9 việc cần làm để không uể oải mỗi khi thức dậy buổi sáng
Uể oải là tình trạng thường gặp ở một số người vào mỗi buổi sáng thức dậy. Vậy nên làm gì và không nên làm gì để cải thiện điều đó?
Bạn thường xuyên phải thức dậy trong tình trạng người uể oải, thiếu sức sống vào mỗi buổi sáng, mặc dù đã ngủ đủ giấc? Điều đó ít nhiều làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, học tập ngày hôm đó của bạn?
Vậy thì bạn hãy áp dụng ngay 9 việc làm sau đây, nó sẽ giúp bạn đánh bay mệt mỏi, uể oải để bạn bắt đầu ngày mới tràn trề năng lượng.
1
Đi ngủ đúng cách
Để có một ngày tràn trề năng lượng, đầu tiên bạn cần có một đêm ngon giấc. Để có được điều này, bạn cần tạo cho mình thói quen đi ngủ đúng giờ, tắt điện thoại, máy tính,... trước khi ngủ ít nhất một tiếng. Và đặc biệt, không nên sử dụng các chất kích thích chứa caffeine như: Cà phê, trà vào buổi tối.
2
Nói không với báo thức reo lại lần nữa
Đặt báo thức đồng nghĩa với bạn muốn thức dậy vào thời gian đó, vậy nên đừng ấn nút báo thức lại để ngủ thêm vài phút. Điều này không những không tốt, thậm chí là có hại.
Khoa học đã chứng minh, việc bị đánh thức rồi cố ngủ tiếp sẽ làm giấc ngủ bị phân mảnh, không sâu và khi thức dậy lại bạn sẽ uể oải, thiếu tỉnh táo. Mẹo nhỏ cho bạn là nên để báo thức xa giường, vì khi muốn tắt báo thức bạn sẽ phải vận động di chuyển cơ thể và tỉnh nhanh hơn.
3
Uống nước ngay khi thức dậy
Bác sĩ khuyến cáo nên uống đủ nước mỗi ngày. Uống một ly nước ngay sau khi thức dậy không những bổ sung nhanh lượng nước đã mất khi bạn ngủ và thở vào ban đêm, mà còn giúp bạn tỉnh táo, hệ tiêu hóa cũng hoạt động tốt hơn.
Trích lời của chuyên gia tư vấn nội khoa tại Bệnh viện Wockhardt Mira Road, Mumbai, Ấn Độ - Tiến sĩ Aniket Mule: “Nếu buổi sáng bạn cảm thấy uể oải, có thể là cơ thể bạn bị mất nước. Uống một ly nước sẽ giúp bạn cảm thấy sảng khoái để bắt đầu một ngày mới”.
4
Mở cửa phòng để đón ánh sáng
Theo thông tin báo cáo nghiên cứu của Viện khoa học Y học Mỹ: “Ánh sáng là thành phần chính ảnh hưởng đến nhịp sinh học, tác động đến gen kiểm soát trực tiếp đồng hồ sinh học của bạn”. Vậy nên ánh sáng mặt trời, đặc biệt là vào sáng sớm sẽ giúp bạn tăng cường serotonin trong não, giữ cho bạn tỉnh táo, tích cực và tập trung hơn.
5
Nghe nhạc buổi sáng
Âm nhạc sẽ kích thích các mạch máu não, tăng cường sự sáng tạo, năng suất làm việc. Bật những bài nhạc nhẹ nhàng sẽ tạo năng lượng cho bạn rất nhiều để khởi đầu một ngày mới bận rộn. Hãy tạo một danh sách nhạc mà bạn yêu thích để nghe và nâng cao tâm trạng vào mỗi buổi sáng!
6
Tập thể dục hoặc yoga
"Sau khi bạn thức dậy là khoảng thời gian tốt nhất để tập thể dục. Nó sẽ giúp cơ thể của bạn bắt nhịp với một ngày mới và tràn đầy năng lượng. Nếu bạn có thể tập cho mình thói quen này thì sẽ rất tốt cho cơ thể và sức khỏe của bạn" - Tiến sĩ W. Christopher Winter nói.
Hoạt động thể chất vào mỗi buổi sáng là cách bạn đánh thức cơ thể sau nhiều giờ liền bất động một cách tự nhiên nhất. Một bài tập kéo dài 20 phút đã đủ để kích hoạt cơ thể và não bạn sẵn sàng hoạt động.
7
Ăn sáng không quá muộn
Ăn một bữa sáng giàu protein sau khi thức dậy sẽ thúc đẩy trao đổi chất của cơ thể. Theo Tiến sĩ Mule, “Bỏ bữa sáng sẽ khiến bạn mệt mỏi hơn. Vì vậy, hãy ăn yến mạch, trái cây hoặc trứng. Tuy nhiên, tránh ăn nhiều carbohydrate. Thực đơn ít carb vào bữa sáng sẽ cải thiện nhận thức và tâm trạng". Hãy ăn sáng và đừng ăn quá trễ!
8
Không xem tin tức ngay khi thức dậy
Tối thiểu 30 phút đầu ngay sau khi thức dậy, bạn không nên xem tin tức hay xem email công việc. Vì việc này sẽ gián tiếp làm cho buổi sáng của bạn áp lực hơn. Thay vào đó bạn bạn hãy bật một bản nhạc nhẹ nhàng và ra ngoài hít thở không khí, đó là cách hữu ích khiến tâm trạng bạn tốt hơn.
9
Không hút thuốc
Thói quen khó bỏ của một số người ngay khi thức dậy là hút thuốc. Điều đó vô tình khiến bạn gặp rắc rối, vì buổi sáng cơ thể sẽ tích cực trao đổi chất mà bạn lại hút một điếu thuốc có chứa nhiều độc tố sẽ cực kỳ có hại cho cơ thể. Bỏ thói quen này ngay để tốt cho sức khỏe.
Trên đây là những việc cần làm vào mỗi buổi sáng để bạn không uể oải mỗi khi thức dậy mà Bách Hóa XANH muốn chia sẻ đến bạn. Hãy theo dõi Tip Hay để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích cho bản thân mình nhé.
Nguồn: Sức khỏe gia đình