụ nhập viện cấp cứu lại gia tăng. Trong đó, bệnh lý thường gặp nhất là tăng huyết áp, bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, cảm lạnh hoặc những dấu hiệu tiền sản giật.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo mẹ bầu cần mặc trang phục kín gió, nhiều lớp để giữ ấm cho cơ thể, đồng thời cũng dễ cởi bỏ nếu thấy nóng bức, khó chịu. Lưu ý, bạn nên sử dụng nước ấm để rửa tay, chân và vệ sinh cá nhân.
Thời tiết càng lạnh, cơ thể càng tiêu hao năng lượng. Bạn nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học. Mẹ bầu có thể chia khẩu phần ăn thành 5 - 6 bữa/ ngày để quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả hơn. Hãy chọn những loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, đồng thời tránh các món chiên, nhiều muối, rượu, bia,.
Nếu bạn đã có tiền sử tăng huyết áp hoặc tiền sản giật ở lần mang thai trước thì cần chú trọng kiểm soát huyết áp và tiểu đường. Mẹ bầu cần uống thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ và cần được dự phòng tiền sản giật ngay từ những tháng đầu mang thai. Tốt nhất bạn nên đo huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm những bất thường.
Trên đây là những điều quan trọng mà mẹ bầu cần lưu ý để ngừa nguy cơ tiền sản giật khi rét đậm. Hãy tham khảo và theo dõi sức khoẻ của bản thân trong giai đoạn mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi!