Ăn cơm nguội để qua đêm có hại sức khỏe không?
Có không ít người có thói quen ăn cơm nguội được để qua đêm. Vậy ăn cơm nguội để qua đêm có sao không? Cùng Tip Hay tìm hiểu nhé!
Ăn cơm nguội để qua đêm là thói quen của không ít gia đình Việt, bởi việc này vừa tiết kiệm vừa tiện lợi. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng không nên ăn cơm nguội để qua đêm vì lo ngại gây hại sức khỏe. Vậy thực hư thông tin này như thế nào? Cùng Tip Hay tìm hiểu nhé!
1
Ăn cơm nguội để qua đêm có sao không?
Theo thông tin từ TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng viện Y học ứng dụng cho biết, nếu gia đình cho cơm nguội bảo quản trong tủ lạnh đúng cách thì hôm sau vẫn có thể hâm nóng lại và ăn bình thường mà không gây hại sức khỏe.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng cơm nguội chỉ an toàn khi bạn biết cách bảo quản đúng, nếu không cũng có thể gây hại sức khỏe.
Nguyên nhân là vì trong cơm nguội có thể chứa bào tử vi khuẩn Bacillus cereus, nếu bạn bảo quản cơm nguội ở nhiệt độ phòng quá lâu sẽ tạo điều kiện cho bào tử này phát triển thành vi khuẩn và gây ngộ độc với các triệu chứng như nôn, buồn nôn, tiêu chảy,...
Một số người gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn cơm nguội là vì lượng tinh bột kháng trong cơm sau khi bảo quản trong tủ lạnh đã tăng lên tới 60%. Khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều tinh bột kháng có thể khiến ruột già không xử lý kịp và gây khó tiêu nhưng không quá nguy hiểm.
2
Ăn cơm nguội có gây ung thư không?
Theo Thạc sĩ Dược sĩ Lê Hồng Dũng - Trưởng Khoa Hóa thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia thông tin cho biết, tin đồn cho rằng ăn cơm nguội có thể gây ung thư là chưa có căn cứ khoa học. Thậm chí khi ăn cơm nguội được bảo quản đúng cách còn có nhiều lợi ích hơn.
3
Cách ăn cơm nguội an toàn
Cơm nguội còn dư thừa không nên để ngoài nhiệt độ thường quá lâu vì sẽ dễ bị ôi thiu. Tốt nhất bạn nên cho cơm vào hộp kín và đậy nắp bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dùng trong vòng 24 giờ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ thực phẩm cho biết, chúng ta không nên bảo quản cơm nguội trong tủ lạnh quá một tuần, vì sẽ làm mất đi nhiều dinh dưỡng trong cơm. Do đó, tốt nhất bạn nên nấu với lượng cơm vừa đủ ăn, hạn chế để dư thừa nhiều.
Khi cho vào tủ lạnh, không nên để các thức ăn khác dính vào cơm sẽ dễ khiến cơm bị ôi thiu. Đồng thời khi lấy ra hâm nóng thì nên hấp hoặc dùng lò vi sóng, không hâm đi hâm lại nhiều lần để tránh mất chất, nhiễm khuẩn.
Nếu cơm bảo quản có dấu hiệu bị ôi thiu, màu sắc thay đổi thì không nên ăn vì có thể gây ngộ độc.
Cơm nguội vẫn có thể sử dụng lại nếu được bảo quản đúng cách trong tủ lạnh và hâm nóng dùng lại trong vòng 24 giờ. Hy vọng với những thông tin sẽ hữu ích giúp bạn biết cách phòng tránh ngộ độc trong ăn uống nhé!
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống