Ăn trứng sống hay trứng nấu kỹ, cái nào bổ hơn?
Bạn có biết, xét về tiêu hóa và hấp thụ thì: trứng luộc giữ nguyên 100% dinh dưỡng, trứng ốp la còn 98%, trứng cuộn còn 92.5%, trứng rán già lửa còn 81.1% và trứng ăn sống chỉ còn 30 - 50% dinh dưỡng...
1
Trứng chế biến thế nào cho giá trị dinh dưỡng tốt nhất?
Như đã dẫn ở trên, bạn sẽ hiểu vì sao các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên chúng ta ăn trứng luộc thay vì các kiểu chế biến khác, không đơn giản chỉ là tối giản gia vị và dầu mỡ mà nó thực sự có lợi hơn cho sức khỏe xét về dinh dưỡng.
2
Ăn trứng sống có thực sự tốt như nhiều người nghĩ?
Dân gian vẫn truyền nhau ăn trứng sống (nhất là trứng gà mới đẻ) bằng cách đục lỗ nhỏ và hút trực tiếp trên trái trứng sẽ rất bổ dưỡng là tốt cho sức khỏe. Nhưng dựa trên kiến thức khoa học, cần xem xét lại.
Trứng sống khó tiêu hóa
Trứng chứa lượng protein dồi dào (đặc biệt là lòng trắng). Protein trong trứng được tiêu hóa chủ yếu bởi enzym pepsin và trypsin trong ruột non, trong khi trứng sống lại chứa chất kháng trypsin gây cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ protein.
Có khoảng 90% protein trong trứng nấu chín được cơ thể hấp thụ, nhưng trong trứng sống chỉ có 50%.
Dễ gây ngộ độc, nhiễm khuẩn
Ngăn chặn sự hấp thu biotin: Trứng sống chứa avidin có thể ngăn cơ thể hấp thu vitamin B hòa tan trong nước. Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, ăn trứng sống có biểu hiện ngộ độc (chán ăn, nôn mữa, viêm lưỡi, viêm kết mạc, viêm quanh móng,...) chính là tình trạng thiếu biotin.
Trứng tươi nguy cơ nhiễm khuẩn cao: Người dùng sẽ khó xác định trứng mua về là trứng mới hay trứng lâu ngày, là trứng từ gà mẹ khỏe hay gà mẹ nhiễm bệnh, trứng được bảo quản như thế nào,...
Khoảng 10% số trứng chứa vi khuẩn gây bệnh Salmonella, nấm mốc hoặc ký sinh trùng. Trứng để càng lâu ngày tỷ lệ nhiễm khuẩn càng cao, và ăn chúng rất dễ gây ngộ độc thực phẩm. Chúng đặc biệt nguy hại với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu kém.
Ngoài ra, trứng sống còn có mùi tanh đặc biệt, có ảnh hưởng gây suy yếu hệ thần kinh trung ương, tác động đến việc tiết nước bọt và dịch dạ dày, dịch tiêu hóa đường ruột dẫn đến chán ăn, khó tiêu.
3
Có nên nấu trứng thật kỹ để tránh nhiễm khuẩn?
Để an toàn, nhiều người lại nấu trứng thật kỹ, nhưng cách này khiến chất dinh dưỡng trong lòng đỏ và lòng trắng kết hợp tạo thành sulfide sắt không hòa tan gây khó tiêu, khó hấp thụ.
Trứng nấu càng lâu thời gian tiêu hóa trong cơ thể sẽ càng dài, vừa làm chậm quá trình hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng, lại gây khó tiêu, đầy bụng.
Theo Ths.Bs Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, tốt nhất chỉ nên luộc trứng chín tới, tính từ thời điểm nước sôi thì bạn luộc trứng thêm khoảng 3 - 5 phút, kiểm tra bằng cách dùng đũa gắp trứng lên được, là trứng chín thơm, lòng đỏ dẻo ngon và tốt cho tiêu hóa.
Trứng là thực phẩm bổ dưỡng hàng đầu, nhưng cần chọn lựa và sử dụng đúng cách để cơ thể được hưởng lợi trọn vẹn từ việc tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng từ trái trứng.
Nguồn: Dantri.com, vietnamnet.vn