7 sai lầm phổ biến khi trữ sữa mẹ nhiều người mắc phải
Dự trữ sữa mẹ là việc làm phổ biến trong quá trình nuôi con nhỏ của các mẹ bỉm. Cùng tìm hiểu 7 sai lầm thường thấy trong việc trữ và bảo quản sữa mẹ nhé!
Nếu bạn đang có con nhỏ và mong muốn vắt sữa để dự trữ lâu dài thì bài viết dưới đây chắc chắn dành cho bạn. Tip Hay sẽ mách bạn những sai lầm phổ biến trong việc trữ sữa mẹ và dấu hiệu nhận biết sữa dự trữ bị hỏng để phòng tránh cho con uống, nuôi con tốt nhất nhé!
1
7 sai lầm phổ biến khi trữ sữa mẹ nhiều người mắc phải
Cho sữa đã vắt vào ngăn đá ngay lập tức
Sau khi hút sữa và cho vào bình sữa, một số mẹ có thói quen cho vào ngăn đông đá tủ lạnh ngay lập tức. Bạn nên để sữa bên ngoài nhiệt độ bình thường hoặc cho vào ngăn mát trước khi tiến hành bảo quản ngăn đá. Việc để sữa ngoài mát trong một khoảng thời gian ngắn sẽ giúp sữa giữ được độ dinh dưỡng vốn có, vì không bị thay đổi nhiệt độ quá đột ngột.
Trữ sữa quá nhiều trong một túi
Thông thường, mỗi bình sữa hoặc túi sữa dự trữ sẽ chứa khoảng 100-150ml. Các mẹ dễ mắc phải trường hợp cho quá nhiều sữa vào một túi dẫn đến dư thừa sau mỗi lần cho bé uống. Đây là việc làm không tốt vì sữa mẹ sau rã đông nên dùng hết, để tránh bị hỏng hoặc mất chất dinh dưỡng.
Bảo quản sai thời gian
Bạn nên ghi nhớ hạn sử dụng của sữa để cân nhắc thời gian sử dụng cho con. Đối với sữa mẹ bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, thời gian tốt nhất để uống là trong vòng 24 giờ. Ngược lại, sữa mẹ bảo quản ngăn đá sẽ có hạn dùng lên đến 5-6 tháng. Các mẹ cần ghi nhớ thời gian hút sữa và cho sữa vào tủ lạnh để tránh dùng sữa hỏng - nguyên nhân chính khiến con bị tiêu chảy và chậm lớn.
Dùng sữa còn dư của lần trước
Sữa mẹ sau khi rã đông cần dùng hết trong một lần. Không nên để phần sữa còn thừa lại vào tủ lạnh để dùng tiếp cho lần sau vì sẽ mất chất dinh dưỡng, dễ bị ôi thiu. Rất nhiều mẹ mắc phải sai lầm này, vì tiếc sữa nên tiếp tục bảo quản và dùng lại gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con trẻ.
Cho sữa mới vào túi sữa cũ còn thừa
Đôi khi bé không uống được hết sữa trong túi hoặc bình nên các mẹ thường cho phần sữa mới vào sữa cũ còn thừa. Điều này đặc biệt không tốt bởi sữa cũ không nên giữ lại sử dụng, ngoài ra việc hòa trộn như vậy sẽ khiến nhiệt độ sữa thay đổi đột ngột gây mất các chất dinh dưỡng cần thiết.
Vật dụng trữ sữa không được khử trùng
Để đảm bảo an toàn vệ sinh, túi sữa hoặc bình sữa dùng để dự trữ nên là đồ mới, chưa qua sử dụng. Nếu muốn dùng lại bình sữa cũ, bạn nên rửa sạch hoặc đun sôi để làm sạch bụi bẩn và tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập vào sữa.
Để sữa cùng với thực phẩm đông lạnh khác
Mẹ nên để sữa dự trữ vào ngăn riêng, tách biệt với các thực phẩm khác, đặc biệt là đồ sống. Một số bác sĩ cho rằng, rất nhiều vi khuẩn từ cá, tôm, thịt heo, thịt bò,... chưa qua chế biến có thể xâm nhập vào trong sữa gây mất an toàn khi sử dụng, thậm chí có một số bé bị đau bụng và tiêu chảy.
2
Biểu hiện sữa trữ đông đã hỏng không nên sử dụng
Sữa tiếp xúc lâu với không khí bên ngoài
Sữa mẹ thường lâu hỏng hơn sữa thông thường do đặc tính làm chậm quá trình vi khuẩn phát triển trong sữa. Tuy nhiên, các mẹ không nên để sữa bên ngoài quá lâu, cụ thể là trên 26 độ C quá 1 giờ và dưới 26 độ C quá 5 giờ.
Ngoài ra, sữa mẹ để ở ngăn mát nên được dùng trong 24 giờ và sẽ hết hạn trong 4 ngày. Đôi khi bạn sẽ không ngửi thấy mùi hôi chua nhưng thực chất sữa có nguy cơ cao bị hỏng và vi khuẩn xâm nhập vào.
Sữa có vị chua
Sữa mẹ không có vị ngọt như sữa công thức nhưng vẫn có mùi thơm dễ chịu rất đặc trưng. Nếu bạn nhận thấy sữa có vị chua gắt kèm mùi lạ sau khi lấy ra từ tủ lạnh thì chứng tỏ sữa đã hỏng.
Sữa có mùi hôi
Một trong những cách đơn giản nhất để kiểm tra chất lượng sữa là dựa vào mùi hương. Sữa mẹ thường có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng và sẽ thay đổi đôi chút dựa vào các món mà mẹ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, nếu sữa có mùi hôi nồng, chua tanh như sữa bò hết hạn thì sữa đó đã bị hỏng.
Ngoài ra, sữa có mùi hôi khác thường còn có nguyên nhân đến từ chế độ ăn uống của người mẹ. Bạn có thể kiểm tra bằng cách thử ngửi và nếm những túi sữa gần đây, nếu chúng có mùi hôi như nhau thì bạn nên thay đổi cách ăn uống sao cho phù hợp. Ngược lại, nếu sữa có mùi vị bình thường thì chứng tỏ túi sữa hôi chua kia bị hỏng.
Trẻ có biểu hiện khác thường khi uống sữa
Nếu bé có các biểu hiện lạ như quấy khóc, không chịu uống thì bạn hãy nghĩ ngay đến nguy cơ sữa hỏng. Do vị giác của trẻ em rất nhạy cảm nên thường dễ nhận ra vị chua khó chịu khi uống. Trường hợp này bạn nên ngừng cho bé uống sữa và kiểm tra lại chất lượng của sữa mẹ.
Trên đây là 7 sai lầm phổ biến khi trữ sữa mẹ mà rất nhiều người mắc phải. Hy vọng thông tin cho Tip Hay tổng hợp sẽ hữu ích với bạn và gia đình.
Nguồn: ttvn.toquoc.vn