Ăn trúng nấm độc nên làm gì? Cách sơ cứu khi bị ngộ độc nấm
Ngộ độc nấm gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể bị tử vong. Tìm hiểu ăn trúng nấm độc nên làm gì và cách sơ cứu khi bị ngộ độc nấm.
Ngộ độc nấm là một loại ngộ độc thực phẩm rất phổ biến hiện nay. Vậy phải làm gì khi ăn trúng nấm độc? Làm thế nào để phòng tránh ngộ độc nấm? Cùng đi tìm giải đáp qua bài viết dưới đây của Tip Hay nhé!
1
Phân loại nấm độc
Nấm độc là loại nấm có chứa thành phần độc tố nguy hiểm, có thể gây hại cho con người và động vật khi ăn phải.
Theo PGS. TS. Phạm Duệ (Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai) dưới đây là một số loại nấm chứa độc tố thường gặp:
Độc tố | Nấm | Thời gian xuất hiện triệu chứng | Triệu chứng | Tỉ lệ tử vong |
---|---|---|---|---|
Amatoxin | Amanita phalloides, A. ocreata, A. verna, A. virosa, Galerina | 6 - 12 giờ | Nôn ói, tiêu chảy, vàng da, phù phổi cấp, rối loạn ý thức,... | 60% - 80% |
Monomethyl-hydrazine | Gyromitra, Helvella | 6 - 12 giờ | Nôn ói, hôn mê, tiêu chảy, co giật, yếu cơ | 40% |
Allenic norleucine | Amanita smithiana | 1 - 6 ngày | Suy thận cấp, vô niệu | Suy thận cấp, vô niệu |
Orellamine | Cortiuarius orellanus | 1 - 12 ngày | Viêm thận | |
Muscarine | Muscarine | 30 phút - 2 giờ | Tiết nhiều nước bọt và mồ hôi, nôn ói, tiêu chảy, đồng tử co lại | 5% |
Coprine | Coprinus armamentarius | 30 phút | Nôn ói, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim | Hiếm |
Ibotenic acid | Amanita muscaria | 30 phút - 2 giờ | Da rộp đỏ, đồng tử giãn, chướng bụng | |
Psilocybin | Psilocybe cubensis | 30 phút - 1 giờ | Ảo giác, đồng tử giãn | |
Kích thích dạ dày ruột | Nhiều loại | 30 phút - 2 giờ | Nôn ói, tiêu chảy | Hiếm |
Phân loại nấm độc
2
Dấu hiệu ngộ độc nấm độc
Theo thông tin từ Vinmec, sau khi ăn phải nấm độc, người bệnh sẽ có các triệu chứng diễn ra theo từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn tiềm (tính từ thời điểm ăn nấm cho đến lúc bắt đầu xuất hiện triệu chứng đầu tiên): Thường kéo dài khoảng 6 - 24 tiếng (trung bình là 12 tiếng) và sau khi ăn nấm, người bệnh không có dấu hiệu bất thường nào.
- Giai đoạn rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện trong khoảng 10 - 12 tiếng sau ăn nấm. Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Đặc biệt, khi đi đại tiện, phân thải ra loãng và có màu trắng đục.
- Giai đoạn giả hồi phục: Sau khoảng 1 - 3 ngày người bệnh ở giai đoạn rối loạn tiêu hóa thì ở giai đoạn này, các triệu chứng này có vẻ như đã chấm dứt. Nhưng không, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng xấu hơn bên trong cơ thể bởi đây là khoảng thời gian các chất độc gây tổn thương tế bào gan.
- Giai đoạn suy gan, thận: Thường diễn ra khoảng 4 - 5 ngày sau khi ăn nấm. Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ bị vàng da, phù nề, xuất huyết tiêu hoá, hôn mê và có thể tử vong.
3
Cách sơ cứu khi bị ngộ độc nấm tại nhà
Khi nhận thấy một người đã ăn phải nấm độc, bệnh nhân và người nhà cần thực hiện các biện pháp đào thải chất độc để hạn chế hấp thu chất độc.
Dưới đây là những cách sơ cứu khi bị ngộ độc nấm tại nhà mà bạn có thể tham khảo:
- Gây nôn bệnh nhân sớm nhất có thể để loại bỏ nấm ra khỏi dạ dày trong vòng 1 giờ sau khi ăn nấm.
- Uống than hoạt 2 - 3 giờ/lần trong 24 đến 48 tiếng với liều lượng 1 gam than hoạt/kilogam cân nặng của người bệnh.
- Cung cấp đủ nước cho người bệnh, tốt nhất là dùng thuốc oresol (thuốc bù nước).
- Nếu bệnh nhân bị hôn mê, co giật thì phải cho bệnh nhân nằm nghiêng.
- Nếu người bệnh có dấu hiệu thở yếu hoặc ngừng thở thì phải nhanh chóng hô hấp nhân tạo hoặc hà hơi thổi ngạt.
4
Cách phòng tránh ngộ độc nấm
Theo Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, để phòng tránh ngộ độc nấm, mọi người cần:
- Không tùy tiện ăn các loại nấm mọc tự nhiên khi chưa biết rõ chúng có độc hay không.
- Không ăn thử nấm.
- Không ăn nấm còn non, nấm chưa xòe mũ vì giai đoạn này chưa thể thấy hết đặc điểm thành phần của nấm nên không thể xác định rõ loại nấm.
- Kiểm tra kỹ nấm trước khi chế biến và tiêu thụ.
- Nên ăn nấm ngay khi nấm còn tươi, khi nấm đã bị dập nát hay ôi thiu thì không nên ăn nữa.
Trên đây là những chia sẻ của Tip Hay về nấm độc và cách sơ cứu tại nhà khi bị ngộ độc nấm. Hy vọng với bài viết này, bạn có thể bỏ túi được những kiến thức hữu ích. Cảm ơn vì đã theo dõi!
Nguồn: Vinmec, VnExpress, Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai