8 nguyên nhân khiến miệng có vị mặn và cách ngăn ngừa
Miệng có vị mặn gây ra sự phiền toái trong cuộc sống thường ngày của bạn. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh kỳ lạ này? Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu chi tiết nhé!
Những bệnh lý ở miệng thường cản trở vị giác và ảnh hưởng đến sự ngon miệng khi ăn uống. Khi miệng có vị mặn có thể gây ra biến đổi vị giác làm suy giảm sức khỏe của bạn nếu cứ tiếp tục kéo dài.
Vậy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là gì? Làm thế nào để ngăn ngừa triệu chứng lạ này? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
1
8 nguyên nhân khiến miệng có vị mặn
Tình trạng khô miệng
Theo Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) cho biết chứng khô miệng có thể xuất phát từ các bệnh lý như trầm cảm, rối loạn tự miễn, viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus,... Ngoài ra, dấu hiệu khô miệng cho thấy cơ thể bạn đang thiếu nước. Ở trạng thái này, nồng độ muối và nước trong cơ thể sẽ bị mất cân bằng. Từ đó, nước bọt chứa nhiều khoáng chất mặn.
Nhiễm trùng miệng
Nhiễm trùng miệng phần lớn đến từ các bệnh lý về răng miệng như viêm nướu, nấm miệng,... Khi bệnh kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến răng và xương. Lúc này, miệng của bạn trở nên nhạy cảm và thường có những cơn nóng rát.
Ngoài ra, tình trạng nhiễm HPV cũng là nguyên nhân dẫn đến miệng có vị lạ. Nếu virus này không được kiểm soát, bạn có thể ho ra máu. Lúc này, trong khoang miệng luôn xuất hiện vị đắng hoặc vị kim loại khó chịu.
Trào ngược dạ dày
Bệnh trào ngược dạ dày xảy ra khi cơ quan thắt thực quản suy yếu, dẫn đến axit dạ dày trào lên ống dẫn thức ăn. Vì thế mà bạn luôn cảm thấy nóng rát ở ngực. Lâu dần, bệnh lý này có thể khiến miệng có vị lạ như đắng, chua hoặc mặn.
Thiếu hụt dinh dưỡng
Nếu miệng có vị mặn, cơ thể bạn có thể đang thiếu một số loại vitamin và chất khoáng cần thiết. Điển hình như thiếu folate gây ra bệnh viêm lưỡi làm vị biến đổi vị giác của bạn. Thông thường, bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc dùng thêm thực phẩm chức năng.
Mất cân bằng hormone
Mất cân bằng hormone đa số xảy ra ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh hoặc mang thai. Bạn sẽ cảm thấy miệng có vị lạ và luôn trong trạng thái thèm đồ ăn mặn. Lúc này, bạn luôn phải cảnh giác để tránh ăn quá nhiều gia vị ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số thành phần từ loại thuốc mà bạn đang sử dụng có thể tạo ra vị kim loại trong miệng. Các loại thuốc thường gây tác dụng phụ cho vị giác như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, thuốc điều trị ung thư, thuốc giảm đau, an thần,... Trong trường hợp bạn cảm thấy vị mặn khó chịu, bạn nên ngưng dùng thuốc và tham khảo thêm ý kiến bác sĩ.
Hội chứng Sjogren
Hội chứng Sjogren là sự rối loạn khả năng tự miễn dịch. Lúc này, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công vào các tuyến nước bọt và gây ra triệu chứng khô miệng. Khi miệng khô, vi khuẩn không bị đẩy xuống cổ họng và tạo môi trường sống ở khoang miệng. Tình trạng này kéo dài sẽ gây biến đổi vị giác dẫn đến miệng có vị mặn.
Các vấn đề sức khoẻ khác
Các bệnh lý liên quan đến não hoặc dây thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến vị giác của bạn. Một số bệnh như u não, đa xơ cứng, liệt Bell hoặc chấn thương ở vùng đầu, cổ cũng là nguyên nhân làm cho miệng có vị mặn bất thường.
2
Cách giải quyết khi miệng có vị mặn
Điều kiện tốt nhất để “chấm dứt" chứng mặn ở miệng là bạn phải xác định được nguyên nhân, sau đó tìm phương pháp điều trị thích hợp. Bạn có thể thăm khám bác sĩ sớm để có được những chẩn đoán chính xác nhất.
Dưới đây là một số giải pháp tạm thời trong trường hợp bạn chưa có điều kiện thích hợp để khám với bác sĩ, gồm:
- Uống đủ nước và không để cơ thể rơi vào trạng thái khát nước.
- Không ăn các món ăn nhiều gia vị hoặc thức ăn quá mặn, thực phẩm giàu natri.
- Sử dụng xịt thơm miệng để làm giảm cảm giác mặn trong khoang miệng.
- Súc miệng đều đặn bằng thuốc hoặc nước súc miệng.
- Hạn chế một số thực phẩm chứa tính axit như cà phê, nước ngọt, bia,...
Hy vọng những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân gây ra miệng có vị mặn và tìm ra giải pháp chữa trị kịp thời. Nếu cảm thấy bất kỳ thay đổi lạ từ vị giác, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra hướng điều trị tốt nhất cho sức khoẻ nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Nguồn: Chuyên trang sức khỏe Hellobacsi