Ăn bột ngọt có làm giảm trí nhớ?
Bột ngọt với thành phần chính là axit glutamic. Nhiều người nghi ngờ ăn nhiều bột ngọt gây tác động không tốt đến não bộ. Thực tế, các tổ chức uy tín thế giới đều công nhận tính an toàn của bột ngọt với sức khỏe con người.
1
Bột ngọt (mì chính) là gì?
Bột ngọt hay còn gọi là mì chính, tên khoa học là Monosodium Glutamate (viết tắt là MSG), có thành phần chính là glutamate là muối natri của axit glutamic, một axit amin thiết yếu của cơ thể và có nhiều thực phẩm tự nhiên như thịt, hải sản, sữa, rau củ,... giúp tạo nên vị umami hay còn gọi là vị ngọt thịt. Chính vị umami này của bột ngọt khiến món ăn ngon hơn hẳn.
Axit glutamic đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, trong việc xây dựng cấu trúc protein và xây dựng các cấu tử của tế bào con người.
Tham khảo thêm:
Amino Acid (hay axit amin) là gì? Vai trò và cách bổ sung axit amin cho cơ thể
2
Bột ngọt thực sự tác động đến não bộ?
Từ lâu đã có nhiều tin đồn về việc bột ngọt làm ảnh hưởng đến thần kinh gây nên các bệnh ảnh hưởng đến trí nhớ. Nguồn gốc của tin đồn này là do đã có một thí nghiệm tiêm liều lượng bột ngọt cực kỳ cao vào chuột và các nhà nghiên cứu nhận thấy hệ thần kinh của chuột bị tổn hại.
Lí do là vì thành phần glutamate có trong bột ngọt là chất dẫn truyền thần kinh trong não, chúng sẽ kích thích tế bào não truyền xung động thần kinh. Khi tiêm bột ngọt vào chuột, máu sẽ chuyển thành phần glutamate lên não và gây nên tác động thần kinh trên chuột.
Thế nhưng các nhà khoa học nhận thấy rằng thí nghiệm này hoàn toàn không thực tế nếu áp dụng lên người. Thứ nhất là liều lượng được tiêm vào chuột là cực kỳ cao. Nếu quy đổi lượng dùng này đối với người thì 1 người trưởng thành có thể trọng 60kg sẽ dùng tới 240g bột ngọt (gần 50 muỗng cà phê) một ngày, là lượng rất cao so với khẩu phần ăn của một người bình thường mỗi ngày.
Điều thứ 2, con người sử dụng bột ngọt qua đường ăn chứ không phải tiêm trực tiếp vào cơ thể. Glutamate có trong bột ngọt sẽ được chuyển hoá rất đáng kể trong quá trình tiêu hoá của người. Đồng thời, hàng rào máu - não của não bộ ngăn sự di chuyển của glutamate sẵn có trong máu vào não (Vì nồng độ axit glutamic trong não cao hơn trong máu). Do đó, có thể xem não người gần như không bị ảnh hưởng bởi bột ngọt có trong thức ăn.
Và để chắc chắn rằng các thành phần trong bột ngọt không gây nguy hiểm đến người, nhiều tổ chức như WHO, FAO hay FDA,... cũng đã thực hiện nghiên cứu và khẳng định bột ngọt là một gia vị an toàn đối với cả người lớn và trẻ em.
Riêng ở nước ta, Bộ Y tế xếp mì chính vào “Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm” từ năm 2001. Như vậy đủ để thấy sự an toàn của loại gia vị này.
3
Dùng bột ngọt đúng cách
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu công nhận rằng bột ngọt là gia vị hoàn toàn vô hại đến con người, thế nhưng người dùng cần phải biết dùng bột ngọt thế nào cho đúng cách.
Người dùng cần phải hiểu rằng, bột ngọt chỉ là một chất điều vị giúp cho thức ăn trở nên ngon miệng hơn, chứ không phải là chất cung cấp dinh dưỡng vì thế bột ngọt không thể sử dụng với liều lượng lớn. Lượng khuyên dùng hàng ngày là 6g cho một người thể trạng khoảng 50kg đến 60kg.
Bột ngọt chỉ thực sự gây hại khi chịu biến đổi nhiệt ở mức trên 300 độ C, và hoạt động nấu nướng hàng ngày của chúng ta thường không vượt ngưỡng này. Thế nhưng để đảm bảo an toàn hơn và giữ vị ngon của bột ngọt, bạn có thể cho bột ngọt sau khi tắt bếp.
Xem thêm: Cách sử dụng bột ngọt an toàn, không gây hại sức khỏe
Tóm lại bột ngọt được công nhận là một gia vị hoàn toàn vô hại. Bột ngọt chỉ thật sự có hại khi bạn sử dụng lượng quá nhiều, nấu bột ngọt với nhiệt độ cao hay sử dụng bột ngọt không rõ nguồn gốc. Chính vì thế khi sử dụng bột ngọt bạn hãy đảm bảo lượng sử dụng phù hợp và dùng bột ngọt rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Nguồn: suckhoehangngay.vn
Có thể bạn quan tâm: